Các nhà đầu tư của Trung Quốc đã không còn được chào đón tại Thung lũng Silicon

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Vào cuối những năm 2010, các nhà đầu tư mạo hiểm Trung Quốc đã đổ hàng tỉ USD vào Thung lũng Silicon. Nhưng từ thời cựu Tổng thống Donald Trump, mọi thứ đã đảo chiều.

Ảnh: SCMP
Ảnh: SCMP

Một thời vàng son

Michael (tên tiếng Anh) là một doanh nhân thành đạt người Trung Quốc. Ông thành lập một công ty kinh doanh thiết bị điện tử và kiếm được bộn tiền. Sau đó ông đã bán công ty của mình cho một trong những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc.

Vào cuối năm 2011, gia đình ông đã chuyển đến Mỹ, định cư ở Irvine, California. Ông được mời vào một câu lạc bộ độc quyền gồm các nhà đầu tư, những doanh nhân Trung Quốc giàu có, những người đã thành công trong lĩnh vực bất động sản, khai thác mỏ và CNTT.

Vài năm tiếp theo, bạn bè của ông ở Trung Quốc liên tục gọi điện, hỏi liệu ông có thể kết nối họ với những nhà đầu tư ở Thung lũng Silicon không. Hầu như tháng nào ông cũng đón tiếp một phái đoàn Trung Quốc, giới thiệu họ với các công ty khởi nghiệp và nhà đầu tư mạo hiểm của Mỹ.

Michael có cảm giác như mọi người có rất nhiều tiền để đầu tư. Họ tranh giành các giao dịch với hy vọng thu về một khoản lợi nhuận khổng lồ.

“Có vẻ như họ sợ rằng họ sẽ đánh mất cơ hội kiếm bộn tiền nếu hành động chậm chạp”, ông Michael chia sẻ.

Michael được mời tham gia đủ loại sự kiện gây quỹ, triển lãm đường phố và hội nghị công nghệ. Ông đã mua một chiếc Maserati bởi những đối tác của ông đều đang lái Rolls-Royces, Bentleys và Maybachs.

“Vào thời điểm đó, bạn thường nghe mọi người nói về việc kiếm được hàng chục triệu USD, huy động vốn qua nhiều vòng và phát hành cổ phiếu ra công chúng. Dường như mọi người đang ảo tưởng rằng việc kiếm tiền thật dễ dàng”.

Cuối những năm 2010 là thời điểm bùng nổ của các nhà đầu tư Trung Quốc tại Mỹ. Mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh trở nên gắn bó và lĩnh vực công nghệ của hai nước không ngừng tìm kiếm cơ hội thâm nhập thị trường của nhau. Các nhà đầu tư mạo hiểm Trung Quốc – nhiều người trong số họ có quan hệ mật thiết với chính quyền Bắc Kinh – đã đầu tư hàng tỉ USD vào các công ty khởi nghiệp ở Hoa Kỳ.

Một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ giữa Trung Quốc và lĩnh vực công nghệ Mỹ đã phát triển thoải mái như thế nào vào cuối những năm 2010 là phần lớn các công ty liên kết với nhà nước đều có trụ sở hoạt động tại Hoa Kỳ.

Trung tâm đổi mới ZGC, có trụ sở tại Santa Clara, California. Tòa nhà rộng gần 7.000 mét vuông cung cấp không gian làm việc cho các công ty khởi nghiệp thuê, cũng như các phòng hội nghị và trung tâm đa phương tiện để tổ chức các sự kiện.

Nó được khai trương vào tháng 5 năm 2016, cung cấp vốn và cố vấn cho các công ty khởi nghiệp ở giai đoạn đầu, làm việc để mang công nghệ và tài năng của Mỹ tới Trung Quốc.

Theo trang web chính thức, nhiệm vụ của trung tâm là “giúp thủ đô Zhongguancun (Thung lũng Silicon của Trung Quốc) và những công nghệ tiên tiến tại đây vươn ra thế giới”.

Trung tâm đổi mới được hỗ trợ bởi Tập đoàn ZGC, được tài trợ bởi Công ty Quản lý và Vận hành thuộc sở hữu của chính quyền địa phương Bắc Kinh và các tổ chức liên quan đến chính phủ khác.

Đây không phải trường hợp duy nhất. Theo hãng tin Reuters, hơn 20 công ty đầu tư mạo hiểm hoạt động tại Thung lũng Silicon năm 2018 đều có mối quan hệ chặt chẽ với một quỹ của chính phủ Trung Quốc hoặc tổ chức nhà nước khác.

Tổng cộng, số tiền mà các quỹ đầu tư mạo hiểm do Trung Quốc đầu tư vào các công ty khởi nghiệp ở Mỹ đã đạt đỉnh vào năm 2018, với tổng trị giá 4,59 tỉ USD, theo dữ liệu từ Rhodium Group, một công ty nghiên cứu kinh tế.

Tình hình đã thay đổi

Kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, chính phủ Hoa Kỳ bắt đầu nghi ngờ về bất kỳ công nghệ nào có liên quan đến Trung Quốc.

Tốc độ của sự thay đổi khiến nhiều người ngạc nhiên. “Mối quan hệ Trung-Mỹ đã xấu đi nhanh chóng”, Frank Liu, giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Thung lũng Silicon-Trung Quốc chia sẻ, đồng thời cho biết thêm rằng điều này khiến “nhiều nhà đầu tư và doanh nhân mất cảnh giác”.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump khi đó đã áp đặt thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc và bắt đầu chia sẻ những lo ngại về các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các công nghệ tiên tiến.

Đạo luật đánh giá rủi ro đầu tư nước ngoài năm 2018 có hiệu lực vào tháng 11 năm đó, đưa ra những hạn chế mới đối với hoạt động đầu tư nước ngoài vào các công ty Hoa Kỳ.

Vào tháng 5 năm 2019, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã thêm gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei Technologies vào “Danh sách thực thể” của mình, ngăn cản các công ty Hoa Kỳ thực hiện mọi hoạt động kinh doanh với doanh nghiệp.

Vào tháng 2 năm 2020, nhiều quy định đã được bổ sung, yêu cầu giám sát chặt chẽ hơn các khoản đầu tư vào dữ liệu cá nhân nhạy cảm, một số tài sản bất động sản, “công nghệ quan trọng” và “cơ sở hạ tầng quan trọng”.

Dữ liệu của Rhodium Group cho thấy khoản đầu tư của các nhà đầu tư mạo hiểm Trung Quốc vào các công ty khởi nghiệp ở Mỹ đã giảm xuống còn 2,27 tỉ USD vào năm 2019, chỉ bằng hơn một nửa so với năm trước.

thuong mai my trung.jpg
Dòng vốn đầu tư giữa Trung Quốc và Mỹ đã giảm mạnh trong những năm gần đây do mối quan hệ giữa hai nước ngày càng xấu đi

Vào tháng 1 năm 2021, FBI đã bắt giữ giáo sư Gang Chen của MIT với cáo buộc gian lận trợ cấp liên bang.

Đó là khoảng thời gian ông Michael quyết định rời Mỹ, trở về Trung Quốc để tham gia một công ty khởi nghiệp do bạn bè thành lập. “Vào thời điểm đó, Trung Quốc dường như có nhiều cơ hội hơn, trong khi có quá nhiều vấn đề khó khăn liên quan đến hoạt động kinh doanh ở Mỹ”, ông nói.

Kể từ đó, chính quyền của Tổng thống Joe Biden tiếp tục gây áp lực lên lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc, áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, hạn chế đầu tư và thuế quan mới.

Vào tháng 10 năm 2022, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ban hành các quy định mới cấm các công ty Hoa Kỳ xuất khẩu công nghệ được sử dụng để sản xuất chip hoặc siêu máy tính tới Trung Quốc.

Gần đây, Nhà Trắng sắp đạt được thỏa thuận hạn chế đầu tư của Mỹ vào các công ty công nghệ Trung Quốc và cấm một số giao dịch trong các lĩnh vực quan trọng, bao gồm cả vi mạch. Dưới áp lực này, một số công ty công nghệ Trung Quốc, bao gồm gã khổng lồ gọi xe DiDi, đã hủy niêm yết khỏi thị trường Mỹ.

Những doanh nghiệp khác, bao gồm cả nền tảng podcast Himalaya, đã hoãn kế hoạch niêm yết tại Mỹ của họ. Các nhà lập pháp Mỹ đang thảo luận công khai về việc cấm TikTok , nền tảng truyền thông xã hội thuộc sở hữu của ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh .

Những biện pháp hạn chế này đã khiến nhiều người tại Trung Quốc phản ứng dữ dội. Andy Mok, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết các nhà đầu tư Trung Quốc vẫn muốn làm việc với các đối tác Mỹ, nhưng “sự thù địch này từ phía Hoa Kỳ đã tạo ra rào cản”.

“Tôi thấy vô cùng thất vọng khi nhiều người Mỹ bị truyền thông phương Tây đầu độc về Trung Quốc”, ông nói thêm.

Trước khi mối quan hệ Trung-Mỹ bắt đầu rạn nứt, các học giả người Mỹ gốc Hoa đã là cầu nối giữa hai nước. “Nhưng vì nhiều học giả như Chen Gang đã bị FBI điều tra, giờ đây họ quá sợ hãi khi có quan hệ với các nhà đầu tư Trung Quốc và chính phủ Trung Quốc”, ông Liu, người có công ty đang chuyển trọng tâm sang châu Âu, Israel, Nhật Bản và Hàn Quốc, cho biết.

Ông Orlando của công ty USC nói rằng hiện tại ông hiếm khi được các nhà đầu tư Trung Quốc tiếp cận và những người sáng lập đang dần cảnh giác với việc nhận tiền từ các nhà đầu tư Trung Quốc.

“Mọi người đang suy nghĩ và cân nhắc những rủi ro tiềm ẩn. Những người sáng lập đang dần e ngại khi nhận các khoản đầu tư từ Trung Quốc”, ông nhận định.

Theo SCMP