|
Tại Hà Nội, ứng dụng VATO chỉ mới “chân ướt chân ráo” gia nhập thị trường từ ngày 7/3 vừa qua. |
Trái với suy nghĩ Grab sẽ bao sân khi Uber chính thức rời Việt Nam (từ ngày 9/4), người dùng trong nước bất ngờ khi hàng loạt các ứng dụng gọi xe bung ra như nấm sau mưa. Thậm chí có những ứng dụng bỏ hoàn toàn chiết khấu tài xế, trong khi mức chiết khấu Grab đang áp dụng với tài xế là 20 - 30%.
Ứng dụng Vato: Lái xe và khách hàng thoải mái mặc cả
Vato có thể được coi là ứng dụng đình đám nhất tại Việt Nam ở thời điểm này. Ngay sau khi ngày Uber rời khỏi Việt Nam được định đoạt, thông tin Phương Trang “bơm” 100 triệu USD để mua lại Vivu và phát triển thành Vato khiến không ít người kỳ vọng có thể thế chân Uber tại thị trường Việt Nam khi được chuẩn bị tiềm lực về kinh tế khá vững vàng.
Trao đổi với VietTimes về quyết định bỏ khoản thu chiết khấu và các mức phạt đối với tài xế từ ngày 10/4 vừa qua, ông Trần Thành Nam CEO kiêm người sáng lập Vato cho hay, đây là một bước để Vato thu hút tài xế, nhất là những tài xế đang thất nghiệp từ "khoảng trống" Uber.
Ông Trần Thành Nam cũng cho biết, việc áp tô, trừ thuế đối với tài xế thực ra là biện pháp áp chế tài xế, tránh tình trạng tăng phí dịch vụ của khách hàng. Tuy nhiên, sau một thời gian áp dụng, VATO nhận thấy rằng các biện pháp này chưa phù hợp với tình trạng hiện nay nên đã tạm ngừng.
Phân tích rõ hơn, ông Nam nói: “Hiện chúng tôi đang thiếu tài xế, dẫn đến việc nhiều khách hàng đặt xe nhưng tài xế ở quá xe, vì vậy tài xế không nhận chuyến. Trong trường hợp này, nếu trừ tiền của tài xế thì không tốt cho lắm, vì vậy chúng tôi đã bỏ những điều khoản này”.
Ông Nam cũng hi vọng, việc bỏ chính sách thu phí này, Vato hi vọng sẽ giúp anh em tài xế có động lực làm việc hơn. Đồng thời, ông bày tỏ: “Trong thời gian này, có một lượng lớn tài xế Uber, có thể gọi là thất nghiệp, nên cũng mong khách hàng ủng hộ cho anh em tài xế, đây cũng là giúp đỡ anh em tài xế lúc đang khó khăn này.”
Tuy nhiên, việc bỏ thu phí này chỉ mang tính nhất thời điểm.
Tại Hà Nội, ứng dụng VATO chỉ mới “chân ướt chân ráo” gia nhập thị trường từ ngày 7/3 và đã nhận được nhiều phản hồi rất tích cực từ khách hàng cũng như các đối tác. Tuy nhiên, ông Nam thừa nhận VATO mới chỉ xuất hiện nên hệ thống hoạt động vẫn còn nhiều thiếu sót và cần bổ sung.
Ứng dụng Xelo: Lái xe tự thiết lập giá
Xelo là ứng dụng do công ty Skysoft -- vốn hoạt động trong mảng quản lý vận tải khoảng 10 năm nay, chuyên cung cấp giải pháp về định vị, quản lý phương tiện, vận hành.
Trao đổi với VietTimes vào giữa tháng 4/2018, ông Giang cho biết, hiện Xelo đã nhận được hơn 4.000 lượt đăng kí và đang chờ phê duyệt, hệ thống đã phê duyệt được được 2.000 lượt. Trung bình mỗi ngày, có khoảng từ 150 đến 250 tài xế đăng kí mới. Dự kiến, lượng tài xế tham gia Xelo sẽ lên tới con số 10.000 vào cuối tháng 4/2018.
Nhà sáng lập ứng dụng gọi xe Xelo cho biết, trong giai đoạn đầu, Xelo sẽ hỗ trợ miễn chiết khấu đối với tài xế đến hết năm 2018. Dự kiến, nếu tiến hành thu chiết khấu tài xế, thì tỷ lệ chiết khấu sẽ được căn cứ vào các khoản đầu tư cụ thể và hoạt động thực tế để tính toán, nhưng không quá 15% doanh thu tài xế.
Được xây dựng như một sàn giao dịch vận tải hành khách, ứng dụng Xelo hỗ trợ cả taxi truyền thống và công nghệ. Ứng dụng này cho phép lái xe tự thiết lập mức giá dựa vào chất lượng xe và mong muốn của lái xe. Trên nguyên tắc tự cân bằng, hệ thống sẽ đặt ra các tiêu chí ưu tiên về giá, chất lượng xe, sao của lái xe... để tự động lựa chọn cho hành khách một xe tối ưu nhất.
Ứng dụng gọi xe T.net: Rẻ hơn giá taxi chính hãng 20%
T.net là ứng dụng gọi xe được ra mắt sau 1 năm nghiên cứu và phát triển, do Giảng viên Nguyễn Văn Sang, Bộ môn Công nghệ phần mềm, ĐH FPT cùng gần 20 sinh viên, cựu sinh viên FPT thực hiện.
|
Ứng dụng gọi xe thông minh T.NET được nhóm giảng viên, sinh viên trường Đại học FPT nghiên cứu và phát triển (Ảnh: fpt.com.vn) |
Không chỉ là sự kết hợp giữa hai ứng dụng “đình đám” của nhà đầu tư quốc tế Uber và Grab, ứng dụng gọi xe thông minh giá trẻ T.net tận dụng thế mạnh am hiểu địa phương để tự tin đưa ứng dụng này có mặt trên các tỉnh, thành nhỏ lẻ.
Thời điểm hiện tại, ứng dụng gọi xe thông minh T.net đang được triển khai tại Hà Nội và Hưng Yên. Trưởng nhóm phát triển ứng dụng T.net - Giảng viên Nguyễn Văn Sang cho biết sau khi phủ các tỉnh thành ở phía Bắc, T.net sẽ Nam tiến với điểm đến là TP.HCM trong vài tháng tới.
FPT cũng cho biết, với khách hàng, ứng dụng gọi xe thông minh T.net hiện đang có 8 hạng xe dịch vụ, từ bình dân đến cao cấp, gồm xe mô tô (xe ôm), xe hơi và taxi. Đem lại sự tiện lợi như các ứng dụng gọi xe cao cấp quốc tế với giá tương đương, T.net còn có điểm nhấn là dịch vụ xe taxi truyền thống với giá rẻ hơn đặt xe trực tiếp với tổng đài.
Theo giảng viên Nguyễn Văn Sang, giá dịch vụ taxi của các hãng như Mai Linh, Vinasun, Long Biên, Mỹ Đình... trên ứng dụng T.net rẻ hơn giá chính hãng tới 20%. “Các hãng xe taxi cũng được giữ nguyên logo trên ứng dụng để khách hàng chọn lựa theo nhu cầu sử dụng” nhóm phát triển ứng dụng T.net cho hay.
Lính mới Didi: Tự nhận là Uber 2.0
Những ngày gần đây, ứng dụng gọi xe công nghệ Didi vừa ra mắt đã tạo làm nhiều người tò mò khi có tên gọi na ná giống tên hãng gọi xe nổi tiếng đang đứng đầu thị trường Trung Quốc là Didi Chuxing và giao diện giống hệt Uber.
Trên Fanpage của Didi, nội dung chia sẻ thường là các chương trình quảng cáo, giảm giá cho khách đi xe và đặc biệt hướng tới lượng tài xế mà Uber đã bỏ lại khi thường xuyên đưa ra thông điệp: "Uber đã rời khỏi Việt Nam, các bác tài cứ để Didi lo".
Theo tìm hiểu của VietTimes, Didi Việt Nam được thành lập vào giữa năm 2016, người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Đình Hòa. Theo đăng kí kinh doanh, công ty này hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải, gồm có gửi hàng, sắp xếp hoặc tổ chức các hoạt động vận tải đường sắt, đường bộ, đường biển hoặc đường hàng không, giao nhận hàng hóa và các hoạt động liên quan khác như bao gói hàng hóa nhằm mục đích bảo vệ hàng hóa trên đường vận chuyển, dỡ hàng hóa, lấy mẫu, cân hàng hóa,…
Trong giai đoạn đầu này, Didi đang có nhiều chương trình khuyến mại, như giảm tới 30.000 đồng/cuốc xe cho những cuốc xe đầu, kéo dài tới hết năm 2018. Ngoài ra, với các tài xế, Didi cũng cho biết, đang miễn phí 6 tháng kể từ ngày hoạt động. Sau đó, sẽ thu phí 15% và cam kết không tăng tỷ lệ chiết khấu.
Dường như muốn nhấn mạnh mình là phiên bản Uber “nhái” một lần nữa, Didi khẳng định hình thức thu tiền giống Uber, và tài xế không phải nạp tiền.