Các hãng công nghệ đã làm gì trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ?

Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang diễn ra sôi động, các hãng công nghệ tiếp tục phô diễn những tiện ích tốt nhất giúp cử tri Mỹ có được những thông tin chất lượng trong ngày bầu cử.

(Nguồn: AP)

Vai trò của các công ty công nghệ trong các cuộc bầu cử ở Mỹ đã được khẳng định từ năm 2016. Và ngày hôm nay trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang diễn ra sôi động, các hãng công nghệ tiếp tục phô diễn những tiện ích tốt nhất giúp cử tri Mỹ có được những thông tin chất lượng trong ngày bầu cử.

Khác với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cách đây 2 năm, khi đó, các hãng công nghệ như Facebook, Google hay Twitter bị chỉ trích dữ dội khi để thông tin sai lệch lũng đoạn cuộc bầu cử thì trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ lần này, mọi thứ dường như đã đảo ngược.

Dưới đây là một số cách mà các hãng công nghệ lôi kéo người dùng trong ngày bầu cử ở Mỹ:

Google và YouTube

Google đã thay đổi hình ảnh minh họa trên trang chủ vào sáng thứ Ba - giờ Mỹ với dòng chữ "Go Vote" (Đi bỏ phiếu) thay cho chữ logo "Google").

Và thú vị hơn, khi người dùng nhấp vào dòng chữ trên, nó sẽ đưa đến truy vấn tìm kiếm "Tôi bỏ phiếu ở đâu #ElectionDay" ("Where do I vote #ElectionDay") và kéo lên một hộp thông tin nơi người dùng có thể nhập địa chỉ nhà để tìm vị trí bỏ phiếu.

Google đã tạo các hộp thông tin dễ hiểu khác cho các câu hỏi về cách đăng ký bỏ phiếu và ngôn ngữ nào được sử dụng cũng như các biện pháp bỏ phiếu khác nhau.

YouTube do Google sở hữu cũng mang đến những video truyền trực tiếp diễn biến cuộc bầu cử từ các hãng tin tức.

Apple

Trong khi đó, Apple lại thực hiện một chiến dịch quảng cáo về các ứng dụng sẽ giúp người dùng "bỏ phiếu thông minh hơn" trên trang chủ gian hàng ứng dụng App Store.

Trong số các ứng dụng được quảng cáo, người dùng có thể lựa chọn những ứng dụng cung cấp tin tức bầu cử như The Washington Post; hay ứng dụng giúp người dùng có được cái nhìn tổng quát về các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử như ứng dụng Lyft.

Ứng dụng tin tức của riêng Apple, Apple News cũng được tổ chức lại với thông tin cập nhật liên tục về kết quả bầu cử. Video trực tiếp về cuộc bầu cử cũng có sẵn thông qua các ứng dụng từ NBC và ABC.

Facebook

Facebook là một trong những hãng công nghệ được chú ý hàng đầu trong cuộc bầu cử năm nay ở Mỹ. Ngay trước thềm cuộc bầu cử, mạng xã hội lớn nhất thế giới đã chặn 115 tài khoản phát tán thông tin sai lệch trên các dịch vụ của hãng.

Theo các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ, các tài khoản này bị cáo buộc là giả mạo hoặc "có thể được liên kết với các thực thể ở nước ngoài."

Trong diễn biến mới nhất, Facebook ngày 6/11 cho biết đã chặn thêm nhiều tài khoản, ngoài 115 tài khoản đã bị chặn trong cuối tuần qua, với cùng lý do là chúng có thể liên quan tới các thực thể nước ngoài tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ.

Bên cạnh những nỗ lực chặn tài khoản giả mạo, phát tán thông tin sai lệch, trong ngày bầu cử, Facebook còn phát hành những tiện ích thông tin có liên quan cho người dùng thông qua thẻ thông tin Bầu cử năm 2018 ( 2018 Election).

Trong thẻ thông tin này, người dùng có thể nhìn thấy danh sách các ứng cử viên trên lá phiếu trong khu vực bỏ phiếu.

Instagram thuộc sở hữu của Facebook cũng giúp cử tri bỏ phiếu bằng cách thêm một hình dán "Tôi đã bỏ phiếu" ("I Voted") và "Chúng tôi đã bỏ phiếu!" ("We Voted!") trên câu chuyện (story) ở đầu ứng dụng.

Twitter

Chiến dịch #BeAVoter của Twitter bao gồm các hashtag bầu cử chính thức bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Đây là một chiến dịch video nổi tiếng và thông tin trên nền tảng xã hội này về nơi bỏ phiếu và những gì cử tri mong đợi trên lá phiếu.

Twitter cho biết họ nhận thấy một sự gia tăng gấp đôi số người đã tweet về #NationalVoterRegistrationDay so với năm 2016.

Snap

Sau khi báo cáo giúp hơn 400.000 người đăng ký bỏ phiếu thông qua nền tảng của mình, Snap hiện đang khuyến khích các cử tri trẻ nắm được các điểm bỏ phiếu bằng cách phục vụ thông tin thông qua ứng dụng tin nhắn.

Tính năng Snap Map hiển thị bản đồ nơi bạn bè đã chụp Snap Stories, cũng có thể giúp người dùng tìm vị trí bỏ phiếu của họ.

Snapchat cũng có các bộ lọc để kỷ niệm ngày bỏ phiếu và sẽ gửi video và tin nhắn văn bản thông qua ứng dụng tới tất cả người dùng ở Mỹ từ 18 tuổi trở lên.

Người dùng Snapchat có thể xem kết quả bầu cử trên phần Khám phá (Discover) của ứng dụng.

Uber và Lyft

Cả hai công ty này đều giúp các cử tri dễ dàng đến các điểm bỏ phiếu với các chuyến đi miễn phí hoặc giảm giá.

Để nhận được 10 USD cho một chuyến đi đến các điểm bỏ phiếu với Uber, hãy nhập mã khuyến mại VOTE2018 vào phiên bản mới nhất của ứng dụng, sau đó nhấp vào thanh toán, thêm mã khuyến mãi.

Người dùng có thể tìm và chọn vị trí bỏ phiếu của mình thông qua ứng dụng, sau đó chọn tùy chọn hợp lý nhất có sẵn (Express POOL, POOL hoặc UberX, tùy thuộc vào nơi sinh sống).

Lyft cung cấp chương trình giảm giá 50% trị giá lên đến 5 USD cho người dùng di chuyển đến điểm bỏ phiếu khi họ nhập mã khuyến mại trên trang này./.

Theo Vietnam+

http://www.vietnamplus.vn/cac-hang-cong-nghe-da-lam-gi-trong-cuoc-bau-cu-giua-nhiem-ky-o-my/533829.vnp
Theo VietnamPlus