Cách mạng công nghiệp lần thứ tư:

Các doanh nghiệp Công nghệ Việt đã kiến nghị gì với Chính phủ?

VietTimes -- Trước lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc toàn bộ máy hành động để Việt Nam sớm bước lên “con tàu 4.0”, nhiều DN công nghệ đã bày tỏ sự sẵn sàng, đồng thời, kiến nghị Chính phủ cần tạo điều kiện để mỗi người dân và doanh nghiệp có cơ hội phát triển số nhanh hơn. 
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng Cách mạng công nghiệp 4.0 đã ở rất gần Việt Nam, thậm chí ở ngay trong Việt Nam hiện tại.

Tại “Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0”, với chủ đề “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, diễn ra mới đây, các đoanh nghiệp đều bày tỏ sự sẵn sàng và đề xuất với Thủ tướng những giải pháp đế Việt Nam đi nhanh hơn. Đồng thời, đề xuất các DN công nghệ 4.0 cần được hưởng chính sách ưu đãi như các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào VN như các chính sách mà Samsung đang được hưởng.

Mở cửa cho các loại hình DN

Ý kiến chung, nhiều DN đề xuất, đầu tiên và quan trọng nhất là Nguồn nhân lực, nhất là là nhân lực về trí tuệ nhân tạo vì trên thế giới hiện chỉ có 10 ngàn chuyên gia về Trí tuệ nhân tạo, trong khi VN mới có khoảng 200 nhà khoa học dữ liệu lớn.

Ông Nguyễn Trung Chính – Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn Công nghệ CMC, cho rằng một trong những việc mấu chốt phải làm là hoàn thiện chính sách đào tạo, dùng nhiều biện pháp để tăng nguồn nhân lực chất lượng. Cũng theo Chủ tịch CMC, có 2 vấn đề trong việc phát triển nguồn nhân lực trong chuyển đổi số, đó là việc làm thế nào để phát huy được việc dạy và học toán, mà cụ thể ở đây là toán ứng dụng và tiếng Anh. 

Ông Nguyễn Trung Chính kiến nghị hoàn thiện chính sách đào tạo, dùng nhiều biện pháp để tăng nguồn nhân lực chất lượng.

“Phải đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT, khuyến khích mọi thành phần tham gia vào công tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT. Tôi rất muốn Chính phủ có chính sách cho giáo dục đào tạo để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Đặc biệt là cho tư nhân được tham gia một cách dễ dàng trong việc thành lập trường hay có những cơ sở đào tạo vì hiện nay yêu cầu tương đối khắt khe”, Chủ tịch CMC đề xuất.

Ông Nguyễn Trung Chính đề xuất cụ thể, Chính phủ có chính sách cho các DN đầu tư vào những lĩnh vực Công nghệ 4.0 (big data, AI…) được hưởng các ưu đãi như các DN công nghệ cao và được hưởng chính sách thuế tương tự với doanh nghiệp nước ngoài như Samsung. Đồng thời, được hưởng ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đất đai, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu.

"Chính sách này nên áp dụng cho bất kỳ DN nào kể cả trong và ngoài nước sẽ thu hút được lượng lớn DN từ nước ngoài cũng như nguồn lực và trí lực trong nước đầu tư vào lĩnh vực này", ông Chính khẳng định

Ủng hộ đề xuất cho DN tư nhân được tham gia nhiều hơn, sâu hơn, ông Vũ Trường Ca – Chủ tịch HĐQT LINA Network Corporation đề xuất Chính phủ cần có chiến lược phát triển công nghệ 4.0, trong đó thúc đẩy nhanh việc triển khai Chính phủ điện tử, thành phố thông minh, tin tưởng giao cho các DN tư nhân tham gia vào công việc này.

Ông Vũ Trường Ca cho rằng công nghệ Blockchain chính là nền tảng chủ đạo của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, là “chuỗi mỏ kim cương” mà Việt Nam đang rất cần để phát triển tổng hợp các ngành nghề.

 Ông Vũ Trường Ca chia sẻ về việc thành lập Chính phủ điện tử tại Việt Nam.

Theo ông Ca, hiện nay, hầu hết các chính phủ điện tử đều hướng đến xu thế "người dân là trung tâm", người dân chỉ cần truy nhập dịch vụ một lần qua một cửa là có thể tương tác, sử dụng các dịch vụ từ Chính phủ 24/7. Quá trình này sẽ giúp tăng tính minh bạch, giảm chi phí, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, góp phần làm giảm tiêu cực...

“Với công nghệ Blockchain, dữ liệu được số hóa một cách nhanh chóng, có tính bảo mật cao và an toàn. Chúng ta hoàn toàn có thể chia sẻ thông tin theo phương thức hàng ngang mà không cần bên thứ ba quản lý. Mọi thông tin chia sẻ từ người dùng sau khi được định danh điện tử bằng Blockchain được xem như một hồ sơ công khai trên nền tảng kỹ thuật số", Chủ tịch LINA Networkchia sẻ.

Nền kinh tế mới đòi hỏi khung pháp lý khác

Nhận định về mức độ bức thiết trong các đề xuất của các DN công nghệ, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng: “Nền kinh tế mới sẽ đòi hỏi một khung khuôn khổ pháp lý khác thì chúng ta phải đi trước. Nếu chúng ta làm trước một bước thì rất nhiều tổ chức Việt Nam cũng như các tổ chức quốc tế sẽ thấy Việt Nam như 1 điểm đến hấp dẫn 4.0".

Ông Trương Gia Bình từng cho rằng, cuộc cách mạng 4.0 có nhiều điều rất khác so với 3 cuộc cách mạng từng diễn ra trong lịch sử. Đặc trưng của nó chính là những rô bốt có trí tuệ toàn cầu.

“Đây không phải là cuộc cách mạng của mình các đại gia mà là của tất cả mọi người. Trong đó, có thể là những nhóm người rất nhỏ bé, chỉ vài người nhưng chính những nhóm nhỏ đó sẽ thay đổi tương lai, diện mạo của nền kinh tế”, ông Bình nói.

Nói về những bước đi trước tiên đề nhập cuộc 4.0, ông Võ Quang Huệ - Phó TGĐ Vingroup, phụ trách Vinfast bày tỏ, DN này nhận thức được nguồn nhân lực rất quan trọng, nên đã đầu tư hơn 10 triệu USD vào trường dạy nghề.

 Ông Võ Quang Huệ giới thiệu với Thủ tướng về robot đang được sử dụng trong nhà máy lắp ráp và sản xuất xe hơi mang thương hiệu VinFast.

Ông cho rằng đây sẽ là cái nôi cho những kỹ thuật viên công nghệ 4.0 cho tương lai, mỗi năm có 200 người học và hoàn toàn miễn phí. Ông Huệ cho rằng, đây sẽ là cái nôi để đẻ ra nguồn nhân lực không những chỉ đáp ứng cho nhu cầu của Vinfast mà tạo ra sự thúc đẩy nhận thức và làm rõ hơn, xây dựng những chương trình học đi đôi với hành và tiến bộ công nghệ 4.0 là nền tảng cho tương lai sắp tới.