Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, tại Việt Nam, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra cả cơ hội và thách thức cho ngành du lịch, buộc các thành phần trong ngành du lịch phải tiến hành chuyển đổi số, hướng tới hình thành một hệ thống tích hợp và trao đổi dữ liệu du lịch thông minh, qua đó tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm và dịch vụ du lịch Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và giảm thiểu những tác động tiêu cực của làn sóng này ở Việt Nam, trong đó nêu rõ du lịch là một trong những ngành kinh tế được ưu tiên xây dựng chiến lược chuyển đổi số, nhằm thúc đẩy du lịch thông minh phát triển. Đây là định hướng chính sách quan trọng cho ngành du lịch hướng tới các mục tiêu do Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn vào năm 2020.
Thống nhất với ý kiến này, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương cho rằng, bản thân các doanh nghiệp du lịch cần phải sẵn sàng cho sự chuyển đổi số một cách quyết liệt, vì đây đang là xu thế không thể đảo ngược và tất cả bị đặt vào một cuộc đua mang tính sống còn. Những diễn biến trên các thị trường thuộc nhiều ngành nghề cho thấy, nếu các doanh nghiệp không kịp tiến hành chuyển đổi số thì tương lai phát triển của họ gần như sẽ bị đóng lại.
Tận dụng những lợi ích của cách mạng 4.0, ngành du lịch đang hướng tới cá nhân hóa tiêu dùng của du khách. Ông Nguyễn Văn Tuấn nêu ví dụ, trước đây, tiêu dùng du lịch được triển khai ở nhiều dạng, chủ yếu thông qua các công ty lữ hành, tổ chức kinh doanh. Tuy nhiên, hiện tại mỗi người có thể tự quyết định việc tiêu dùng của mình như chủ động đặt vé máy bay, khách sạn, làm visa cũng như tự quyết định lịch trình.
Như vậy, khi có công nghệ hỗ trợ, ngành du lịch sẽ kết nối liên tục, tạo thuận lợi để du khách tự tìm kiếm thông tin, bố trí lịch đi và đến hợp lý, ở lại lâu hơn, mua sắm nhiều hơn.
Các số liệu thống kê cho thấy, du lịch trực tuyến đang tạo ra những thay đổi lớn và các cuộc cách mạng trong kinh doanh. Trước đây, muốn bán một tour du lịch, tiếp thị quảng bá một hình ảnh, các doanh nghiệp du lịch phải phát tờ rơi, tổ chức các chương trình giới thiệu... thì nay những hình ảnh đó đều được đưa lên Internet để tiếp cận khách hàng. Mọi vấn đề du khách phản ánh sẽ được tham vấn, xử lý trực tuyến, không mất nhiều thời gian. Dịch vụ được hỗ trợ tốt hơn sẽ tăng độ thỏa mãn của du khách và thúc đẩy họ quay lại.
Trước áp lực về chuyển đổi số, nhiều doanh nghiệp du lịch đang thực hiện triển khai các ứng dụng thông minh để tăng sức cạnh tranh và giữ chân du khách.
Tổng cục Du lịch cũng đang tích cực triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ quảng bá bằng e-marketing. Trong đó, thông tin, lịch sử, hình ảnh của điểm du lịch sẽ được cung cấp đầy đủ trên Internet thông qua website, các trang mạng xã hội chính thức của Tổng cục Du lịch trên Facebook, Instagram.
Đây là chiến lược phải đẩy mạnh trong thời gian tới và Tổng cục Du lịch mới thực hiện bước đầu. Định hướng xây dựng e-marketing là hướng tới du khách chứ không phải nhà quản lý. Khách du lịch đến từ nhiều thị trường với ngôn ngữ khác nhau nên các sản phẩm e-marketing sẽ hướng tới tiếp cận càng nhiều thị trường càng tốt. Hội đồng Tư vấn du lịch đang hỗ trợ tổng cục xây dựng đề án này với một chiến lược cụ thể về e-marketing cho du lịch Việt Nam trong 3 năm, bắt đầu từ năm 2017.