Căng thẳng giữa các công ty viễn thông châu Âu và Big Tech đã lên đến đỉnh điểm. Các ông chủ viễn thông liên tục gây áp lực lên các cơ quan quản lý để khiến những gã khổng lồ công nghệ phải trả phí sử dụng internet.
Nhiều tập đoàn viễn thông tại các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) cho biết những doanh nghiệp công nghệ lớn, chủ yếu là Big Tech tại Mỹ, đang xây dựng hoạt động kinh doanh trên nền tảng hạ tầng Internet trị giá hàng tỷ USD được châu Âu triển khai.
Google, Netflix, Meta Apple, Amazon và Microsoft tạo ra gần một nửa lưu lượng truy cập internet ngày nay. Các công ty viễn thông cho rằng Bich Tech phải trả phí “chia sẻ công bằng” để bù đắp việc sử dụng cở sở hạ tầng và giúp tài trợ cho việc triển khai mạng 5G, cáp quang thế hệ tiếp theo.
Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU, đã mở một cuộc tham vấn vào tháng trước để tìm cách giải quyết mâu thuẫn này. Các quan chức EU cũng đang tham khảo ý kiến về khả năng yêu cầu những gã khổng lồ Internet góp ngân sách trực tiếp cho nhà mạng.
Tuy nhiên, Big Tech cho rằng điều này không khác gì "nộp thuế" và có thể tác động xấu đến tình bình đẳng trên Internet.
Các đại gia viễn thông nói gì?
Các ông chủ viễn thông hàng đầu đã "ra tay" với các công ty công nghệ trong Đại hội Thế giới Di động ở Barcelona.
Họ phàn nàn về việc phải chi hàng tỉ USD cho việc đặt cáp và lắp đặt ăng-ten để đối phó với nhu cầu internet ngày càng tăng trong khi Big Tech không có những khoản đầu tư tương tự.
“Không có công ty viễn thông, không có mạng, không có Netflix, không có Google”, Michael Trabbia, giám đốc công nghệ và đổi mới của Orange của Pháp, nói với CNBC. “Vì vậy, chúng tôi đặc biệt quan trọng, chúng tôi là điểm khởi đầu của thế giới kỹ thuật số”.
Trong một bài thuyết trình ngày 27 tháng 2, Giám đốc điều hành của tập đoàn viễn thông Đức Deutsche Telekom, Tim Hoettges, đã cho khán giả xem một hình minh họa thể hiện quy mô vốn hóa thị trường giữa những người tham gia ngành công nghệ. Theo đó, những gãi khổng lồ của Hoa Kỳ đã thống trị bản đồ này.
Tim Hoettges, CEO tập đoàn viễn thông Đức Deutsche Telekom, hôm 27/2 nói các doanh nghiệp công nghệ Mỹ đang chiếm phần lớn thị trường và đặt câu hỏi "tại sao họ không thể đóng góp chỉ một phần nhỏ vào nỗ lực xây dựng hạ tầng".
Howard Watson, Giám đốc công nghệ của BT, cho biết ông nhận thấy mức phí dành cho những gã khổng lồ công nghệ lớn là xứng đáng.
"Chúng ta có thể triển khai mô hình hai mặt, trong đó cả khách hàng và nhà cung cấp nội dung sẽ trả tiền cho nhà mạng. Tôi nghĩ nên xem xét phương án này", Watson nói với CNBC vào tuần trước.
Watson đã chỉ ra sự tương tự khi các cửa hàng ứng dụng của Google và Apple, cũng tính phí các nhà phát triển để đổi lại việc được sử dụng dịch vụ, nền tảng của họ.
Các hãng công nghệ Mỹ nói gì?
Các nỗ lực triển khai phí sử dụng hạ tầng cũng vấp phải chỉ trích từ các tập đoàn công nghệ. CEO Netflix Greg Peters cuối tháng trước cho biết yêu cầu này gây tác động tiêu cực đến người dùng. Netflix đã dành nhiều tiền để cung cấp nội dung cho người dùng, việc thêm phí hạ tầng mạng sẽ khiến họ khó phát triển các chương trình hấp dẫn cho khán giả.
Các công ty công nghệ nói rằng các nhà mạng đã nhận tiền để đầu tư vào cơ sở hạ tầng từ khách hàng của họ — những người trả phí cuộc gọi, tin nhắn, dữ liệu.
Matt Brittin, người đứng đầu EMEA của Google, cho biết vào tháng 9 rằng người tiêu dùng có thể sẽ phải chịu chi phí do các nền tảng nội dung kỹ thuật số yêu cầu và điều này cuối cùng có thể “có tác động tiêu cực đến người tiêu dùng, đặc biệt là vào thời điểm giá cả tăng cao”.
Các công ty công nghệ cũng cho rằng họ đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng viễn thông châu Âu, bao gồm cả cáp ngầm và máy chủ.
Sự bình đẳng trên Internet
Sự bình đẳng trên Internet — nguyên tắc nói rằng Internet phải miễn phí, cởi mở và không ưu tiên cho bất kỳ dịch vụ nào — có thể sẽ mất đi. Các công ty viễn thông khẳng định họ không cố gắng tác động vào sự bình đẳng trên Internet.
Các tập đoàn công nghệ lo ngại những bên trả nhiều phí cho cơ sở hạ tầng sẽ được cấp quyền truy cập mạng tốt hơn.
Brittin của Google nói rằng các khoản thanh toán "trả phí hạ tầng có thể chuyển thành những biện pháp phân biệt đối xử giữa những phương thức sử dụng mạng khác nhau, xâm phạm quyền của người dùng cuối".
Giải pháp ngắn hạn?
Các nhà mạng phàn nàn rằng mạng lưới của họ bị tắc nghẽn do lưu lượng khổng lồ từ Bich Tech.
Một giải pháp được đưa ra là phân phối nội dung vào các thời điểm khác nhau để giảm bớt gánh nặng cho lưu lượng mạng.
Những nhà cung cấp nội dung kỹ thuật số có thể căn giờ phát hành phim bom tấn hoặc game một cách hiệu quả, cũng như nén dữ liệu để giảm áp lực cho hạ tầng Internet.
"Có thể bắt đầu bằng cách xây dựng thời gian biểu rõ ràng về những nội dung sẽ được phát hành, thảo luận về việc các công ty đã sử dụng phương thức hiệu quả nhất để truyền tải dữ liệu hay chưa, cũng như liệu các nội dung không chú trọng thời điểm phát hành có thể được tung ra vào giờ khác nhau hay không?” Marc Allera, Giám đốc điều hành bộ phận người tiêu dùng của BT, chia sẻ với CNBC.
Không phải một lựa chọn đơn giản
Trong hơn một thập kỷ, các nhà khai thác viễn thông đã liên tục phàn nàn về các dịch vụ truyền thông và nhắn tin vượt trội như WhatsApp và Skype đang sử dụng “miễn phí” cơ sở hạ tầng của họ.
Thierry Breton, người đứng đầu thị trường nội bộ của Ủy ban châu Âu, cho biết liên minh phải “tìm một mô hình tài chính cho các khoản đầu tư khổng lồ cần thiết” vào việc phát triển các mạng di động thế hệ tiếp theo và các công nghệ mới nổi, chẳng hạn như metaverse.
Breton cho biết điều quan trọng là không làm suy yếu sự bình đẳng trên Internet.
Theo CNBC