|
Ảnh: Yahoo Finance |
Các doanh nghiệp Trung Quốc đang chạy đua nhập khẩu thiết bị bán dẫn và các vật liệu thay thế khác. Trong khi đó, các đối tác nước ngoài vẫn hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc nhưng dè chừng hơn và chờ đợi động thái mới.
Hai nguồn tin tiết lộ, một số công ty sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc đã bắt đầu mua nguyên vật liệu từ tháng 10/2022, khi Mỹ mở rộng lệnh cấm, nhưng đẩy mạnh việc dự trữ từ đầu năm nay. Nguồn tin khác nói, một hãng chip lớn có trụ sở tại Bắc Kinh đã "lấp đầy nhiều nhà kho" linh kiện và nguyên liệu cho sản xuất chip, kể cả những thứ không nằm trong danh mục bị kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.
Một chuyên gia môi giới và tìm nguồn cung sản phẩm Nhật Bản cho biết các công ty ở đây đang mua linh kiện và thiết bị sản xuất bán dẫn "quá nhiều, trên mức cần thiết". Người này đánh giá quy mô mua bán những tháng gần đây là "bất thường nhưng dễ hiểu" do Mỹ có thể tăng thêm lệnh cấm trong tương lai. Trong khi đó, các công ty có liên quan tới Mỹ đang chờ những hướng dẫn mới về kiểm soát xuất khẩu.
Hiện chưa có số liệu chính thức cho thấy Trung Quốc tích trữ bao nhiêu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất chip. Trong khi đó, theo dữ liệu từ Hải quan Trung Quốc tháng 11 và 12 năm ngoái, việc nhập khẩu thiết bị sản xuất chip của nước này giảm mạnh do lệnh cấm của Mỹ. Riêng tháng 12, Trung Quốc nhập 4.789 thiết bị sản xuất bán dẫn, giảm 35,3% so với cùng kỳ 2021. Tính cả năm 2022, việc nhập loại thiết bị này cũng giảm 15,3%.
Việc bị hạn chế nhập khẩu khiến các doanh nghiệp bán dẫn tại Trung Quốc gặp khó. SMIC, công ty gia công chất bán dẫn lớn nhất Trung Quốc, hồi đầu tháng thừa nhận việc sản xuất hàng loạt chip tại nhà máy mới trị giá 7,6 tỉ USD ở Bắc Kinh có thể phải trì hoãn từ một đến hai quý do thiếu các thiết bị cần thiết.
Việc hoảng loạn mua hàng từ các công ty chip cho thấy những hạn chế của Washington đang tác động như thế nào đến việc theo đuổi giấc mơ tự chủ chất bán dẫn của Trung Quốc.
Nicolas Gaudois, Trưởng bộ phận nghiên cứu công nghệ châu Á-Thái Bình Dương tại Ngân hàng Đầu tư UBS, cho biết ngay cả khi có sự phối hợp chặt chẽ hơn về các hạn chế xuất khẩu, Trung Quốc sẽ không bị cắt hoàn toàn khỏi nguồn cung từ Nhật Bản và Hà Lan.
“Nhưng điều này là không đủ để hỗ trợ việc mở rộng sản xuất công nghệ chip của Trung Quốc, bởi vì … cần phải có toàn bộ chuỗi thiết bị cho từng bước của quy trình sản xuất, bao gồm cả thiết bị do các công ty Mỹ bán” ông nói.
Các nhà phân tích cho rằng các hạn chế của Hoa Kỳ ban hành vào tháng 10 năm ngoái - nhằm hạn chế chip logic tiến trình 14 nanomet, DRAM tiến trình 18 nm và thẻ NAND 3D 128 lớp - đã loại bỏ khả năng sản xuất chip tiên tiến của Trung Quốc.
Trong khi Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan vẫn chưa chính thức tiết lộ chi tiết về thỏa thuận của họ, các chuyên gia suy đoán rằng nó sẽ ảnh hưởng đến các nhà cung cấp hệ thống tia cực tím sâu (DUV) của Nhật Bản, những công ty có thể sản xuất chip tiên tiến. Các nhà cung cấp như vậy bao gồm Nikon, công ty sản xuất DUV và Tokyo Electron, công ty sản xuất thiết bị kiểm tra và khắc.
Theo Finance Yahoo