Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn báo cáo về những kết quả đạt được từ việc thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước giai đoạn 2011-2020. Cụ thể, Bộ TT&TT đã phối hợp các bộ, ngành, địa phương xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 2 chương trình quốc gia và 1 nghị quyết của Chính phủ về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, xây dựng chính phủ điện tử.
Tại hội nghị, Thứ trưởng nhấn mạnh những điểm nổi bật của công tác phát triển hạ tầng truyền dẫn chung quốc gia. Trong đó, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã kết nối đến 100% các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng với đó, có 93,4% quận, huyện, thị xã trở thành hạ tầng truyền dẫn căn bản, đảm bảo kết nối giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quan Nhà nước được thông suốt, an toàn, bảo mật.
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn khẳng định: "Thời gian qua, một số cơ sử dữ liệu cốt lõi của quốc gia đã được đẩy mạnh, quyết liệt triển khai như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Đặc biệt, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sau nhiều năm triển khai, đến nay đã được khai trương và đang triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu cho các bộ, ngành, địa phương. Cơ sở dữ liệu này sẽ giúp giảm thiểu yêu cầu giấy tờ cá nhân khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, tác động mạnh mẽ tới hoạt động cải cách quy trình, thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, một số cơ sở dữ liệu nền tảng khác cũng được xây dựng, hoàn thiện như: Cơ sở dữ liệu về bảo hiểm, cơ sở dữ liệu về hộ tịch, cơ sở dữ liệu đăng ký doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu tài chính, cơ sở dữ liệu giáo dục, v.v."
Tuy nhiên, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cũng đề cập đến một số tồn tại, hạn chế về hành lang pháp lý cho triển khai Chính phủ điện tử như nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, định danh, xác thực điện tử. Các cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử cũng đang triển khai chậm. Công tác an toàn, an ninh mạng nhiều nơi chưa được bảo đảm, tiềm ẩn nhiều rủi ro khi phát triển Chính phủ điện tử. Việc chia sẻ, mở dữ liệu của các cơ quan Nhà nước còn hạn chế, tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng chưa cao.
Thứ trưởng cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tham mưu Chính phủ, Thủ tướng để đẩy nhanh ứng dụng công nghệ số, nhằm hiện đại hóa hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ cho người dân, tối ưu hóa hoạt động của cơ quan Nhà nước. Đây là một trong những mục tiêu lớn, hướng tới đẩy mạnh phát triển, hoàn thành sớm các chỉ tiêu phát triển Chính phủ điện tử, hoàn thành Chính phủ số vào năm 2025.