Các bệnh viện lớn khẩn trương chuẩn bị mọi tình huống, sẵn sàng ứng phó với dịch do virus Corona

VietTimes -- Trước tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCoV) diễn biến phức tạp, Việt Nam ghi nhận ca thứ 9 mắc bệnh, các bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng để cách ly, điều trị bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm bệnh.
Khu vực cách ly bệnh nhân. Ảnh: Minh Thúy
Khu vực cách ly bệnh nhân. Ảnh: Minh Thúy

Bệnh nhân viêm phổi phải thở máy có nguy cơ lây nhiễm cao

Theo PGS. TS. Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương - đối với trường hợp nghi ngờ viêm phổi, nhưng do bệnh nhân phải thở máy, nên nguy cơ lây nhiễm rất cao. Vì thế, các bác sĩ phải tuân thủ chặt chẽ việc cách ly trong quá trình điều trị. Các nhân viên y tế đều trang bị phương tiện bảo hộ khi chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân để tránh lây nhiễm chéo.

PGS.TS Trần Minh Điển – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Thái Bình

PGS.TS Trần Minh Điển – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Thái Bình

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, ngay từ khi có thông tin về dịch nCoV bùng phát và diễn biến phức tạp, Bệnh viện Nhi Trung ương đã xây dựng phương án phòng chống dịch.

Theo đó, Bệnh viện đã quán triệt tuân thủ việc tổ chức sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV ngay tại nơi đón tiếp; chuẩn bị sẵn khu cách ly và cơ số giường trong khu vực cách ly, bố trí 1 phân luồng bệnh nhân 1 chiều,… phân công cán bộ trực dịch để chủ động bám sát tình hình dịch và báo cáo kịp thời lãnh đạo Bệnh viện về những diễn biến bất thường.

Người nhà bệnh nhân được phát khẩu trang và được thông tin cách phòng, tránh bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Thái Bình
Người nhà bệnh nhân được phát khẩu trang và được thông tin cách phòng, tránh bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Thái Bình 

Để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương đã thành lập 2 đội chống dịch cơ động, mỗi đội 8 người (nhiều hơn so với hướng dẫn của Bộ Y tế), gồm 3 bác sĩ về cấp cứu, hồi sức và truyền nhiễm và 3 diều dưỡng, 1 lái xe, 1 chuyên gia về kiểm soát nhiễm khuẩn.

“Bình thường chúng tôi cũng duy trì đội cấp cứu ngoại viện, do đó đội chống dịch này cũng hoạt động theo tinh thần của đội cấp cứu nên đều là các y bác sĩ, nhân viên có kinh nghiệm”- PGS. TS. Trần Minh Điển nói.

PGS.TS Trần Minh Điển cũng cho hay, Bệnh viện đã họp và lên kịch bản, nếu dịch ở mức độ 4, lan tràn ra cộng đồng thì Trung tâm y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em của Bệnh viện sẽ được mở rộng. Bệnh viện xác định lên phương án sẽ cô lập toàn bộ Trung tâm này trong tình huống dịch ở cấp độ 4 và lan tràn.

Huy động mọi cán bộ y tế tham gia phòng, chống dịch

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, TS. Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - cho biết, Bệnh viện đã huy động tất cả cán bộ y tế tham gia công tác chống dịch nCoV, trong đó có 60 cán bộ trực tiếp chăm sóc, điều trị người bệnh dương tính và theo dõi giám sát người nghi ngờ. Bệnh viện cũng đã thành lập 2 đội cấp cứu cơ động để sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới.

Đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra công tác khám, chữa bệnh cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Lê Hảo
Đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra công tác khám, chữa bệnh cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Lê Hảo

Hiện, Bệnh viện có khả năng điều trị 1.000 người, trong đó 600 người giám sát, 400 ca điều trị và khoảng 50 giường điều trị tích cực và sẵn sàng cho bệnh viện dã chiến khi cần huy động. Các bác sĩ tại Bệnh viện đang điều trị 3 ca dương tính, 1 ca đã có kết quả âm tính; các ca đã được điều trị có sức khỏe ổn định và được tiếp tục theo dõi. Bệnh viện đã bố trí 2 nơi cách ly cho người dương tính với nCoV và khu vực cách ly đối với ca giám sát, hiện là 57 ca.

Tại Bệnh viện Việt Đức, GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức - cho biết, bệnh viện luôn bố trí đội ngũ trực từ trực lãnh đạo bệnh viện, bác sĩ, y tá, điều dưỡng, an ninh bệnh viện sẵn sàng thu dung cấp cứu, điều trị cho người bệnh.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Lê Vinh
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Lê Vinh 

Bệnh viện cũng có 4 đường dây nóng phục vụ cho nhu cầu cấp cứu, tư vấn về bệnh dịch cho người bệnh, chuẩn bị thuốc men và lượng máu dự trữ để có thể cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng đã chuẩn bị sẵn sàng phòng cách ly và xe cấp cứu riêng, kịp thời ứng phó với dịch bệnh.

Để ứng phó với dịch bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương đã tiến hành cập nhật chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh viêm phổi cấp do nCoV cho toàn bộ y, bác sĩ và nhân viên y tế. 

PGS.TS. Nguyễn Văn Thường – Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương – yêu cầu các nhân viên của Bệnh viện phải tăng cường theo dõi, giám sát, phòng chống dịch, đặc biệt chú ý những bệnh nhân đến khám có biểu hiện ho, sốt để bố trí phòng cách ly kịp thời, chuẩn bị sẵn phương tiện vận chuyển bệnh nhân theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Các bác sĩ trực 24/24 để kịp thời thăm, khám cho bệnh nhân. Ảnh: Lê Vinh
Các bác sĩ trực 24/24 để kịp thời thăm, khám cho bệnh nhân. Ảnh: Lê Vinh

Bên cạnh đó, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương đã nhanh chóng tổ chức thực hiện các chỉ đạo của Bộ Y tế về phòng, chống dịch, thông tin đến từng khoa, phòng và nhân viên; duy trì công tác thường trực 24/24, thành lập Đội phản ứng nhanh nội viện để ứng phó với bệnh viêm phổi cấp do nCoV trong mọi tính huống.

Trước tình hình dịch bệnh viêm phổi do virus corona đang ở mức cảnh báo nguy hiểm với nguy cơ bùng phát tại Việt Nam, Bệnh viện E đã xây dựng phương án phòng chống dịch bệnh, chuẩn bị cơ số giường trong khu vực cách ly, báo cáo thường xuyên với Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội và Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế tất cả trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để cách ly và điều trị kịp thời.