Công nghiệp văn hoá là gì?
Trong Chiến lược Công nghiệp Văn hoá, các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Và để phát triển thị trường này, Chiến lược cũng ghi rõ phải từng bước hình thành cộng đồng người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ văn hóa trong nước thông qua hoạt động quảng bá, nâng cao khả năng tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của công chúng; phát huy vai trò tuyên truyền, giáo dục của các đơn vị, tổ chức văn hóa nhằm phát triển công chúng, người tiêu dùng về năng lực hiểu biết, cảm thụ các sản phẩm, dịch vụ văn hóa.
Riêng về nguồn vốn để đầu tư cho công nghiệp văn hoá, xã hội hoá được đặt lên hàng đầu bên cạnh những đầu tư của Nhà nước. Điều đó cho thấy, văn hoá sớm muộn cũng phải trở thành một lĩnh vực kinh doanh, có lợi nhuận và thu hút những đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau. Tuy vậy, công nghiệp văn hoá phải là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nhằm quảng bá giá trị văn hoá Việt Nam và không được xa rời chính trị.
Có thể thấy đây là một thị trường đầy tiềm năng của các ngành điện ảnh, sân khấu, mỹ thuật, nhiếp ảnh, quảng cáo, nội dung số… Tuy nhiên, điều đáng tiếc là tuy Bộ Công thương có được đề cập đến vai trò của mình trong các cơ quan liên đới cùng vai trò chủ đạo của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhưng Chiến lược lại chưa đề cập đến vai trò không thể thiếu của yếu tố thương mại trong tổng thể của công nghiệp văn hoá nước nhà.
Phải chăng, để làm rõ yếu tố này thì đó là trách nhiệm của Bộ Công thương sau khi đã khảo sát thị trường văn hoá cùng sự nhất trí của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan liên quan.
Ca sĩ không thể thiếu “bầu sô”
Qua thực tế của báo chí muốn tiếp cận với các nghệ sĩ có tên tuổi, thường các nhà báo khó có thể làm việc trực tiếp, mà phải thông qua trung gian là các “bầu sô”. Thậm chí với không ít ca sĩ thành danh thì hoạt động này được tổ chức một cách chuyên nghiệp thành doanh nghiệp hẳn hoi, tức là có các ban bệ rõ ràng cùng hệ thống kế toán và có đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước.
Về cơ bản, chủ các gallery chuyên trưng bày và bán các tác phẩm mỹ thuật cũng không phải là nghệ sĩ |
Theo một đạo diễn sân khấu có uy tín, đã là nghệ sĩ thì phải bay bổng và sáng tạo. Tuy nhiên, khi đã hoạt động trong cơ chế thị trường thì không thể thiếu vai trò của “bầu sô” để kéo sự bay bổng và sáng tạo đó về với thực tế, nhằm làm sao có thể truyền thông một cách hiệu quả nhất và bán vé, thu hút tài trợ…
Hiểu biết thực tế của tác giả bài viết này cho thấy, tuyệt đại đa số các “bầu sô” nghệ thuật, chủ các gallery tranh, giám đốc các nhà sách tư nhân… đều không phải là nghệ sĩ. Chuyên môn của họ là các ngành kinh tế, thương mại… và trong một chừng mực nào đó, có thể họ cũng phần nào là nghệ sĩ nghiệp dư của lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến chính mình.
Như vậy, để thương mại hoá nghệ thuật thì đương nhiên đòi hỏi phải có một nguồn nhân lực làm công việc này một cách chuyên nghiệp, bài bản. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế thì các “bầu sô” và những người làm công tác kinh doanh văn hoá cơ bản là tự trưởng thành qua những công việc của chính mình. Xuất phát điểm có thể cũng chỉ là tình yêu với văn hoá nghệ thuật của họ. Nhưng chính tình yêu và niềm đam mê đã khiến các “bầu sô” dấn thân để thành danh trong thị trường văn hoá nghệ thuật cho dù rất khiêm tốn và không muốn được báo chí xướng tên.
Tựu trung lại, để công nghiệp văn hoá Việt Nam trở thành hoạt động kinh tế có doanh thu hấp dẫn cùng những giá trị không thể phủ nhận với hình ảnh của đất nước thì vai trò của những người làm công tác thương mại cho nó là hết sức quan trọng.
Đã đến lúc Bộ Công thương cần phải vào cuộc để có những nghiên cứu, đánh giá chính thức về hoạt động này. Cùng với việc đó, không chỉ 2 trường Đại học Văn hoá ở Hà Nội và TPHCM, mà ngay chính các trường đại học về kinh tế, thương mại cũng cần sớm vào cuộc để đào tạo nhân lực cho thành tố hết sức quan trọng này của công nghiệp văn hoá.