Ca sĩ hoạt hình TQ có cả triệu người hâm mộ, show kín vé

Một ca sỹ được tạo ra từ công nghệ có hơn 3 triệu người hâm mộ trên Weibo, show diễn chật kín người xem dù giá vé lên đến 235 USD.

Nghệ sỹ piano nổi tiếng Trung Quốc Lang Lang thực hiện một buổi trình diễn cùng với ca sỹ 15 tuổi Luo Tianyi trước hàng nghìn người hâm mộ tại sân khấu ở Thượng Hải. Luo có hơn 3 triệu người theo dõi trên Weibo, vé vào cửa cho sự kiện này lên đến 1.580 NDT, tương đương 235 USD.

Luo Tianyi có buổi biểu diễn đầu tiên cùng nghệ sỹ thật. Ảnh: SCMP.

Tuy nhiên, Luo không có thật. Cô ta là một ca sỹ ảo với bím tóc màu xám và đôi mắt xanh lá cây. Đây là buổi biểu diễn đầu tiên kết hợp giữa một nghệ sỹ thật với thần tượng ảo 3 chiều tại Trung Quốc.

Show diễn của ca sỹ 3D

Luo là thần tượng ảo nổi tiếng nhất ở quốc gia này với giọng nói, tính cách và dáng điệu riêng biệt. Tại buổi hòa nhạc, tác phẩm piano của Lang Lang và giọng ca của Luo được tăng cường với những hiệu ứng hình ảnh hoành tráng. Người hâm mộ say sưa theo bài hát, một số fan còn thét lớn và bật khóc.

"Tôi biết những thần tượng ảo này mạnh mẽ như thế nào và họ thật sự dễ thương", Lang Lang chia sẻ với South China Morning Post trước buổi biểu diễn. "Tôi tin rằng sẽ có sự thăng hoa khi âm nhạc của mình kết hợp với cô ấy".

"Tianyi, người yêu của tôi, tôi yêu bạn", Gao Yu, một sinh viên đại học từ tỉnh Tứ Xuyên hét lớn khi bài hát Xinliyougui kết thúc. Đây là lần thứ hai cô gái 20 tuổi này xem một buổi ca nhạc do ca sỹ ảo trình bày.

Ekip chuẩn bị trước buổi biểu diễn. Ảnh: SCMP.

Việc dàn dựng cho buổi trình diễn của ca sỹ ảo thậm chí còn tốn kém hơn ca sỹ thật. Theo Shanghai Henian Information Technology Co, công ty đã mua toàn quyền nhân vật Luo từ đối tác Yamaha (Nhật Bản) từ năm 2015, một nhóm khoảng 200 người từ Trung Quốc và Nhật Bản đã làm việc trong 6 tháng để chuẩn bị cho đêm diễn kéo dài trong 2 giờ vừa qua.

Bài hát đơn của Luo được dàn dựng trước khi buổi hòa nhạc diễn ra, mọi chuyển động và biểu cảm khuôn mặt cần phải hoàn thiện bằng kỹ thuật 3D với những hiệu ứng phức tạp. Việc tương tác theo thời gian thực khi biểu diễn cần có một nữ diễn viên lồng tiếng và hiệu ứng giọng nói đặc biệt ở hậu trường.

Luo Tianyi được tạo ra vào năm 2012 bởi Yamaha và Thstars. Hình ảnh chính thức của ca sỹ ảo này được lấy từ bình chọn của người hâm mộ, trong khi phần giọng nói do nữ diễn viên lồng tiếng Trung Quốc Shan Xin đảm nhận.

Giọng hát được tổng hợp bằng phần mềm Vocaloid của Yamaha, các nhà soạn nhạc có thể trả tiền để truy cập vào cơ sở dữ liệu giọng nói của Luo và sáng tác các bài hát cho cô ca sỹ ảo này. Họ sẽ nhận được tiền bản quyền nếu bài hát được chọn để Luo trình diễn.

Thần tượng điên cuồng ca sỹ ảo

Kit Cheung Jie, một học sinh trung học 17 tuổi ở Hong Kong, đã chi hơn 2.548 USD trong 7 năm qua để mua các mặt hàng như đồ chơi, tranh vẽ và các sản phẩm khác được sản xuất theo bản quyền của Henian. Để có tiền mua kỷ vật của người hâm mộ, cô đã tiết kiệm tiền ăn và thậm chí làm công việc bán thời gian tại các nhà hàng địa phương.

“Luo Tianyi thật hoàn hảo”, Cheung nói. “Cô ấy không phải là một người thực sự nên cô ấy có thể là bất cứ điều gì bạn muốn. Nó giống như một thần tượng dành riêng cho bạn”.

Cheung cũng tình nguyện quản lý một tài khoản Weibo chia sẻ thông tin mới nhất về Luo.

Sự kết hợp độc đáo giữa ca sỹ ảo và nghệ sỹ thật trong show diễn. Ảnh: SCMP.

Với khoảng 13.000 người theo dõi, cô dành hai đến ba giờ mỗi ngày để quản lý tài khoản, sắp xếp các sự kiện, gây quỹ cho người theo dõi và đăng các bức tranh và tiểu thuyết về người hâm mộ của họ.

Ở buổi hòa nhạc vừa qua, Cheung đã quyên góp được khoảng 5.000 NDT trong chiến dịch gây quỹ cộng đồng để mua hoa thay cho khoảng 145 người hâm mộ không thể đến sự kiện.

Bên cạnh các công ty quản lý hoạt động hàng ngày của thần tượng ảo, các họa sĩ và nhà sản xuất độc lập cũng đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái, làm phong phú thêm tính cách và tăng giá trị của thần tượng.

Những fan trung thành của Luo Tianyi trước khi vào xem buổi biểu diễn. Ảnh: SCMP.

Yang Feiyiqi, một nhà sản xuất âm nhạc có biệt danh Poker trên mạng xã hội, đã viết bài hát cho Luo từ năm 2012. Bài hát nổi tiếng nhất của Yang cho Luo đã được nghe hơn 1 triệu lần trên nền tảng livestream Trung Quốc Bilibili.

Nhiều người viết bài hát cho Luo và đăng tải miễn phí, không đòi hỏi thanh toán tiền tác quyền. Yang nói rằng anh làm điều này vì tình yêu đối với ca sỹ ảo. Tuy nhiên, nhờ vào những bài hát do Luo trình bày, chính Yang cũng trở nên nổi tiếng hơn, điều đó giúp cho anh ta được trả tiền cho những bài hát khác.

Anh ấy cũng đã hợp tác với Henian để viết các bài hát cho video quảng cáo sản phẩm có Luo tham gia, bao gồm một bài cho Vita Lemon Tea, một thương hiệu đồ uống nổi tiếng tại Trung Quốc.

Ngành công nghiệp triệu USD

Khi nói đến lĩnh vực ACG (phim hoạt hình, truyện tranh, trò chơi), nhiều người cho rằng nó chỉ dành cho trẻ em. Tuy nhiên, trên thực tế các nhà sản xuất đã thu hút ngày càng nhiều người trưởng thành yêu thích nền giải trí trẻ trung, sôi động này.

Việc tôn thờ thần tượng ảo của giới trẻ Trung Quốc đã thúc đẩy một ngành công nghiệp mới nổi ở quốc gia đông dân nhất hành tinh. Số lượng thần tượng ảo ước tính khoảng 30 đến 40. Đây là một xu hướng có nguồn gốc từ Nhật Bản. Tại đất nước mặt trời mọc, thần tượng âm nhạc ảo nổi tiếng nhất là Hatsune Miku, một ca sỹ nữ 16 tuổi hát với giọng hát tổng hợp.

Với hơn 1,7 triệu người hâm mộ trên Weibo, Miku đã thực hiện một số buổi hòa nhạc thành công ở Trung Quốc, hát bằng cả tiếng Trung và tiếng Nhật. Sự nổi tiếng của cô đã chứng minh rằng có một thị trường tiềm năng lớn cho các thần tượng ảo, đặc biệt khi số lượng người dùng ACG tại nước này lên đến 350 triệu trong năm 2018.

Theo công ty nghiên cứu thị trường iResearch, ngành công nghiệp hoạt hình (bao gồm cả truyện tranh, đồ chơi và các tác phẩm nghệ thuật có liên quan) tại Trung Quốc dự kiến đạt 29,6 tỷ USD trong năm nay. Riêng lĩnh vực kinh doanh thần tượng ảo, doanh thu năm 2018 đạt khoảng 15 triệu USD, con số này sẽ nhanh chóng tăng lên 194 triệu USD vào năm 2023.

Liu Zizheng nhìn thấy tiềm năng lớn của ngành công nghiệp tạo ra các thần tượng ảo. Ảnh: SCMP.

Liu Zizheng, Giám đốc điều hành của nền tảng livestream KilaKila cho rằng ngành công nghiệp thần tượng ảo của Trung Quốc vẫn còn ở giai đoạn sơ khai. “Đến năm 2018, chúng tôi vẫn đang ở giai đoạn thăm dò thị trường, vì vậy năm nay có thể sẽ là thời điểm bùng nồ của ngành công nghiệp này tại Trung Quốc”.

Ca sĩ ảo như Hatsune Miku và Luo Tianyi đại diện cho thế hệ thần tượng ảo đầu tiên, theo Liu. Thế hệ thần tượng thứ hai đang được tạo ra từ các nhân vật trong phim hoạt hình, truyện tranh và trò chơi, như Tushan Susu trong phim Fox Spirit và Ootengu từ game NetEase Onmyoji.

Hơn 10 công ty, bao gồm Weibo và Kilakila, đã ra mắt quỹ thần tượng ảo đầu tiên của Trung Quốc vào đầu tháng 1/2019 với 100 triệu NDT được phân bổ để giúp gây dựng các dự án đầy triển vọng và thuê chuyên gia sản xuất nội dung.

Theo Zing

http://news.zing.vn/ca-si-hoat-hinh-tq-co-ca-trieu-nguoi-ham-mo-show-kin-ve-post928002.html