Trực thăng vận tải-chiến đấu Mi-24 là biểu tượng sức mạnh không lực Liên Xô dễ nhớ như súng AK. Ngoài những phẩm chất chiến đấu xuất sắc, Mi-24 khác biệt với diện mạo đặc trưng, nhờ đó mà có biệt danh “Cá sấu”, cũng như ưu điểm đặc hữu của vũ khí Liên Xô/Nga là hoạt động bền bỉ, tin cậy trong những điều kiện khắc nghiệt nhất. Mi-24 đã và đang được xuất đến nay sang hơn 50 nước.
Tại nhà máy của nhà sản xuất Rostvertol, hiện nay vẫn đang sản xuất các biến thể mới nhất là Mi-35 để xuất khẩu. Liên Xô/Nga đã sản xuất tổng cộng gần 3.500 chiếc, nên không có gì lạ khi “Cá sấu” đến nay vẫn là nòng cốt của lực lượng trực thăng tiến công của Nga.
Dưới đây là 20 dữ kiện thú vị trong tiểu sử của cỗ máy chiến đấu huyền thoại được mệnh danh là “xe chiến đấu bộ binh bay”.
1. Xe chiến đấu bộ binh bay
Khi nghiên cứu chế tạo trực thăng, các công trình sư Liên Xô đã áp dụng 2 giải pháp kỹ thuật độc đáo. Giải pháp đầu tiên xem ra không thật thành công: Mi-24 được chế tạo trên cơ sở các tổng thành của trực thăng vận tải Mi-8 theo khái niệm “xe chiến đấu bộ binh bay” và có một khoang vận tải có thể chứa 8 lính đổ bộ.
Tuy vậy, trong thực tế, khoang này hiếm khi được sử dụng. Nếu như buồng lái của các phi công được bọc giáp thì khoang chở quân đổi bộ lại chẳng được bảo vệ gì, mà Mi-24 thường phải bay trên trận địa trong làn hỏa lực địch nên chẳng mấy ai thích tham gia màn biểu diễn như thế với tư cách hàng khách của trực thăng này.
Xạ kích chính xác từ các cửa mở như người Mỹ đã thực hành ở Việt Nam là không thể do tốc độ bay của Mi-24. Do đó, khoang chở quân đã trở thành gánh nặng vô ích, khiến trực thăng tuy vẫn bay nhanh, nhưng nặng nề. Trọng lượng cất cánh tối đa của Mi-24 là 11.500 kg. Trong khi ở АН-1, tham số này chỉ là 4.500 kg.
Buồng lái phi công Mi-24 không thể gọi là rộng rãi, nhưng điều quan trọng là được bọc thép (Igor Zarembo, RIA) |
2. Dễ lái như đi dây
Nhược điểm về cơ động của Mi-24 thể hiện phần nào ở một tình huống khác thường: trong trận không chiến giữa một trực thăng Mỹ và một trực thăng Liên Xô diễn ra vào năm 1983 trên biên giới CHDC Đức - CLHB Đức.
Một chiếc Mi-24 đang thực hiện chuyến bay trinh sát dọc biên giới thì chạm trán một chiếc АН-1 đang bay với nhiệm vụ tương tự. Các phi công đã khai diễn một trận đánh cơ động nhưng không dùng vũ khí. Trong quá trình giao tranh, chiếc Mi-24 đã thực hiện vòng lượn nguy hiểm và gặp nạn.
Vấn đề là ở chỗ, để nâng tốc độ, người ta đã làm đường kính cánh quạt rotor chính nhỏ hơn nhiều so với Mi-8 có cùng trọng lượng và kích thước (17,4 m so với 21,3 m). Các lá cánh thì trở nên ngắn, nhưng rộng hơn. Rotor chính như thế có lực cản nhỏ hơn, nhưng do tải tăng lên và nguy cơ ngắt dòng tác động lên các lá cánh, việc lái Mi-24 đòi hỏi trình độ và độ chính xác cao. Các phi công nói rằng, lái Mi-24 “cũng dễ như đi trên dây.
3. Có cánh Đặc điểm thiết kế thứ hai của Mi-24 nhìn chung khá thành công. Trực thăng này được lắp đôi cánh khá đồ sộ (sải cánh 6,4 m).
Chúng được sử dụng không chỉ để treo vũ khí như ở các trực thăng chiến đấu khác, mà còn tạo ra trong khi bay đến 28% lực nâng, giảm tải cho rotor chính và nâng cao trọng tải của trực thăng.
Trên thực tế, Mi-24 là một phương tiện bay nằm giữa trực thăng và máy bay cánh cố định.
Điều đó cũng được phản ánh ở chiến thuật sử dụng Mi-24. Nếu như các trực thăng tiến công phương Tây tích cực sử dụng chế độ bay treo, bay vọt lên từ các nếp gấp địa hình hay sau cây cối thì con bài của Mi-24 là tốc độ.
Trong chiến đấu, hiện chưa thể bắn thủng kính chắn gió của buồng lái Mi-24 mặc dù ở Afghanistan, các kỹ thuật viên một lần đã đếm được trên kính chắn gió 6 vết đạn sau một phi vụ chiến đấu (Igor Zarembo, RIA) |
4. Kỷ lục gia
Mi-24 là một trong những trực thăng bay nhanh nhất thế giới. Còn nếu như nói đến trực thăng sản xuất loạt thì có lẽ nó là trực thăng bay nhanh nhất. Mi-24 đạt tốc độ bay bằng 335 km/h. Năm 1978, Mi-24 đã lập kỷ lục thế giới tuyệt đối về tốc độ đối với trực thăng là 368,4 km/h.
Thực ra thì để giảm trọng lượng và lực cản không khí, chiếc Mi-24 lập kỷ lục đã bay mà không lắp vũ khí, vỏ giáp và cánh. Thành tích này chỉ bị vượt qua vào năm 1986 bởi chiếc trực thăng đa nhiệm Westland Lynx của Anh với tốc độ 400,87 km/h.
Tuy nhiên, chiếc Lynx lập kỷ lục không giống mấy với trực thăng sản xuất loạt vì nó sử dụng các động cơ có công suất mạnh hơn 40%, cũng như các lá cánh rotor chính đặc biệt. Tốc độ của Lynx thông thường không quá 260 km/h.
5. Cất cánh kiểu máy bay
Do có trọng lượng lớn, Mi-24 thường chạy đà cất cánh kiểu như máy bay cánh cố định. Thậm chí cò tin đồn Mi-24 hoàn toàn không thể cất cánh thẳng đứng hay bay treo.
Thực ra, Mi-24 có thể bay treo tại chỗ, nhưng cất cánh thẳng đứng khi mang tải trọng tối đa thực tế là khó. Nhất là ở vùng núi nơi có không khí loãng hay ở các nước khí hậu nóng mà động cơ giảm công suất vì nhiệt độ cao.
Ở Afghanistan, Mi-24 thường chạy đà cất cánh 100-150 m khi tỳ bánh trước lên mặt đường băng.
Chúng cũng đã hạ cánh theo kiểu máy bay, nhưng vì lý do khác là cần phải chạy trước đám mây bụi do cánh quạt làm bốc lên để nhìn thấy mặt đất.
Theo VND