BVSC: Thanh khoản khá dồi dào nhưng khó kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay giảm

VietTimes -- Trong bản tin trái phiếu tuần từ 3/6 - 7/6/2019, nhóm chuyên gia của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) tập trung phân tích diễn biến của lãi suất liên ngân hàng và những tác động tới lãi suất huy động, lãi suất cho vay và tỷ giá VND/USD.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Tín dụng tăng thấp, giải ngân chậm khiến thanh khoản dư thừa

Tổng hợp số liệu từ Bloomberg, báo cáo của BVSC cho biết lãi suất liên ngân hàng trong tuần vừa qua tiếp tục giảm ở đa số các kỳ hạn. Các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần có mức giảm từ 0,1-0,15% xuống mức lần lượt là 2,85%/năm, 2,95%/năm và 3,2%/năm.

Theo BVSC, sự giảm nhẹ của lãi suất liên ngân hàng đến từ việc thanh khoản hiện tại của hệ thống tương đối tích cực, kết hợp với hoạt động bơm ròng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong tuần.

Trong đó, nguyên nhân chính khiến thanh khoản trong hệ thống vẫn khá dư thừa đến từ việc tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, giải ngân đầu tư công vẫn tương đối chậm (giải ngân trong 5 tháng đầu năm mới đạt 96.899 tỷ đồng, tương đương 23,25% kế hoạch năm).

Bên cạnh đó, trong tuần từ 3/6 - 7/6, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã thực hiện bơm ròng 14.349 tỷ đồng vào hệ thống.

Cụ thể, NHNN đã bơm ròng 14.349 tỷ đồng qua kênh tín phiếu thông qua việc phát hành mới 70.449 tỷ đồng (kỳ hạn 7 ngày với mức lãi suất tiếp tục ở mức 3%) trong khi có 84.799 tỷ đồng đáo hạn trong tuần. Trên kênh OMO, NHNN không có hoạt động nào mới.

Tuy nhiên, xét về mặt dài hạn, lũy kế từ đầu năm 2019 đến nay, NHNN đã hút ròng tổng cộng 126.957 tỷ đồng qua hai kênh OMO và tín phiếu.

Những tác động đáng chú ý

Trong báo cáo, BVSC cho biết việc lãi suất liên ngân hàng VND duy trì ở mức thấp khiến chênh lệch lãi suất giữa VND/USD trên thị trường liên ngân hàng dần thu hẹp, gây rủi ro tiềm ẩn tới tỷ giá khi các ngân hàng có thể dịch chuyển vị thế sang nắm giữ USD.

Thêm vào đó, bối cảnh quốc tế liên quan đến đồng CNY vẫn rất khó lường trong thời gian tới. Đây có thể là những lý do khiến NHNN phải sử dụng mạnh công cụ tín phiếu trong thời gian vừa qua (có những phiên phát hành hàng chục tỷ đồng) để hút mạnh VND về.

Trên cơ sở đó, BVSC dự báo lãi suất liên ngân hàng sẽ dao động quanh mức 3% trong thời gian tới, khó có khả năng giảm sâu thêm.

Cần lưu ý, thanh khoản liên ngân hàng tốt giúp các ngân hàng ổn định, thậm chí giảm lãi suất huy động nhưng chỉ ở các kỳ hạn ngắn (dưới 6 tháng), còn các kỳ hạn dài (trên 12 tháng) sẽ khó giảm do chịu ảnh hưởng nhiều hơn của nhu cầu tái cơ cấu nguồn vốn nhằm đáp ứng các quy định.

Trong khi đó, lãi suất cho vay của các NHTM lại thường tham chiếu theo lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng. Do vậy, các chuyên gia của BVSC cho rằng khó có thể kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay sẽ được kéo giảm trong thời gian tới.

Ngoài ra, về vĩ mô trong nước, BVSC cho biết nguồn vốn FDI và xuất khẩu hồi phục trở lại (nhờ kỳ vọng hoạt động của Samsung sẽ được hưởng lợi từ những khó khăn của Huawei) sẽ là những yếu tố giúp tỷ giá năm 2019 biến động trong tầm kiểm soát của NHNN (mất giá khoảng 2% cho cả năm 2019)./.

5 tháng đầu năm 2019, tín dụng tăng 5,74% so với cuối năm 2018

Ngày 10/6 vừa qua, NHNN đã tổ chức buổi công bố thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2019.

Trong đó, theo ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), trong bối cảnh ngày càng nhiều yếu tố gây áp lực tăng lãi suất, NHNN đã điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, ổn định các mức lãi suất điều hành; chỉ đạo TCTD rà soát, cân đối tài chính, tiết giảm chi phí để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý, nỗ lực giảm lãi suất cho vay khi điều kiện cho phép trên cơ sở đảm bảo an toàn tài chính.

Tỷ giá trung tâm tiếp tục được NHNN điều hành linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ; phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, tận dụng điều kiện thị trường thuận lợi để mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước.

Về hoạt động tín dụng, ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, NHNN chỉ đạo các TCTD tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân; nâng cao chất lượng tín dụng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (như bất động sản, chứng khoán, dự án BOT, BT giao thông,...).

Tính đến 31/5/2019, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 5,74% so với cuối năm 2018.

Tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên đều tăng khá như: lĩnh vực xuất khẩu (+13%); lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (+5%); lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (+4,11%). Hoạt động cho vay các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và doanh nghiệp nhỏ và vừa lần lượt tăng trưởng ở mức 14,33% và 5,04%.

Về hoạt động xử lý nợ xấu, tính từ năm 2012 đến tháng 3/2019, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 907,33 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, riêng trong năm 2018, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 163,14 nghìn tỷ đồng nợ xấu; tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 3/2019 là 2,02%.

Lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 3/2019, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 227,86 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42), trong đó xử lý nợ xấu nội bảng là 117,8 nghìn tỷ đồng.

Tính trung bình, mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 5,8 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 4,0 nghìn tỷ đồng so với trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.

Đồng thời, kết quả xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 theo hình thức khách hàng trả nợ có xu hướng tăng, phần nào phản ánh ý thức trả nợ của khách hàng đã cải thiện khi TCTD, VAMC có quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo Nghị quyết số 42./.