“Buy the Rumor, Sell the News” - chiến lược giao dịch nhà đầu tư nào cũng nên biết

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo thành ngữ “Buy the Rumor, Sell the News”, nhà đầu tư ra quyết định giao dịch dựa theo dự đoán trước khi có tin chính thức. Điều này giúp họ thu lợi nhuận nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro.
Kiếm lời từ mua cổ phiếu theo tin đồn (Ảnh minh hoạ - Nguồn: Bloomberg)
Kiếm lời từ mua cổ phiếu theo tin đồn (Ảnh minh hoạ - Nguồn: Bloomberg)

"Buy the Rumor, Sell the News" (tạm dịch: Mua tin đồn, bán sự thật) là một hiện tượng xảy ra ở hầu hết các thị trường, nhưng phổ biến nhất là ở thị trường tài chính.

Nhà giao dịch chuyên nghiệp trên cả thị trường chứng khoán và ngoại hối dự đoán động thái giá trị dựa vào những gì họ tin là sẽ trở thành sự thật: dự đoán về báo cáo tài chính hoặc sự kiện kinh tế sắp tới.

Khi họ mua vào cổ phiếu/ ngoại tệ dựa vào dự đoán như vậy, đó là giai đoạn “mua tin đồn”. Một khi báo cáo chính thức được đưa ra hoặc sự kiện họ mong đợi xảy ra, “tin đồn” sẽ trở thành “sự thật”. Đây là lúc nhà giao dịch bán tài sản ra thị trường.

“Mua vào” khi ở giai đoạn “tin đồn”, và “bán ra” khi dự đoán trở thành “sự thật” nghe có vẻ đầy rủi ro, nhưng lại là chiến lược khá thông minh và được giới đầu tư áp dụng từ lâu.

Bài học khi 'mua tin đồn'

Ngoài thị trường ngoại hối (forex), các nhà giao dịch cũng như các nhà đầu tư thường đặt lệnh mua vào dựa trên dự đoán về các dòng tiền trong tương lai. Điều này có nghĩa là, nếu một công ty được họ dự báo có doanh thu cao hơn so dự đoán trước đó, thì các nhà giao dịch sẽ nhanh chóng mua cổ phiếu công ty đó để tận dụng lợi thế từ việc tăng cổ tức hoặc giá cổ phiếu. Hành vi này cũng áp dụng cho ngoại hối, nhưng thay vì dòng tiền, các nhà giao dịch thường đưa ra quyết định dựa vào dự đoán sự thay đổi lãi suất.

Các nhà đầu tư sử dụng chiến lược này có xu hướng tìm kiếm các thị trường chứng khoán được định giá thấp (undervalued market). Khi có thông tin tiềm năng cho thấy rằng một cổ phiếu có thể tạo ra nhiều dòng tiền hơn trong tương lai: cổ phiếu được đồn đại là có giá trị cao hơn trong vài tuần hoặc vài tháng tới. Các nhà đầu tư sẽ mua vào cổ phiếu đó cho đến khi cổ phiếu không còn bị đánh giá dưới giá trị nữa.

Nếu tin đồn là sai hoặc thị trường mua vào quá nhiều loại cổ phiếu đó khiến nó không còn định giá thấp hoặc thậm chí là được định giá quá cao (overvalued), sau đó giá trị cổ phiếu theo báo cáo tài chính hoặc tin tức chính thức được đưa ra chỉ thấp hơn dự đoán một chút, thì “tin đồn” sẽ không được như kỳ vọng và gây ra tình trạng bán tháo cổ phiếu đó trên thị trường. Lúc này, nhà đầu tư “mua tin đồn” phải chịu thiệt hại nặng nề. Chỉ khi nào giá trị cổ phiếu theo “sự thật” được tuyên bố bất ngờ vượt qua tin đồn dự đoán thì cổ phiếu đó mới duy trì được mức định giá như “tin đồn”. Nếu “sự thật” bất ngờ đủ tích cực, cổ phiếu còn có khả năng được đẩy giá trị lên cao hơn nữa.

Áp dụng cho thị trường ngoại hối

Kịch bản phổ biến trong thị trường giao dịch ngoại hối để áp dụng chiến lược “mua tin đồn, bán sự thật” có liên quan đến ngân hàng trung ương và chính sách lãi suất của ngân hàng. Khi một ngân hàng trung ương tăng lãi suất, điều này thường báo hiệu một nền kinh tế vững mạnh và các nhà giao dịch ngoại hối kỳ vọng giá trị của đồng tiền sẽ tăng lên.

Nếu một nhà giao dịch ngoại hối nắm bắt được kế hoạch hoặc tin rằng ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất thì nhà giao dịch đó có thể mua đồng tiền tương ứng – chính là “mua tin đồn”. Sau đó, khi ngân hàng trung ương thực sự tăng lãi suất (“sự thật”), thì nhà giao dịch ngoại hối sẽ theo dõi khi “sự thật” này đẩy giá trị của đồng tiền lên cao hơn. Một khi đồng tiền đạt đến giá trị đủ cao để đem lại lợi nhuận tốt, nhà giao dịch đó sẽ "bán sự thật", bán ra đồng tiền đó với mức giá cao hơn.

Một ví dụ, có một nhà giao dịch ngoại hối nghe được tin đồn là Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sắp sửa tăng lãi suất, dẫn đến khả năng tăng giá trị đồng Bảng Anh (GBP). Dự đoán rằng tuyên bố sẽ xảy ra, các nhà giao dịch tức thời đưa ra quyết định giao dịch trên các cặp tiền tệ phổ biến như GBP/USD hoặc GBP/EUR.

Nếu “tin đồn” chính xác, và Ngân hàng Anh thực sự tăng lãi suất, nhà đầu tư khơi được dòng tiền ngay trong giai đoạn “tin đồn”. Làm như vậy, họ sẽ thu được lợi nhuận lớn hơn so với những người đưa ra quyết định gần sát với thời điểm “sự thật” là Ngân hàng Anh tuyên bố tăng lãi suất.

Hàm ý của câu châm ngôn “mua tin đồn, bán sự thật”

Một nỗi thất vọng lớn đối với các nhà giao dịch là mua vào loại cổ phiếu/ đồng tiền họ tin là sẽ tăng giá, nhưng lại bị mất giá trong đợt bán tháo. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại này, nhưng có thể do khác biệt trong cách các nhà giao dịch xử lý thông tin. Ý tưởng này được nêu bật trong cuốn sách “Tư duy Nhanh và Chậm” của Daniel Kahnema, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2002.

Cuốn sách đưa ra giải thích, một số nhà giao dịch cần thời gian để xem xét tin tức trước khi thực hiện giao dịch, trong khi một số người khác hành động ngay khi tin đồn xuất hiện. Các nhà giao dịch ra quyết định chậm thường đem lại thanh khoản cao cho các nhà giao dịch biết để tận dụng lợi thế ở cả giai đoạn "tin đồn" hoặc "sự thật".

Kết luận

Tham gia vào thị trường ở giai đoạn “sự thật” và chứng khoán/ ngoại tệ đã thực sự lên giá có thể là quá muộn. Đó là thời điểm những người vốn nhanh chân mua ở thời điểm giá thấp có thể rút vốn ra khỏi thị trường để thu lợi nhuận. Còn gì thất vọng hơn khi trở thành nguồn thanh khoản cho các nhà giao dịch khác.

Một trong những cách tốt nhất để tránh thất bại này đó là chờ đợi thị trường “êm ả” trở lại sau giai đoạn “sự thật” tích cực – giá quay đầu giảm lại trong một thời gian ngắn – để mua được ở giá tốt hơn.

(Tham khảo The Balance và IG)