Con số trên tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2015 (chỉ chiếm 18%), qua đó biến trojan đã trở thành loại mã độc được phát tán nhiều nhất trên toàn cầu, vượt các mã độc quảng cáo bất hợp pháp (26,7%) và mã độc gửi tin nhắn đến đầu số tính phí (16%).
Theo nghiên cứu của Bkav, các dòng mã độc trojan thường được hacker ghép vào bên trong một ứng dụng tiện ích hoặc một trò chơi phổ biến để phát tán. Người sử dụng rất khó phát hiện vì trong lúc ứng dụng vẫn hoạt động bình thường thì mã độc đã âm thầm lấy cắp thông tin gửi ra ngoài. Các thông tin mà trojan thu thập bao gồm thông tin cá nhân như tin nhắn, danh bạ, cuộc gọi, hay nguy hiểm hơn là mật khẩu, tài khoản ngân hàng và các dữ liệu nhạy cảm khác trên điện thoại.
Lý giải cho việc gia tăng mạnh của loại mã độc ăn cắp thông tin trên di động, các chuyên gia Bkav phân tích, các thông tin cá nhân trên điện thoại có thể mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho hacker. Thông qua các dữ liệu này, hacker có thể lấy cắp tiền từ tài khoản ngân hàng hay tống tiền, lừa đảo để trục lợi.
Bkav khuyến cáo, để phòng tránh, người sử dụng cần cẩn trọng khi cài một ứng dụng mới, không nên cài từ các chợ không chính thống, xem kỹ thông tin về nhà sản xuất. Tốt nhất, cần trang bị phần mềm an ninh cho điện thoại di động để được bảo vệ một cách tự động.
Theo VnMedia