Bức tranh ngân hàng Việt Nam 10 năm qua

Tác giả Nguyễn Xuân Thành - Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright TP.HCM, đã công bố ở dạng bản thảo một báo cáo điểm lại một số cột mốc quan trọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong 10 năm qua.
TPHCM, trung tâm kinh tế lớn nhất nước, cũng là nơi diễn ra nhiều cuộc sáp nhập ngân hàng những năm qua. Ảnh: Hồng Phúc
TPHCM, trung tâm kinh tế lớn nhất nước, cũng là nơi diễn ra nhiều cuộc sáp nhập ngân hàng những năm qua. Ảnh: Hồng Phúc

Đó là báo cáo “Ngân hàng thương mại Việt Nam: Từ những thay đổi về luật và chính sách giai đoạn 2006-2010 đến các sự kiện tái cơ cấu giai đoạn 2011-2015”.

Tham khảo báo cáo tại đây

Xuất phát từ các thay đổi về luật và chính sách giai đoạn 2006-2010, báo cáo đánh giá thực trạng của ngành ngân hàng tại thời điểm tháng 9-2011, thời điểm khởi động đề án tái cơ cấu ngành ngân hàng và các kết quả của đề án đến hết năm 2015, trong đó nổi lên các vấn đề còn tồn tại là vốn thực của các ngân hàng và xử lý nợ xấu. Một phần lớn của báo cáo dành để đánh giá về thực trạng tái cơ cấu tại các ngân hàng yếu kém.

Về chính sách tiền tệ, báo cáo đã chỉ ra các giai đoạn chính sách xen kẽ từ nới lỏng tiền tệ 2006-2008, thắt chặt tiền tệ cuối 2008, nới lỏng 2009-2010 rồi thắt chặt trở lại từ 2011 đến nay. Song hành với chính sách tiền tệ là những điều chỉnh liên tục của chính sách tự do hóa lãi suất.

Chính sách chuyển đổi các ngân hàng nông thôn sang đô thị và thành lập mới các ngân hàng giai đoạn 2004-2007, đến các qui định nâng vốn pháp định của ngân hàng từ 1.000 tỉ đồng lên 3.000 tỉ đồng được báo cáo đánh giá là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sở hữu chéo vô cùng phức tạp trong hệ thống ngân hàng, thực chất là việc sử dụng vốn vay của chính ngân hàng hoặc của các ngân hàng khác để tăng vốn.

Những biến động của thị trường bất động sản và bong bóng chứng khoán cũng được báo cáo đề cập khá chi tiết như là nguyên nhân dẫn đến nợ xấu ngân hàng.

Về thực trạng các ngân hàng tại thời điểm tháng 9-2011, một câu hỏi lớn được báo cáo đặt ra là việc các ngân hàng thương mại chỉ mất thanh khoản tạm thời do bất nhất về thời hạn giữa tài sản và công nợ hay thực sự các ngân hàng đã mất thanh khoản vì nợ xấu?

Trả lời chính xác được câu hỏi này là cơ sở để xây dựng các giải pháp tái cơ cấu ngành. Nếu các ngân hàng chỉ mất thanh khoản tạm thời thì giải pháp cho vay tái cấp vốn là đủ; tuy nhiên, nếu nguyên nhân mất thanh khoản là từ nợ xấu thì giải pháp duy nhất là bổ sung vốn.

Trên cơ sở đó, báo cáo đã đặt câu hỏi với các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) như sáp nhập, tự tái cơ cấu giữa các cổ đông cũ và mới sẽ không làm xuất hiện dòng vốn mới vào ngân hàng.

Riêng đối với các ngân hàng được mua lại với giá 0 đồng, báo cáo không đề cập đến việc NHNN đã cấp bổ sung vốn cho các ngân hàng này để bù lỗ và có đủ vốn pháp định hay chưa và cấp bằng nguồn tiền nào?

Như vậy, việc các ngân hàng tăng vốn sẽ phải dựa chủ yếu vào lợi nhuận. Đây là lý do NHNN sử dụng Công ty mua bán nợ của các tổ chức tài chính (VAMC) như công cụ để mua thời gian cho các ngân hàng tích lũy lợi nhuận để xử lý nợ xấu, cũng như giải pháp cho phép các ngân hàng cơ cấu nợ nhưng được giữ nguyên nhóm nợ.

Báo cáo cũng chỉ ra một số ngân hàng tự cơ cấu nợ qua việc bán trả chậm các khoản nợ xấu cho các nhà đầu tư, một dạng VAMC tư nhân, hoặc dùng thủ thuật siết tài sản thế chấp để cấn trừ nợ sau đó cho các con nợ chuộc lại bằng một khoản trả chậm khác. Từ các hoạt động này, báo cáo chỉ ra trên bảng cân đối kế toán của một số ngân hàng xuất hiện các khoản “phải thu khác” khá lớn về qui mô và đáng ngờ về chất lượng.

Báo cáo cũng đặt câu hỏi về lợi nhuận thực của một số ngân hàng do lợi nhuận hạch toán chủ yếu dựa vào phần lãi dự thu nhưng thực tế chưa thu được. Với việc chỉ đích danh một số ngân hàng mặc dù vẫn có lãi lớn, nhưng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh là âm, báo cáo kết luận có chuyện các ngân hàng huy động vốn tiết kiệm để trả lãi, một dạng ponzi (dùng tiền người sau trả cho người trước). Tuy nhiên, báo cáo không chỉ rõ được khoản lãi dự thu đó trên cơ sở các khoản “phải thu khác” nào? 

Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia tài chính thì việc này không dễ dàng thực hiện. Chẳng hạn, đối với các khoản nợ từ nhóm 2 trở lên, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã không được phép dự thu, đối với thu lãi góp vốn thì chỉ dự thu sau khi đã có nghị quyết hoặc quyết định chia lợi nhuận, đối với các loại chứng khoán (trừ cổ phiếu) TCTD được phép dự thu tiền lãi nhưng không quá một kỳ nếu đến hạn nơ gốc nhưng chưa thu được.

Vậy câu hỏi còn bỏ ngỏ ở báo cáo này là liệu các ngân hàng có vi phạm chế độ tài chính? Bộ Tài chính có lẽ không quan tâm, do ngân hàng nộp càng nhiều thuế càng tốt mà ngân sách thì đang rất căng thẳng. Còn NHNN liệu có buộc phải lờ đi các biện pháp lách luật này? Các tổ chức kiểm toán tại sao chưa lên tiếng về vấn đề này?

Một dạng tồn tại khác là các ngân hàng tăng cường huy động vốn từ dân để tái cơ cấu nguồn vốn. Trường hợp điển hình là Tổng công ty tài chính dầu khí (PVFC) được sáp nhập với Westernbank với mục đích được cho là để PVFC được nhận tiền gửi từ dân cư để hoàn lại các khoản tiền gửi cho Tập đoàn dầu khí. Câu hỏi cần đặt ra là nếu các ngân hàng này hoạt động không hiệu quả thì NHNN đang đẩy rủi ro cho người dân để cứu chính mình và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước?

Đỉnh điểm của nhận định này là vụ việc tại Ngân hàng Xây dựng, NHNN đã không kiên quyết xử lý từ Ngân hàng Đại Tín, để tập đoàn Thiên Thanh tái cấu trúc Đại Tín và đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng, kết quả là thay vì phải xử lý khoản tiền gửi lúc đó của Đại Tín chỉ có 11.000 tỉ đồng nay NHNN phải xử lý tới 40.000 tỉ đồng. 

Tuy không đưa ra các khuyến nghị cụ thể về chính sách song qua kết luận của báo cáo có thể thấy tác giả cho rằng NHNN cần mạnh tay hơn trong việc xử lý các ngân hàng yếu kém. Nếu không thì với các biện pháp hiện nay thì các ngân hàng yếu kém vẫn tiếp tục yếu kém, thậm chí là nguy hiểm cho nền kinh tế nếu tiếp tục để các ngân hàng âm vốn được phép huy động tiền gửi của dân cư.

Điểm đáng chú ý là thời điểm này, khi báo cáo công bố cũng là lúc Chính phủ cho biết sẽ xem xét để các tổ chức tín dụng được phép phá sản.

Theo TBKTSG