Brexit xa mà gần

Đầu tuần này, một nhà đầu tư bảo: “Tôi bán hết cổ phiếu ngân hàng rồi”. Hỏi vì sao, ông nói chắc người Anh sẽ bỏ phiếu cho việc rời Liên hiệp châu Âu. Ơ lạ thế, cái sự người Anh đi hay ở lại với châu Âu (Brexit) thì có liên quan gì đến chứng khoán Việt Nam, mà cụ thể hơn là cổ phiếu ngân hàng? Mà không chỉ mình ông, bộ phận môi giới các công ty chứng khoán cũng khuyến cáo khách hàng thận trọng, theo dõi sát tình hình thế giới.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nỗi lo lắng về Brexit đã gây bất an cho giới tài chính toàn cầu và đồng bảng Anh giảm giá so với hầu hết các ngoại tệ mạnh. Chứng khoán châu Âu đỏ lửa từ cuối tuần trước. Hai tuần trước, người ta còn tin tưởng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ không tăng lãi suất đô la Mỹ trong cuộc họp tháng 6-2016, nhưng giờ thì sự nghi ngờ bao trùm. Fed có thể bất ngờ tăng thì sao? Thường đô la Mỹ mà lên giá, giá vàng sẽ giảm. Nay giá vàng cứ tăng, ngày càng có nhiều nhà đầu tư nổi tiếng chọn vàng như nơi trú ẩn an toàn trong thời thị trường biến động.

Sự lên xuống của các đồng tiền quốc tế do tác động của Brexit sẽ làm dịch chuyển dòng vốn khỏi các tài sản rủi ro và đẩy trái phiếu chính phủ của các nền kinh tế mạnh lên ngôi. Lợi tức trái phiếu chính phủ Đức - đầu tàu tăng trưởng kinh tế của lục địa già - đã gần như chạm mức 0%. Khi thị trường chứng khoán các nước phát triển giảm đến một mức nào đó, độ hấp dẫn của giá cổ phiếu thấp sẽ tăng lên, dòng tiền sẽ dịch chuyển từ các thị trường mới nổi hoặc cận biên về cố quốc. Không biết có phải vì lý do này, mà một số quỹ ETFs chuyên đầu tư vào Việt Nam đã bị rút vốn ít nhiều gần đây?

Thêm vào đó, giá dầu thô dường như khởi động lại chu kỳ đi xuống sau khi đạt đỉnh ngắn hạn gần 52 đô la Mỹ/thùng tuần trước. Ở Canada, 24 giàn khoan dầu hoạt động trở lại, cộng thêm con số 9 giàn khoan nhập cuộc ở Mỹ và 6 ở một số quốc gia khác. Giá dầu thường được đầu cơ mạnh, đi kèm bán khống và sau đó là các đợt mua lại (cover) nên nó không thực sự theo sát diễn biến cung cầu thị trường. Điều này lý giải vì sao giá các hàng hóa, nguyên liệu cơ bản khác đã không biến động cùng chiều với giá dầu thời gian qua. Chẳng hạn, giá cao su hiện đang ở mức đáy, thấp nhất cả thập kỷ qua (giá ngày 14-6-2016 trên thị trường Tocom Nhật là 148,4 yen/ki lô gam, tức khoảng 1.400 đô la Mỹ/tấn). Nó đã cầm cự khá lâu ở mức giá 150 yen/ki lô gam, vốn được xem là đáy và hiện tại đã rơi khỏi mức này.

Ở trong nước, VN-Index đã tiệm cận mức 630 điểm tuần trước và điều chỉnh lại đầu tuần. Chỉ số P/E toàn thị trường đã ở tầm 14-15 lần, gần như san bằng khoảng cách với P/E thị trường các nước lân cận. P/E nhiều cổ phiếu SmallCap và MidCap đã ở mức trên dưới 20-30 lần, như cổ phiếu mía đường LSS, SBT, đồ gỗ TTF, hay vật liệu xây dựng hoặc sắt thép... Biến động của chứng khoán chủ yếu dựa trên kỳ vọng, nhưng kỳ vọng nào cũng phải lấy giá trị cơ bản làm nền tảng và có giới hạn của nó. Nếu vượt quá giới hạn, sự sụp đổ rất dễ xảy ra.

Một công ty chứng khoán đã mạnh dạn dự báo VN-Index sẽ đạt 700 điểm trong năm nay, thời điểm nào thì chưa rõ. Công ty này cho rằng một khi mức tăng tổng phương tiện thanh toán cao hơn mức tăng trưởng tín dụng cùng thời điểm, dòng tiền vào chứng khoán có cơ hội được cải thiện. Họ đã quên rằng các cơ quan quản lý giờ đây tỏ ra tỉnh táo với lạm phát và mọi động thái đưa tiền ra đã và đang tập trung cho sản xuất, chứ không nhằm cho bất động sản và chứng khoán. Chưa bao giờ việc bơm và hút tiền của Ngân hàng Nhà nước được tiến hành bài bản đến vậy. Bộ phận ngân quỹ của các tổ chức tín dụng từ đầu năm đến nay rất khó kinh doanh vì thanh khoản thị trường luôn được đảm bảo để không thiếu, nhưng hiếm có thời điểm dư thừa kéo dài.

Hơn nữa, tín dụng sẽ tăng tốc trong quí 3 và quí 4 theo tính chu kỳ. Chưa kể nhu cầu phát hành trái phiếu chính phủ trong nửa cuối năm còn rất thấp, khoảng 60.000 tỉ đồng, chủ yếu kỳ hạn dài. Việc huy động trái phiếu kỳ hạn năm năm đã vượt chỉ tiêu đề ra. Nếu tiền không còn có thể chạy vào trái phiếu, mà tín dụng cho bất động sản cũng như dự án BOT bị hạn chế, việc tăng trưởng mạnh mẽ của tổng phương tiện thanh toán là không cần thiết trừ khi sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp sản xuất vượt lên. Hiện tại, các dự báo về lạm phát của năm nay xoay quanh 3,5-4%, nhưng không nên bỏ qua các đợt tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục vẫn còn đó.

Sẽ là điều kỳ diệu cho các nhà đầu tư và cả cơ quan quản lý nếu VN-Index vượt qua cột mốc 640 điểm như một thách thức đã tồn tại bảy năm nay.

VN-Index chỉ còn cách mốc trên 15 điểm. Đó không phải là quãng đường dài. Tuy nhiên, giả sử vượt qua rồi, tiếp theo thế nào, mới là vấn đề căn bản hơn.

Theo TBKTSG