Theo báo cáo được công bố, Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2016 gồm nhiều cái tên quen thuộc như: Vinamilk, Viettel Telecom, Mobifone, Petro Vietnam, Vinhomes, FPT, Bảo Việt… Tổng giá trị của Top 50 thương hiệu này được ghi nhận đạt 7,26 tỉ USD, tăng 5,5 tỉ USD so với đợt công bố hồi năm ngoái.
Trong đó, 5 cái tên đứng đầu gồm Vinamilk, Viettel, Petro, MobiFone và Vinhomes chiếm gần một nửa (47%) tổng giá trị thương hiệu của toàn bộ các công ty trong Top 50. Trong đó, Vinamilk vẫn duy trì vị thế số một và được định giá trên một tỷ USD, tiếp đến là Viettel với 973 triệu USD, PetroVietnam 564 triệu USD, MobiFone 539 triệu USD, Vinhomes 511 triệu USD.
Tổng toàn bộ giá trị thương hiệu của Top 50 Việt tăng 39% trong một năm, cho thấy sự tập trung thương hiệu của những thương hiệu hàng đầu.
Theo Brand Finance, tốc độ tăng trưởng trung bình của từng thương hiệu trong Top 50 là 20%, vượt xa các công ty thuộc các nước trong khối ASEAN.
Năm 2016 đã ghi nhận được những tiến bộ vượt bậc của các doanh nghiệp Việt Nam khi có rất nhiều cú bứt phá ngoạn mục trên bảng xếp hạng. Điều này cho thấy nhận thức của các doanh nghiệp Việt về giá trị thương hiệu nói riêng và giá trị vô hình nói chung đang ngày càng phát triển. Trước đây, thậm chí cả ngày nay, vẫn có nhiều doanh nghiệp Việt chưa ý thức được giá trị thương hiệu và bỏ lỡ rất nhiều trong quá trình mua bán, sáp nhập.
Qua đó, các chuyên gia cho rằng, việc định giá thương hiệu sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao nhận thức cũng như quản lý thương hiệu Việt Nam khi ra thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, một điều đáng lưu ý, hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp nằm trong top 5 của Việt Nam đều là doanh nghiệp nhà nước (Vinamilk, Viettel, PetroVietnam, Mobifone, Vinhomes).
Hiện tại, các doanh nghiệp này đang trong quá trình cổ phần hóa. Nếu việc cổ phần hóa không diễn ra công khai minh bạch, tuần tự từng bước và thoái vốn đúng thời điểm thì rất có thể dẫn đến việc trì trệ trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp này hoặc dẫn đến nguy cơ tự phá giá.
Đặc biệt, trong quá trình cổ phần hóa, nhằm tối ích hóa lợi nhuận thu được, Nhà nước sẽ cho phép cả những nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình này (như ở Sabeco, Habeco). Như vậy, Nhà nước sẽ phải cẩn thận trong quá trình thoái vốn để tránh trường hợp thoái vốn xong sẽ mất luôn giá trị thương hiệu của Việt Nam.
Được biết, Bảng xếp hạng Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2016 do Brand Finance công bố được xem là bảng xếp hạng duy nhất có phương pháp định giá thương hiệu đáp ứng các tiêu chuẩn của ISO (ISO 10668 về tiêu chuẩn định giá). Ngoài ra, giá trị thương hiệu do Brand Finance công bố còn được phép sử dụng với cơ quan thuế, kiểm toán và sử dụng trong các cuộc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp. Do đó, chứng nhận của Brand Finance dành cho các thương hiệu trong Top 50 mang rất nhiều giá trị thiết thực.