Bóng Vissai Group ở dự án tỉ đô KDL Kênh Gà – Vân Trình

VietTimes – Một dự án địa ốc tầm cỡ tại Ninh Bình sẽ củng cố thêm vị thế cho Vissai Group của ‘đại gia’ Hoàng Mạnh Trường, vốn bao gồm nhiều thành viên có doanh thu hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm.
Một dự án địa ốc tầm cỡ sẽ củng cố thêm vị thế cho Vissai Group của ‘đại gia’ Hoàng Mạnh Trường tại tỉnh Ninh Bình

Siêu dự án Kênh Gà – Vân Trình

Ngày 3/2/2021, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành quyết định phê duyệt Đồ án lập Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Kênh Gà – Vân Trình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, dự án sẽ có quy mô khoảng 1.984ha, được chia làm 6 khu, bao gồm: Khu phức hợp thể thao nghỉ dưỡng phía Nam giáp đê sông Hoàng Long; Khu công viên, mua sắm, nhà hàng và các thắng cảnh phía Tây Nam; Khu công viên nước phía Bắc sông Hoàng Long; Khu lòng hồ được tạo bởi sông Hoàng Long và hệ thống núi, các khu nghỉ dưỡng ven hồ nằm tại khu vực chân núi phía Đông và Đông Nam; Khu nông trại phía Đông Bắc và khu phức hợp thể thao nghỉ dưỡng phía Tây giáp sông Hoàng Long.

UBND tỉnh Ninh Bình giao Sở Xây dựng chỉ đạo CTCP bán đảo Kênh Gà có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ quy hoạch theo quyết định được phê duyệt.

Trước đó, vào tháng 11/2020, UBND tỉnh Ninh Bình đã tổ chức hội nghị nghe báo cáo quy hoạch chung xây dựng khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.

Theo đề án, Khu du lịch Kênh Gà – Vân Trình có quy mô 1.984ha, thuộc địa phận 7 xã của huyện Gia Viễn và Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 1 – 1,5 tỉ USD chia làm 4 giai đoạn, mỗi giai đoạn kéo dài 5 năm.

Dự án được kỳ vọng sẽ đánh thức tiềm năng, lợi thế, từng bước đưa khu vực này thành khu du lịch trọng điểm cấp quốc gia, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.

Là đơn vị được giao lập quy hoạch dự án từ những ngày đầu, CTCP bán đảo Kênh Gà vẫn còn nhiều bí ẩn với phần đông thị trường.

Theo tìm hiểu của VietTimes, CTCP bán đảo Kênh Gà được thành lập từ tháng 2/2003, đăng ký trụ sở tại huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Tháng 8/2017, pháp nhân này bất ngờ tăng mạnh vốn điều lệ từ 60 tỉ đồng lên 1.000 tỉ đồng. Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Hoàng Minh Tuấn (SN 1990).

Vị CEO 9x hiện còn đứng tên tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu The Vissai – công ty con của Công ty TNHH Tập đoàn Hoàng Phát Vissai (nay là Công ty Cổ phần Vissai Ninh Bình).

Tính đến cuối tháng 5/2018, CTCP Vissai Ninh Bình (Vissai Ninh Bình) có quy mô vốn điều lệ 1.504 tỉ đồng.

Trong đó, ông Hoàng Mạnh Trường là cổ đông lớn nhất, nắm tỉ lệ sở hữu chi phối với 77,854% vốn điều lệ. Tiếp đến là bà Đỗ Thị Phượng – cùng địa chỉ thường trú với ông Hoàng Mạnh Trường – sở hữu 22,14% vốn điều lệ. Ông Nguyễn Ngọc Oánh – Tổng Giám đốc kiêm người đại diện của Vissai Ninh Bình – nắm giữ vỏn vẹn 0,07% vốn điều lệ.

Đến tháng 1/2019, ông Hoàng Mạnh Tùng (SN 1974) thay thế ông Nguyễn Ngọc Oánh đảm trách vai trò CEO của Vissai Ninh Bình. Ông Tùng hiện còn đứng tên tại CTCP Dịch vụ và Vận tải Vissai, CTCP Cảng Việt Nhật, CTCP Dịch vụ Cảng Bích Đào.

Vissai Group mạnh cỡ nào?

Vissai Group của ‘đại gia’ Hoàng Mạnh Trường (SN 1972) là một trong những tập đoàn kinh tế lớn của tỉnh Ninh Bình.

Nổi danh từ lĩnh vực xi măng, Vissai Group giờ đây đã phát triển thành tập đoàn kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, với các khoản đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, năng lượng, thể thao.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, lĩnh vực xi măng vẫn đóng vai trò chủ đạo đối với Vissai Group khi nhiều thành viên hoạt động trong lĩnh vực này có doanh thu lên đến hàng nghìn tỉ đồng, cùng kết quà kinh doanh vượt trội so với các lĩnh vực khác.

Trong đó, bộ đôi Công ty Cổ phần Vissai Ninh Bình (Vissai Ninh Bình) và Công ty Cổ phần Xi măng Sông Lam (Xi măng Sông Lam) có doanh thu nổi bật hơn cả.

Đối với Vissai Ninh Bình, số liệu báo cáo riêng lẻ cho thấy, trong giai đoạn 2016 – 2019, công ty này đều đặn ghi nhận doanh thu cả nghìn ti đồng mỗi năm.

Tuy nhiên, biên lợi nhuận của Vissai Ninh Bình (công ty mẹ) rất mỏng. Như năm 2019, dù ghi nhận doanh thu lên tới 5.303,1 tỉ đồng, song công ty này chỉ báo lãi vỏn vẹn 10 tỉ đồng, tương ứng biên lợi nhuận chưa tới 1%. Mức lợi nhuận ‘tráng men’ chưa tương xứng với quy mô tổng tài sản 9.479,8 tỉ đồng (cao gấp 7,2 lần vốn chủ sở hữu) của công ty tại thời điểm 31/12/2019.

Trong khi đó, Xi măng Sông Lam lại ghi nhận đà tăng trưởng mạnh về doanh thu và bắt đầu báo lãi từ năm 2018. Kết quả kinh doanh của công ty này tiếp tục cải thiện trong năm 2019 với doanh thu thuần ở mức 5.103 tỉ đồng, báo lãi thuần 545,3 tỉ đồng. Tính đến ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của Xi măng Sông Lam đạt mức 10.374,9 tỉ đồng, cao gấp 5 lần vốn chủ sở hữu.

Ngoài hai doanh nghiệp kể trên, một số thành viên khác trong hệ sinh thái Vissai Group cũng duy trì tỉ lệ sử dụng đòn bẩy ở mức cao, có thể kể kể tới như: CTCP Xi măng Sông Lam 2, CTCP Vissai Hà Nam./.