Tuần trước, những người dân tại khu căn hộ City Park thành phố Salt Lake, Mỹ nhận được thông báo đính kèm phụ lục yêu cầu họ “like” Fanpage của tòa nhà trên Facebook. Nếu không thực hiện yêu cầu này trong thời hạn 5 ngày, họ sẽ bị coi là đơn phương vi phạm hợp đồng thuê nhà. Ban quản lý khu căn hộ đồng thời tự cho phép đăng ảnh người thuê và khách ra vào trên trang Facebook của công ty.
Quá bức xúc, nhiều người đã tìm đến hãng tin địa phương KSL-TV cũng như trang chủ của tòa nhà để phàn nàn về thông báo vô lý này. Trao đổi với KSL, Jason Ring – một người dân cho biết : “Tôi không muốn bị ép buộc phải kết bạn với người lạ. Càng không muốn bị đe dọa phải ở ngoài đường chỉ vì lý do này. Thật quá đáng. Họ đang xâm phạm quyền riêng tư của chúng tôi”.
Kể từ khi phải đóng cửa Fanpage sau khi nhận đánh giá 1,1 sao và bão bình luận tiêu cực từ người dùng, yêu cầu trên đã bị rút lại. Người đại diện theo pháp luật của tòa nhà phải đăng lời xin lỗi cho sự cố này, giải thích rằng ý định ban đầu nhằm hợp thức hóa những bức ảnh trong bữa tiệc ở bể bơi đăng trên trang Fanpage của tòa nhà.
Một số công ty cho rằng lượng người thích, theo dõi trên mạng xã hội phản ánh độ nổi tiếng của thương hiệu. Sự lầm tưởng này dẫn đến những chiến dịch quảng cáo dở khóc dở cười.
Năm 2012, Stussy - thương hiệu thời trang của Hà Lan tiến hành quảng bá với chiến dịch “Strip for Likes”. Theo đó người mẫu sẽ cởi bỏ từng lớp quần áo tương ứng mỗi lần trang Facebook của công ty đạt được số lượng “like” nhất định. Dù tạo ra làn sóng tranh cãi gay gắt về chiêu thức marketing này, lượng người yêu thích Stussy vẫn không vượt qua nổi con số 1.000.
Tiếp theo phải kể đến gã khổng lồ nước ngọt – Pepsi. Chiếc máy bán hàng tự động của hãng không nhận tiền, chỉ nhận like. Nó được đặt hàng loạt tại Antwerp, Bỉ nơi Beyoncé tổ chức lưu diễn. Người dùng sẽ nhận được ngay 1 chai Pepsi miễn phí sau khi nhấn “thích” trên điện thoại hoặc trên màn hình cảm ứng của máy bán hàng.
Theo Zing