Ngoài Thế vận hội, tất cả các cuộc thi đấu riêng được tổ chức dưới ngọn cờ Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cũng đều tự động bị cấm đối với Nga. Nga cũng đã bị cấm tổ chức tất cả các cuộc thi đấu dưới ngọn cờ IOC trong 4 năm. Các vận động viên Nga nếu tham gia cuộc thi với tư cách cá nhân sẽ phải chứng minh rằng họ chưa bao giờ gian lận sử dụng chất cấm. Lệnh cấm này được đưa ra để “trừng phạt nghiêm khắc sự gian lận doping mang tính quốc gia và tính thể chế và liên tục tái phạm của Nga”.
Theo AFP, Cơ quan Chống doping thế giới (WADA) ngày 9/12 đã tuyên bố tại Lausanne cấm Nga tham gia Olympic và bất kỳ giải vô địch thế giới nào khác. Đây là hình phạt nặng nhất trong lịch sử nước Nga, duy trì trong 4 năm để trừng phạt Moscow vì đã phạm trọng tội gian lận bằng cách ngụy tạo các số liệu xét nghiệm chất cấm.
Người phụ trách WADA công bố lệnh trừng phạt của IOC đối với Nga.
|
Các vận động viên Nga chỉ được phép tham gia các cuộc thi với tính chất “trung lập”, không được mang quốc kỳ hay cử quốc ca Nga tại Thế vận hội và bất kỳ Giải vô địch thế giới nào. Lệnh cấm cũng cấm Nga tổ chức các cuộc thi đấu quốc tế trên lãnh thổ nước này.
Ủy ban điều hành của WADA đã công bố quyết định này sau cuộc họp kéo dài một giờ đồng hồ tại một khách sạn lớn ở Lausanne. WADA được IOC ủy nhiệm nghiên cứu và thẩm định tư cách tham gia các cuộc thi đấu của Nga.
Theo AFP, đây mới chỉ là trình tự bước đầu, vì Moscow vẫn có thể kháng cáo lên Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS) thông qua cơ quan nhà nước Nga hoặc Ủy ban Olympic Quốc gia trong vòng 21 ngày, khi đó mới có quyết định cuối cùng. Các liên đoàn quốc tế riêng rẽ cũng có thể kháng cáo, về nguyên tắc phán quyết này là tạm thời và các biện pháp trừng phạt sẽ chỉ bắt đầu có hiệu lực sau khi được CAS xác nhận.
Quyết định này làm dấy lên mối lo ngại về việc Nga liệu có thể được tham gia World Cup 2022 ở Qatar. Ngoài ra, trong 4 năm Nga sẽ không thể đăng ký giành quyền tổ chức Thế vận hội 2032 hoặc các Giải vô địch thế giới khác trên đất Nga.
Đây không phải là lệnh trừng phạt đầu tiên về vụ án gây rối loạn phong trào thể thao quốc tế trong 5 năm qua, cũng không phải là lần đầu tiên Nga bị trừng phạt vì thể chế hóa việc sử dụng các chất kích thích trong thời gian từ năm 2011-2015. Cuộc điều tra này liên quan đến sự tham gia của nhiều cơ quan nhà nước Nga, bao gồm Bộ Thể thao và Cục Điều tra Liên bang Nga. Cuộc điều tra quốc tế độc lập được WADA ủy quyền cho một luật sư thể thao người Canada, ông Richard McLaren, phụ trách và đưa ra một báo cáo. Bản báo cáo công bố vào năm 2016 đã tiết lộ sự hỗ trợ quốc gia của Nga đối với việc sử dụng các chất bị cấm là rất nghiêm trọng, đặc biệt là giữa năm 2011-2015.
Trong 4 năm tới, các vận động viên Nga sẽ không được thi đấu trong mọi giải thể thao dưới cờ Phong trào Olympic quốc tế với tư cách đoàn thể thao Nga
|
Kể từ cuối năm 2015 đến nay, các cuộc thi điền kinh quốc tế chỉ chấp nhận các vận động viên Nga “trung lập” tham gia, không có quốc ca hay quốc kỳ Nga xuất hiện. Tại Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018 cũng không có cờ Nga tung bay bên cạnh quốc kỳ các nước khác.
Được biết, việc mở lại vụ án đã bắt đầu vào đầu năm 2019, với hàng ngàn dữ liệu chống doping ban đầu được lưu trữ trên máy chủ của phòng thí nghiệm Moscow phải được giao nộp trước khi kết thúc vụ án. AMA đòi hỏi sự minh bạch để quyết định dỡ bỏ hành động kỷ luật đối với các vận động viên Nga.
Nhưng các chuyên gia máy tính của WADA đã phát hiện ra rằng “hàng trăm” kết quả đáng ngờ đã bị loại khỏi dữ liệu được lưu trữ ngay trước khi chính quyền Nga giao nộp cho Thanh tra chống doping thế giới, một số trong đó là các kết quả trong thời gian từ tháng 12 năm 2018 đến giữa tháng 1/2019.
Sai sót bất ngờ này gia tăng thêm trách nhiệm vốn đã nặng nề, đủ để thuyết phục Ban điều hành Cơ quan chống doping thế giới ra tay trừng phạt Nga.
Ngay từ trước khi diễn ra Thế vận hội Rio 2016 ít ngày, WADA kêu gọi loại Nga hoàn toàn khỏi Thế vận hội, nhưng quyết định của họ không mang tính ràng buộc và Ủy ban Olympic quốc tế khi đó đã không tuân theo.
Lần này, cơ quan quyền lực của phong trào Olympic quốc tế đã đáp ứng hoàn toàn yêu cầu trừng phạt. Tuy nhiên, Ủy ban Olympic quốc tế cho rằng ngay cả đến giai đoạn này cũng chỉ chứng minh “trách nhiệm của chính quyền Nga”, chứ không phải “phong trào thể thao” của Nga, đặc biệt là Ủy ban Olympic Nga đã sụp đổ.
AFP cho biết các cá nhân hay tổ chức khác, bao gồm Travis Tygart, người đứng đầu cơ quan chống doping của Hoa Kỳ hoặc WADA, đã bắt đầu yêu cầu áp dụng các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn, chẳng hạn như cấm hoàn toàn việc các vận động viên Nga tham gia Thế vận hội với tư cách cá nhân.
Ông Yury Ganus thừa nhận: Nga không có cơ hội thành công trong việc chống lại lệnh trừng phạt của IOC.
|
Phản ứng trước quyết định trên đây, Yury Ganus, người đứng đầu tổ chức chống doping của Nga, nói rằng Nga không có cơ hội kháng cáo thành công và lệnh cấm là một bi kịch đối với những vận động viên trong sạch.
AFP cho biết, ông Yury Ganus, người đứng đầu Tổ chức chống chất cấm của Nga, sau khi WADA ban hành lệnh cấm đã nói với AFP: “Vụ án này không có cơ hội chiến thắng trước tòa. Đây là một bi kịch”. Ông cũng nói rằng đã có một số tuyển thủ Nga đã cân nhắc việc rời khỏi tổ quốc để họ có thể tham gia thi đấu.
Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) nói rõ trong một tuyên bố: “Đây là một cuộc tấn công vào thể thao và những người chịu trách nhiệm phải chịu các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhất về những hành động này. Những người có tội phải bị trừng phạt thích đáng và những người vô tội phải được bảo vệ”. IOC cũng yêu cầu chính quyền Nga phải giao nộp “các tài liệu gốc hoàn toàn chân thực”.