1. Công nghệ không phải là chất gây nghiện
Một số người đã tuyên bố rằng việc sử dụng công nghệ kích hoạt các vùng não bộ giải trí tương tự như cocaine, heroin hoặc methamphetamine. Điều này không có căn cứ chính xác, những phản ứng của não đối với những trải nghiệm thú vị không chỉ dành riêng cho những thứ không lành mạnh.
Bất cứ điều gì thú vị đều có thể làm tăng lượng dopamine trong "mạch hưng phấn" của não - cho dù đó là bơi, đọc sách, trò chuyện, ăn uống hay quan hệ tình dục. Sử dụng công nghệ cũng làm tăng dopamine tương tự như các hoạt động bình thường: khoảng 50 đến 100% trên mức bình thường.
Ngược lại, cocaine làm tăng dopamine lên 350% và methamphetamine lên tới 1.200%. Ngoài ra, bằng chứng gần đây đã tìm thấy sự khác biệt đáng kể trong cách dopamin hoạt động ở những người có sử dụng máy tính quá nhiều so với những kẻ lạm dụng chất gây nghiện.
So sánh giữa nghiện công nghệ và lạm dụng chất kích thích cũng thường chỉ dựa trên các nghiên cứu hình ảnh não. Các nghiên cứu hình ảnh gần đây cũng đã bác bỏ những tuyên bố trước đây rằng các trò chơi bạo lực làm suy yếu bộ não trẻ, khiến trẻ em vô cảm trước nỗi buồn của người khác.
2. Nghiện công nghệ không phải bệnh tâm thần
Vào tháng 6/2018, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra bản thảo chính thức về việc "rối loạn chơi game - gaming disorder " sẽ được coi như một bệnh lý và đưa vào sách "Phân loại bệnh toàn cầu".
Quyết định đã gây ra tranh cãi trong giới khoa học và công nghệ. 28 học giả đã viết thư cho WHO phản đối quyết định không dựa trên khoa học này. WHO dường như bỏ qua các nghiên cứu cho rằng "rối loạn chơi game" chỉ là một triệu chứng của các vấn đề sức khỏe tâm thần cơ bản khác như trầm cảm.Tổ chức UNICEF cũng lập luận chống lại việc sử dụng ngôn ngữ "nghiện" để mô tả việc sử dụng công nghê của trẻ em.
Những dữ liệu hiện tại cũng chưa chứng minh được nghiện công nghệ như một triệu chứng độc lập. Nghiên cứu ở Oxford cho thấy những người có tỷ lệ cao hơn về "nghiện trò chơi" không có nhiều vấn đề tâm lý hoặc sức khỏe hơn những người khác. Nghiên cứu bổ sung đã cho thấy rằng bất kỳ vấn đề nào xảy ra với người lạm dụng công có xu hướng nhẹ hơn với bệnh tâm lý, và thường tự biến mất mà không cần điều trị.
3. Nghiện công nghệ không phải do công nghệ gây ra
Hầu hết các cuộc thảo luận về nghiện công nghệ cho thấy rằng chính công nghệ là “thủ phạm”, làm tổn hại đến bộ não. Nhưng một nghiên cứu gần đây chứng minh nghiện công nghệ nói chung là triệu chứng của các rối loạn cơ bản khác như trầm cảm, lo lắng và các vấn đề về tâm lý khác.
4. Công nghệ không phải chất nghiện duy nhất
Có một số câu hỏi liên quan đến việc lạm dụng hoạt động của con người. Những hoạt động đó bao gồm sử dụng công nghệ, tập thể dục, ăn uống, quan hệ tình dục, làm việc, tôn giáo và mua sắm. Thậm chí còn có các tài liệu nghiên cứu về nghiện khiêu vũ. Nhưng rất ít hoạt động trong số này có chẩn đoán chính thức. Có rất ít bằng chứng chứng minh công nghệ có nhiều khả năng bị lạm dụng hơn nhiều hoạt động giải trí khác.
5. Sử dụng công nghệ không dẫn đến tự tử
Một số chuyên gia đã chỉ ra một sự gia tăng gần đây về tỷ lệ tự tử của các thiếu nữ tuổi vị thành niên với vấn đề công nghệ. Thế nhưng tỷ lệ tự tử tăng lên đối với hầu hết các nhóm tuổi, đặc biệt là những người trưởng thành trung niên, trong khoảng thời gian 17 năm từ 1999 đến 2016. Sự gia tăng bắt đầu vào khoảng năm 2008, giai đoạn suy thoái kinh tế toàn cầu và đã trở nên rõ rệt hơn kể từ đó. Bằng chứng này phủ nhận khả năng công nghệ gây ra tự tử ở tuổi thiếu niên, cũng như thực tế cho thấy tỷ lệ tự tử ở độ tuổi trung niên cao hơn so với thế hệ trẻ.
Không thể phủ nhận, có một số vấn đề thực sự liên quan đến công nghệ, chẳng hạn như vấn đề riêng tư. Và mọi người nên cân bằng sử dụng công nghệ với các khía cạnh khác của cuộc sống.
Theo Business Insider