
Bộ Y tế vào cuộc
Theo công văn do ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, ký chiều nay (22/2), ngày 21/2, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em nhận được thông tin phản ánh về sự cố y khoa đối với trường hợp chị Q.A (28 tuổi, trú tại Bắc Giang) khi đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Trước tình hình trên, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em đề nghị Bệnh viện Phụ sản Trung ương kiểm tra, xác minh thông tin báo đăng và báo cáo về Bộ Y tế trong ngày 25/2.
Đại diện Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em cũng yêu cầu Bệnh viện Phụ sản Trung ương khẩn trương rà soát quá trình KCB đối với bà Q.A. tại bệnh viện, cung cấp đầy đủ thông tin tới bệnh nhân và các cơ quan truyền thông đại chúng; rà soát việc ban hành và thực hiện các quy trình chuyên môn trong công tác KCB tại Bệnh viện, kịp thời chấn chỉnh các điểm tồn tại, bất cập, báo cáo Bộ Y tế.
Từ ngày 21/2, mạng xã hội chia sẻ rầm rộ vụ việc của sản phụ Q.A (sinh năm 1997, quê Bắc Giang) mang thai 25 tuần, điều trị tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương nhưng phải xin chuyển viện để cứu cả mẹ lẫn con.

Sản phụ mất con lên tiếng
Theo chị Q.A., ngày 27/1 (tức 28 Tết Nguyên đán), khi chị mang thai ở tuần 20 và do bị ngắn cổ tử cung nên được khâu vòng. Đến tuần 24, chị bị đau bụng nên tới khám ở Bệnh viện tỉnh Bắc Giang và được chẩn đoán có cơn đau chuyển dạ không đẻ và tiêm 2 mũi trưởng thành phổi, ngậm thuốc giảm co.
Đến mùng 2 Tết, do các cơn đau dồn dập, nên chị Q.A được chuyển lên Bệnh viện Phụ sản Trung ương điều trị.
Đến mồng 3 Tết, chị A. bị đau quằn quại. Chị cho biết đã gọi bác sĩ cấp cứu và được gợi ý truyền 9 ống thuốc Tractocile để làm chậm quá trình sinh non, hết 22 triệu đồng.
Đến mồng 6 Tết, khi bệnh viện hoạt động bình thường trở lại, bác sĩ khám và kết luận chị Q.A có dấu hiệu sinh non không rõ ràng, nằm viện 1-2 ngày, nếu không sao có thể ra viện. Nhưng tối hôm đó, chị tiếp tục bị đau, dịch nhầy và máu hồng, nên được chỉ định truyền thuốc để ổn định.
Sáng mùng 7 Tết, bác sĩ đi buồng thấy chị A. đang truyền thuốc Tractocile, đã nói rằng tình trạng của chị chưa đến mức phải truyền, nhưng bác sĩ từ chối khám lại do chị đang truyền thuốc.
Gia đình chị Q.A. giải thích nhưng bác sĩ vẫn không khám mà chỉ cho ngậm thuốc để thay thế thuốc truyền.
Đêm đó, chị Q.A liên tục xuất hiện các cơn đau quá mức chịu đựng. Thậm chí, chị thấy bị ra nước phải đóng bỉm. Tuy nhiên, bác sĩ khám và kết luận là “khí hư” và tiếp tục theo dõi.
Sáng mùng 8 Tết, cơn đau dịu lại nhưng chị A. vẫn bị ra nhiều máu. Lúc này bác sĩ đi buồng nghi rỉ ối và cho xét nghiệm. Tối hôm đó, mặc dù vẫn có cơn đau, nhưng chị Q.A. đã không truyền thêm thuốc để mong được bác sĩ chính khám, vì sợ nếu truyền thuốc bác sĩ không khám.
Sáng hôm sau, bác sĩ khám và thông báo kết quả khám bình thường.
Thấy không tin tưởng, chị A. xin chuyển viện, dù các bác sĩ làm công tác tư tưởng và yêu cầu lấy máu xét nghiệm lần nữa, nhưng chị từ chối và ký giấy cam kết tự nguyện chuyển đi.
Chiều mùng 9 Tết, ngay khi chuyển sang Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, chị Q.A. được bác sĩ kết luận ối cạn, màu nước ối đục, nếu muộn hơn sẽ hỏng tử cung. Bác sĩ cho biết trong mọi trường hợp sẽ ưu tiên cứu mẹ.
Chị Q.A. kể: Nghe xong tôi và chồng bủn rủn. 3h chiều tôi được cắt chỉ khâu tử cung, kịp truyền 2 lọ kháng sinh. Đến 9h tối tôi sinh bé. Em bé bị nhiễm khuẩn theo mẹ, nằm lồng kính truyền kháng sinh 7 ngày, sau đó cắt được 2 ngày thì tình trạng nhiễm khuẩn tiếp tục tái lại, con tôi lại tiếp tục sử dụng kháng sinh.
Bên cạnh đó là thuốc thu nhỏ động mạch tim. Tuy nhiên, tình trạng càng tệ hơn khi bé bị suy thận không tiểu được. 3h sáng ngày 20/2, em bé mất.
Bài viết về trường hợp của sản phụ này thu hút hàng chục nghìn lượt like, share và bình luận, gây sự phản ứng dữ dội của cộng đồng mạng ngay sau khi xuất hiện.

Kỳ tích khi phẫu thuật cứu sống thai nhi song sinh và sản phụ vỡ tử cung 2 lần
