Bộ Y tế xây dựng giá viện phí theo hướng tính đúng tính đủ: Người bệnh có lo bị thiệt?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Chỉ chưa đầy 6 tháng, Bộ Y tế đã 2 lần triển khai hướng dẫn các bệnh viện xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật dịch vụ khám, chữa bệnh, nhằm đẩy nhanh tốc độ xây dựng giá viện phí tính đúng, tính đủ theo chỉ đạo của Chính phủ.

Việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật (ĐMKTKT) dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) “có ý nghĩa rất quan trọng, là sự sống còn của ngành y tế Việt Nam nói chung và các bệnh viện (BV) nói riêng” như lời PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý KCB. Bởi đây là cơ sở để xây dựng giá viện phí - vấn đề mang tính “nhạy cảm” xã hội.

Tháng 6/2023, Bộ Y tế đã triển khai hướng dẫn các BV xây dựng ĐMKTKT dịch vụ KCB giai đoạn 1 và nay tiếp tục triển khai giai đoạn 2. Với lộ trình này, dự kiến, giá viện phí sẽ tăng và tác động đến quyền lợi của cả người bệnh lẫn các cơ sở y tế. Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, VietTimes đã có cuộc trao đổi với TS. Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý KCB Bộ Y tế:

VT_ Dương.jpg
TS. Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý KCB Bộ Y tế

PV: Tại sao trong vòng nửa năm, 2 lần liên tiếp Bộ Y tế tổ chức hướng dẫn các BV xây dựng ĐMKTKT dịch vụ KCB, thưa ông?

TS. Vương Ánh Dương: Quá trình xây dựng giá dịch vụ KCB của ngành y tế suốt từ đầu những năm 1990 theo Nghị định 95 năm 1994 của Chính phủ, khi đưa ra khung giá viện phí, đã thể hiện những nỗ lực rất lớn trong việc đảm bảo quyền lợi của người dân. Trong giai đoạn 2017-2019, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 37, Thông tư 39 về giá dịch vụ KCB, làm nền tảng để các cơ sở KCB thu viện phí khi thực hiện các kỹ thuật.

Năm 2023 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 21, Thông tư 22 thay thế Thông tư 37 và 39. Tuy nhiên, trong Nghị định 60/năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, có yêu cầu ngành y tế phải tính đúng, tính đủ các chi phí cấu thành giá dịch vụ KCB.

Tuy nhiên, Thông tư 21 và 22 vẫn chưa đủ theo yêu cầu của Nghị định 60, dù đã cập nhật 1 số nội dung cơ bản như tăng tiền lương từ 1,49 triệu lên 1,8 triệu (từ 1/7/20223); sửa 1 số vướng mắc cơ bản trong thanh toán BHYT khi thực hiện dịch vụ kỹ thuật.

Vì thế, Bộ Y tế đang tiến hành thực hiện Nghị định 60, mà Cục Quản lý KCB là đầu mối xây dựng ĐMKTKT, để Vụ Kế hoạch Tài chính sẽ căn cứ trên ĐMKTKT này, cập nhật và xây dựng lại bảng giá dịch vụ kỹ thuật.

Nhưng để đưa dần từng cấu phần giá vào dịch vụ KCB thì phải làm theo lộ trình của Bộ Y tế đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ: Dự kiến quý 3/2024 sẽ dựa trên cơ sở ĐMKTKT này, cập nhật tiếp giá dịch vụ KCB, đưa các cấu phần về khấu hao của cơ sở hạ tầng, quản lý điều hành vào. Tuy nhiên, dựa theo chỉ số CPI tại mỗi thời điểm để Chính phủ quyết định mức tăng của tính đúng, tính đủ.

Thực hiện lộ trình này, Cục Quản lý KCB tiến hành xây dựng ĐMKTKT. Tháng 6/2023, chúng tôi tổ chức hội nghị triển khai xây dựng ĐMKTKT, giao cho các BV xây dựng định mức của 9.900 dịch vụ kỹ thuật. Đây là danh mục đã được bổ sung và thu gọn lại từ 18.000 dịch vụ kỹ thuật do có sự trùng lặp rất nhiều.

Các BV xây dựng quy trình kỹ thuật và khung biểu mẫu để khảo sát, xây dựng định mức và hiện đang hoàn thành. Nhưng không thể chờ đến khi toàn bộ giai đoạn 1 được ban hành mới tiến hành giai đoạn 2. Do đó, chúng tôi làm gối đầu, để các BV hoàn thành kỹ thuật nào thì sẽ tiến hành xây dựng giai đoạn 2 luôn, còn chương nào chưa hoàn thành thì để các BV khác cùng tham gia.

Ông có thể cho biết, việc hướng dẫn xây dựng ĐMKTKT 6 tháng trước với lần này có gì khác biệt?

TS. Vương Ánh Dương: Ở giai đoạn 1, chúng tôi xây dựng hướng dẫn quy trình kỹ thuật làm căn cứ để đưa ra các nguồn lực đầu vào khi thực hiện 1 kỹ thuật, như thuốc gì, vật tư tiêu hao là gì.

Các nguồn lực đầu vào liên quan đến các nhóm cấu phần nên giá viện phí là tiền lương; chi phí trực tiếp bao gồm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, máu, dịch truyền, vật tư y tế tiêu hao, điện nước... trực tiếp phục vụ cho việc thực hiện kỹ thuật đó; chi phí khấu hao liên quan đến bảo trì, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng bao gồm bảo trì bảo dưỡng nhà cửa, trang thiết bị; và các chi phí liên quan đến điều hành: Các nhân viên không trực tiếp thực hiện dịch vụ kỹ thuật, mà công tác ở bộ phận đón tiếp hoặc các phòng, ban quản lý chất lượng, công nghệ thông tin, kiểm soát nhiễm khuẩn trong BV... Phải tính toán những chi phí này trong tổng thể các dịch vụ kỹ thuật.

Còn tại hội nghị lần này, chúng tôi giao cho các BV xây dựng ĐMKTKT, tính toán từng nguồn lực đầu vào. Như vậy, 9.900 dịch vụ kỹ thuật sẽ được xây dựng ĐMKTKT theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

VT_ca phau thuat.jpg
Khi giá viện phí được tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành, người bệnh sẽ giảm phải bỏ tiền túi ra chi trả

Theo Luật KCB, Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm xây dựng giá dịch vụ KCB cho các cơ sở KCB trực thuộc Bộ và các cơ sở y tế thuộc các bộ, ngành. Do vậy, tại hội nghị lần 1, chúng tôi chỉ giao nhiệm vụ cho các BV trực thuộc Bộ Y tế xây dựng dự thảo quy trình kỹ thuật và khung biểu mẫu.

Còn ở giai đoạn này, chúng tôi huy động tất cả các BV trực thuộc Bộ và các BV ngành của Bộ công an, Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT… Vì BV của bộ, ngành sẽ theo bảng giá của Bộ Y tế, nên các BV này sẽ cùng khảo sát từng kỹ thuật các BV đang triển khai, xem những nguồn lực đầu vào sử dụng cho kỹ thuật đó như thế nào.

BV Bạch Mai đã được giao xây dựng quy trình cho hơn 4.000 kỹ thuật, sắp tới BV Bạch Mai có thể tham gia xây dựng định mức cho 7.000-8.000 kỹ thuật. Tương tự, các BV khác cũng vậy.

Dự kiến có khoảng 50-60 BV tham gia xây dựng định mức cho 1 kỹ thuật cơ bản thực hiện ở hầu hết các BV. Cũng có 1 vài kỹ thuật mà ít BV triển khai như phẫu thuật nội soi bằng robot, nên sẽ có ít BV tham gia xây dựng định mức.

Việc tất cả các BV đều tham gia vào quá trình này sẽ khiến các BV rất vất vả, mất thời gian. Nhưng đây là quyền lợi của các BV để đảm bảo định mức đưa ra phù hợp với từng BV, để sau này, khi Bộ Y tế ban hành mức giá, không BV nào có thể nói rằng giá đó không phù hợp.

ĐMKTKT được xây dựng tại hội nghị lần này là bước đi để Bộ Y tế dần đưa các cấu phần chi phí thực hiện kỹ thuật vào trong giá dịch vụ kỹ thuật từ quý 3/2024.

Hiện đang có 9.900 dịch vụ kỹ thuật, tới đây, có thể sẽ tiếp tục giảm bớt bởi có nhiều dịch vụ đã lỗi thời, không thực hiện nữa, nhưng cũng có 1 số dịch vụ được xem xét để cho thêm vào.

Với việc xây dựng ĐMKTKT lần này, viện phí có được tính đúng tính đủ như chỉ đạo của Chính phủ chưa, thưa ông?

TS. Vương Ánh Dương: Việc xây dựng ĐMKTKT lần này góp phần đảm bảo đúng tiến trình của Bộ Y tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là đưa đủ các cấu phần liên quan đến chi phí cho 1 dịch vụ kỹ thuật để tính giá dịch vụ kỹ thuật.

VT_Phau thuat.JPG
Cả người bệnh, cơ sở y tế và Nhà nước đều được lợi khi giá viện phí tính đúng tính đủ

Nhiều người lo ngại rằng, với cách tính đúng, tính đủ này, giá viện phí sẽ tăng và người bệnh sẽ bị thiệt. Còn ý kiến của ông - với tư cách là người chỉ đạo từ đầu việc xây dựng ĐMKTKT làm cơ sở để xây dựng giá viện phí - thì sao?

TS. Vương Ánh Dương: Khi giá viện phí được tính đúng, tính đủ, lợi ích dài hạn chắc chắn là người bệnh và BV lẫn nhà nước đều được hưởng. Người bệnh được tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật mà các BV thực hiện, được thanh toán với giá tính, đúng tính đủ theo lộ trình của Chính phủ và tiến tới được hưởng các dịch vụ mà các cơ sở y tế đầu tư và phát triển. Với người bệnh BHYT, sẽ được BHYT chi trả.

Phần thiếu của dịch vụ mà BHYT không chi trả, người bệnh cũng không chi trả, như khấu hao nhà cửa, khấu hao trang thiết bị, hiện chưa được đưa vào giá BHYT, và nhà nước đang hỗ trợ BV, hoặc BV đang vay vốn để đầu tư mà chưa có nguồn thu lại. Nhưng khi được thu đúng, thu đủ các nguồn lực đã đầu tư cho kỹ thuật, BV sẽ có phần tích lũy và chủ động được tài chính để tiếp tục đầu tư phát triển BV.

Khi BV được thu lại những chi phí cho 1 dịch vụ kỹ thuật, sẽ bớt đi gánh nặng cho ngân sách nhà nước phải hỗ trợ cho các BV đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực.

Đây là ĐMKTKT để xây dựng giá viện phí cho các BV tuyến Trung ương. Còn các BV tỉnh có thực hiện theo mức giá mà Bộ Y tế ban hành không thưa ông?

TS. Vương Ánh Dương: Các tỉnh sẽ tự xây dựng giá cho các đơn vị của mình. Khi định mức lần này được ban hành, các tỉnh có thể tham khảo để điều chỉnh, cân đối và khảo sát thêm với BV tỉnh mình để xây dựng được ĐM KTKT của tỉnh.

Theo Thông tư 37 và 39, Bộ Y tế đã ban hành khung giá tối đa và là cơ sở để các BV thực hiện. Nhưng tới đây, theo Luật KCB, Bộ Y tế sẽ không ban hành giá chung nữa.

ĐMKTKT mà chúng tôi đang xây dựng là cho các cơ sở thuộc Bộ Y tế và cơ sở y tế thuộc các bộ, ngành. Bởi nhiệm vụ của Bộ Y tế là xây dựng khung giá cho các BV mà Bộ đang phụ trách.

Bộ Y tế vừa tổ chức hội nghị triển khai khảo sát ĐMKTKT dịch vụ KCB cho các BV trực thuộc Bộ Y tế và các bộ, ngành, nhằm thúc đẩy nhanh việc xây dựng giá viện phí tính đúng, tính đủ, theo chỉ đạo của Chính phủ.

Tại hội nghị, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - nhấn mạnh: Các BV muốn tự chủ hoàn toàn, cần phải cân bằng thu chi, trong khi giá BHYT hiện nay mới thu có 4 yếu tố cấu thành viện phí. BV phải chi 7 mà thu 4 thì làm sao tự chủ được? Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo ngành y tế xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật tiến tới tính đúng, tính đủ giá dịch vụ kỹ thuật để tự chủ được.

Muốn xây dựng giá viện phí tính đúng, tính đủ, thì phải xây dựng định mức từng dịch vụ kỹ thuật mà trước hết là phải xây dựng danh mục kỹ thuật.