Dự kiến, trong năm 2018, Bộ Y tế sẽ hoàn thành và triển khai mở rộng trên phạm vi toàn quốc thông qua Cơ chế một cửa quốc gia đối với 5 thủ tục hành chính liên quan.
Các lĩnh vực thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia dưới hình thức là dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 hiện có 55 thủ tục hành chính liên quan đến công tác quản lý nhà nước của Bộ Y tế, trong đó lĩnh vực dược 35 thủ tục, y tế dự phòng 6 thủ tục, an toàn thực phẩm 5 thủ tục và trang thiết bị là 9 thủ tục hành chính.
“Dự kiến đến năm 2020, các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh sẽ được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia dưới hình thức dịch vụ công cấp độ 4 và sẽ được thu phí, lệ phí bằng phương pháp điện tử”, ông Quang thông tin.
Hàng năm, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế vẫn xây dựng theo phương án đơn giản hóa TTHC, đưa ra các nhóm trọng tâm trọng điểm liên quan lợi ích người dân và doanh nghiệp. Ví dụ như năm 2015, Bộ Y tế đã tiết kiệm được 300 tỷ đồng nhờ rà soát các nhóm TTHC liên quan đến khám chữa bệnh cho người dân.
Năm 2017, Bộ Y tế tiếp tục tổ chức triển khai xây dựng đơn giản hóa. Bên cạnh đó, tổ chức đánh giá các tác động của TTHC, công bố công khai TTHC được ban hành, kiểm tra thường xuyên việc thực hiện tại địa phương…
Theo thống kê trong toàn ngành y tế có 11 lĩnh vực thực hiện cải cách TTHC trong đó có các lĩnh vực dược, mỹ phẩm, an toàn thực phẩm (ATTP), y tế dự phòng, dân số kế hoạch hóa gia đình, giám định y khoa, tài chính y tế….
Đáng chú ý là sự phân cấp trong thực hiện cải cách TTHC được phân cấp rõ ràng cho địa phương quản lý, chẳng hạn lĩnh vực Giám định y khoa có 61 thủ tục thì Bộ chỉ quản lý 1; còn lại giao cho địa phương quản lý; lĩnh vực khám chữa bệnh có 87/149 TTHC giao cho địa phương quản lý....
Theo đó, đối với nhóm điều kiện chung với cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, Bộ Y tế sẽ bãi bỏ 5 điều kiện đối với cơ sở sản xuất thực phẩm; 3 điều kiện với cơ sở kinh doanh thực phẩm; bãi bỏ 8 điều kiện với cơ sở sản xuất kinh doanh (SX - KD) TPCN và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng; bãi bỏ điều kiện đối với cơ sở SX-KD phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; bãi bỏ 9 điều kiện đối với SX-KD nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai, nước đá dùng liền.
So với Nghị định số 38/2012, dự thảo Nghị định mới đã lược bỏ bớt các thành phần hồ sơ như Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với sản phẩm nhập khẩu; Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với sản phẩm nhập khẩu; Kế hoạch kiểm soát chất lượng; Kế hoạch giám sát định kỳ; Bản thông tin chi tiết về sản phẩm; Mẫu sản phẩm...
Với thủ tục kiểm tra nhà nước thực phẩm nhập khẩu, thủ tục đang bị kêu là tốn kém chi phí và thời gian của doanh nghiệp, nhưng hiệu quả phát hiện thực phẩm vi phạm chất lượng lại rất thấp, Bộ Y tế dự kiến hàng hóa nhập khẩu từ các nước phát triển như EU, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Canada, Úc, các cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn ISO 22000, HACCP… sẽ được điều chỉnh theo hướng giảm nhẹ.
Với điều chỉnh này, có 95% thực phẩm nhập khẩu sẽ được giảm nhẹ ở thủ tục kiểm tra nhà nước.
Theo bà Nga, thời gian cải cách thủ tục bị chậm do gốc của các thủ tục liên quan đến thực phẩm là nghị định 38 năm 2012 của Chính phủ, nay phải sửa 26/28 điều của nghị định nên thời gian có kéo dài.