Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nói về giải pháp quan trọng để xử lý nạn hàng giả trong y tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Người dân ra chợ, lên mạng vẫn không biết đâu là thật, đâu là giả. Nếu không xử lý tận gốc, sẽ rất khó cho quá trình quản lý”, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nói và nêu những giải pháp để giải quyết vấn nạn hàng giả trong y tế.

Xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức buông lỏng quản lý

Sáng 23/5, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm đánh giá đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực y tế, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình trạng hàng giả, đặc biệt là thuốc, sữa, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm giả ngày càng diễn biến phức tạp, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người dân, gây bức xúc dư luận.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh đây là hội nghị quan trọng nhằm rà soát toàn diện các hoạt động quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm và đề xuất các giải pháp mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

BT.jpeg
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết chống hàng giả trong lĩnh vực y tế luôn được Bộ Y tế xác định là nhiệm vụ trọng tâm

Theo Bộ trưởng, thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm là những mặt hàng thiết yếu, có vai trò đặc biệt trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Do đó, công tác chống hàng giả trong lĩnh vực y tế luôn được Bộ Y tế và Chính phủ xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên.

Trước tình trạng các vi phạm ngày càng tinh vi, có dấu hiệu tiếp tay của một số cá nhân trong bộ máy, Bộ Y tế khẳng định quan điểm kiên quyết, không khoan nhượng với tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả trong lĩnh vực y tế.

“Các hành vi vi phạm phải bị xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đồng thời sẽ xử lý cả trách nhiệm cá nhân, tổ chức buông lỏng quản lý”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Trong giai đoạn từ năm 2020 đến tháng 5/2025, Cục An toàn thực phẩm đã thanh tra, hậu kiểm hơn 400 cơ sở, xử lý 198 cơ sở vi phạm, với số tiền phạt 23,76 tỷ đồng. Trong lĩnh vực dược phẩm, mỹ phẩm và dược liệu, năm 2024, các đơn vị thuộc Bộ Y tế đã tổ chức hàng trăm đoàn thanh kiểm tra chuyên sâu, ban hành 46 quyết định xử phạt với tổng số tiền trên 2,5 tỷ đồng.

Bộ Y tế đã tăng cường phối hợp với Bộ Công an qua ký kết quy chế phối hợp chia sẻ dữ liệu và xử lý các vụ việc nghiêm trọng.

Từ năm 2020 đến nay, Cục An toàn thực phẩm đã chuyển 31 vụ việc liên quan đến thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả sang cơ quan công an. Cục Quản lý Dược cũng phối hợp với công an các địa phương như Thanh Hóa để triệt phá các đường dây buôn bán thuốc chữa bệnh giả.

Bên cạnh đó, nhiều hội nghị liên bộ có sự tham gia của Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND các tỉnh, thành phố đã được tổ chức nhằm thống nhất giải pháp phòng, chống hàng giả một cách toàn diện. Công tác truyền thông cũng được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, cảnh báo người dân về thực phẩm, thuốc và mỹ phẩm giả.

Những khó khăn, thách thức

Tại hội nghị, đại diện Bộ Y tế thẳng thắn chỉ ra những tồn tại như thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi, công nghệ cao bị lợi dụng để sản xuất hàng giả, hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử khó kiểm soát, lực lượng kiểm tra tuyến cơ sở còn mỏng và thiếu trang thiết bị.

Một số địa phương triển khai hậu kiểm chưa nghiêm, chưa kịp thời phát hiện và báo cáo các hành vi vi phạm, dẫn đến việc kiểm soát hàng hóa trên thị trường còn nhiều kẽ hở.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết Bộ Y tế đang xây dựng hai nghị định mới về phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương nhằm đảm bảo quản lý sát thực tiễn hơn. Bộ cũng cam kết hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao chế tài xử phạt và tiếp tục hỗ trợ địa phương triển khai kiểm tra, hậu kiểm hiệu quả hơn.

Đặc biệt, trong tháng cao điểm từ ngày 15/5 đến 15/6/2025, Bộ Y tế đã thành lập các tổ công tác đặc biệt do Thứ trưởng làm Tổ trưởng tiến hành kiểm tra đột xuất được triển khai đồng loạt trên cả nước, nhằm kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, dược phẩm, thiết bị y tế.

VT_Thuoc.jpg
Nhiều loại thuốc chữa bệnh giả đã được phát hiện

Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin, minh bạch hóa thông tin sản phẩm là giải pháp quan trọng để giải quyết hàng giả trong y tế và tăng cường vai trò của các Sở Y tế và chính quyền tỉnh trong kiểm tra, quản lý.

“Người dân ra chợ, lên mạng vẫn không biết đâu là thật, đâu là giả. Nếu không xử lý tận gốc, sẽ rất khó cho quá trình quản lý”, bà Lan nói.

Các doanh nghiệp cũng được kêu gọi nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tuyệt đối không tiếp tay cho hàng giả. Quan điểm xử lý là nghiêm khắc, không có ngoại lệ. Đấu tranh chống hàng giả là nhiệm vụ lâu dài, cần sự vào cuộc của toàn xã hội.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện các quy định về đăng ký, quảng cáo, lưu hành sản phẩm; kiểm tra chặt việc công bố, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt trên sàn thương mại điện tử. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân cùng phát hiện, tố giác hàng giả.

Bộ Y tế khẳng định cam kết hành động quyết liệt, đồng bộ và liên tục để bảo vệ sức khỏe nhân dân, quyền lợi người tiêu dùng và sự phát triển lành mạnh của ngành y tế.