Xung quanh về câu chuyện thông tin “Nước mắm có Arsen” trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trương Minh Tuấn đã có những chia sẻ với báo chí về nghiệp vụ và đạo đức nghề báo, tại vài phút cuối cuộc họp báo Chính phủ vừa diễn ra chiều tối 29/10.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng: Đáng lẽ trong câu chuyện này cần làm rõ không có arsen vô cơ trong nước mắm, arsen hữu cơ có trong nước mắm là do tự cơ thể động vật (cá) sản sinh ra và không có hại cho người tiêu dùng.
Chia sẻ bên lề cuộc họp với các phóng viên, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho rằng vụ đưa tin về “nước mắm có Arsen” là một bài học đau lòng với những người làm báo. Nếu không kịp thời minh bạch thông tin và mạnh tay xử phạt những tờ báo cố tình chạy theo lượng “view”, bỏ quên đạo đức nghề báo thì chúng ta sẽ dần mất đi độc giả.
Nguy hiểm hơn, những thông tin sai lệch sẽ đẩy độc giả đến những tư tưởng và hành động sai lệch, đó là căn nguyên làm rối loạn trật tự xã hội và làm suy giảm lòng tin của con người một cách nghiêm trọng.
Bên lề họp báo Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, Bộ đang làm việc với các cơ quan liên quan để xem xét về hoạt động của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) và nếu cần thì có thể đình chỉ hoạt động của Hội, để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện tôn chỉ, mục đích của Vinastas sau vụ bê bối nước mắm có chứa Arsen. Nếu phát hiện Vinastas có sai phạm, đơn vị này sẽ xử lý đúng theo quy định của pháp luật.
“Hiện Bộ Nội vụ đang làm việc với Bộ Công an và chờ kết luận của đoàn kiểm tra liên ngành. Theo đó, căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, Bộ sẽ xem xét xử lý theo quy định của pháp luật”, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết.
Tại buổi họp báo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu bật những nét chính của tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2016, trong đó có việc Việt Nam vừa tổ chức thành công 3 sự kiện quốc tế lớn (Hội nghị ACMECS lần thứ 7, CLMV lần thứ 8 và WEF-Mekong), qua đó, nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế.
Đồng thời, môi trường kinh doanh của Việt Nam, theo đánh giá mới nhất của Ngân hàng Thế giới đã tăng 9 bậc, đứng thứ 5 trong ASEAN và năm nay, Việt Nam đã cải thiện được một số tiêu chí như tiếp cận điện năng tăng 5 bậc; tiêu chí nộp thuế tăng 11 bậc…
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra một số chỉ số sụt giảm thứ hạng để có biện pháp khắc phục trong thời gian tới như tiêu chí xin cấp phép xây dựng và vay vốn…
Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2016 tăng 0,83% so với tháng trước và tăng 4,09% so với cùng kỳ năm 2015, tiến gần tới mức lạm phát 5% mà Quốc hội đề ra cho năm nay, Thủ tướng lưu ý: “Phải tính toán vấn đề này để kiểm soát, ổn định kinh tế vĩ mô. Giữ chỉ số này không vượt quá chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra”.