|
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trả lời báo chí. |
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn nhấn mạnh tại buổi họp báo Chính phủ diễn ra tối 2/8, sau khi có lời cảm ơn các cơ quan báo chí đã vào cuộc và đồng tình cao, đưa thông tin chính xác, kịp thời, đúng định hướng để giải quyết vấn đề.
Ông nhắc lại, vụ hacker xảy ra vào 16h ngày 29/7 và trước thời điểm bị tấn công khoảng 2 giờ, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT - Bộ TT&TT) đã gửi cảnh báo và sau khi sự cố xảy ra các đơn vị của Bộ TT&TT, Trung tâm VNCERT, Vụ An toàn thông tin đã trực tiếp cử cán bộ kỹ thuật có mặt tại hiện trường tham gia cùng Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam, Cục An ninh mạng (Bộ Công an) và các tổ chức, doanh nghiệp khác xử lý khẩn cấp để khắc phục kịp thời sự cố. Đến chiều qua (1/8) tất cả máy tính ở sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất đã hoạt động lại bình thường.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đã ban hành kịp thời các văn bản gửi tất cả các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, tổng công ty lớn tăng cường kiểm tra, giám sát, rà soát bảo đảm an toàn thông tin và VNCERT cũng ban hành 2 văn bản hướng dẫn kĩ thuật cụ thể.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, sự cố này là hồi chuông cảnh tỉnh các cơ quan chức năng về việc tăng cường các biện pháp để bảo đảm an toàn thông tin.
Ông nhấn mạnh: "Trong môi trường mạng phát triển như thế này, chúng ta không chắc chắn rằng những cuộc tấn công như thế còn diễn ra nữa hay không và không ai trong chúng ta có thể ngăn chặn triệt để được các cuộc tấn công này. Trong tương lai, các mối nguy cơ tiềm ẩn như thế này ngày càng cao và liên quan đến nhiều nguyên nhân phức tạp khác, vì vậy không có sự an toàn tuyệt đối nên chúng ta càng phải nâng cao cảnh giác, phải đầu tư cả con người, cả kỹ thuật để bảo đảm an toàn thông tin".
"Ngoài ra, về việc thông điệp hacker đưa ra mang màu sắc chính trị. Đây là thông điệp từ nhóm hacker tự xưng là 1937CN đến từ Trung Quốc. Về nguyên tắc, ta phải tìm ra thủ phạm với đầy đủ bằng chứng buộc tội và ngay trên diễn đàn của mình nhóm hacker này cũng lên tiếng bác bỏ những cáo buộc về vụ tấn công. Như vậy, để đưa ra kết luận cuối cùng về nguồn gốc của cuộc tấn công này, cần phải có sự điều tra kỹ lưỡng về mặt kỹ thuật. Trong khi các cơ quan, đơn vị chức năng đang tìm kiếm thủ phạm, làm rõ nguyên nhân, chúng ta cần bình tĩnh, thận trọng, tránh suy diễn", ông lưu ý.
Đồng thời, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng đưa ra đề nghị các cơ quan báo chí và thông qua báo chí khuyến nghị cộng đồng mạng và cộng đồng an toàn thông tin Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, tránh những hành vi khiêu khích hoặc thách thức không cần thiết như dùng những nhóm hacker của Việt Nam tấn công lại nước khác. Việc này sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội và an ninh thông tin Việt Nam nên cần hết sức lưu ý tránh việc đó.
Trước đó, vào chiều ngày 29/7, màn hình ở khu vực làm thủ tục hành khách tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã bị tin tặc (hacker) tấn công bằng cách chèn hình ảnh và nội dung câu chữ xúc phạm Việt Nam, Philippines và xuyên tạc các nội dung về Biển Đông.
Chiều cùng ngày, trang web chính thức của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng đã bị tin tặc thay đổi giao diện trang chủ và thông tin ghi trang đã bị nhóm hacker 1937CN tấn công. Vietnam Airlines sau đó đã phát đi thông báo thừa nhận website của đơn vị này đã bị chiếm quyền domain (tên miền) và chuyển sang trang web xấu ở nước ngoài. Những sự cố trên ngay sau đó đã được phía cơ quan chức năng phát hiện và sửa chữa, khôi phục.
Tuy nhiên, theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, sự cố đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quy trình phục vụ hành khách của ngành hàng không. Hơn 100 chuyến bay bị ảnh hưởng, trong đó hàng chục chuyến bay bị chậm giờ từ 15 phút cho đến hơn một tiếng.
Ngay sau khi nhận được báo cáo, các cơ quan chức năng của Bộ Công an đã kịp thời có mặt chỉ đạo và trực tiếp xử lý sự cố. Hệ thống bị can thiệp cơ bản đã được khắc phục. Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với ngành hàng không để truy tìm nguồn can thiệp và đề ra các giải pháp tăng cường bảo vệ, phòng ngừa sự cố trong tương lai.