Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Hạn chế tối đa “năng lượng đen” từ mạng xã hội

VietTimes -- Theo Bộ trưởng TT&TT, bên cạnh những tiện ích rất lớn thì tác hại do mạng xã hội mang lại không phải là nhỏ. Đó là thông tin bôi nhọ, xúc phạm danh dự nhân phẩm, kích động bạo lực, khiêu dâm, chia rẽ dân tộc tôn giáo ngày càng phát triển nhiều hơn. Tuy nhiên, cần phát huy năng lượng tốt và hạn chế tối đa năng lượng xấu trên mạng xã hội.

Xem video tại đây:

Tư lệnh ngành Thông tin và Truyền thông đã có hơn 1 giờ đăng đàn trả lời chất vấn của các ĐBQH về các vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận hiện nay như quản lý báo chí, quảng lý mạng xã hội, quản lý quảng cáo trên các phương tiện truyền thông. Sau giờ nghỉ trưa, phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn sẽ tiếp tục dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Mạng xã hội nước ngoài có mặt ở Việt Nam cũng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định: "Khoảng 15 năm trước đây chúng ta không nghĩ rằng mạng Internet mạng xã hội phát triển như hôm nay. Và chúng ta không lường trước được 15 năm trước chúng ta sẽ biết mạng xã hội phát triển ra sao. Mạng xã hội, Internet ra đời đã giúp con người xích lại gần nhau. Kho kiến thực đồ sộ của mạng xã hội làm chúng ta lúc nào cũng có cơ hội tìm kiếm kiến thức mọi nơi mọi lúc. Vai trò của Internet và mạng xã hội chúng ta không thể phủ nhận".

Tuy nhiên bên cạnh những tiện ích rất lớn thì tác hại do mạng xã hội mang lại không phải là nhỏ. Đó là thông tin bôi nhọ, xúc phạm danh dự nhân phẩm, kích động bạo lực, khiêu dâm, chia rẽ dân tộc tôn giáo ngày càng phát triển nhiều hơn.

Ông nhắc lại băn khoăn của nhiều người về việc mạng xã hội phát triển như vậy thì có nên sử dụng hay không? Ông cho rằng, nếu nói rằng mạng xã hội như một con đường thì trên con đường đó có cả kẻ cướp có cả người bình thường. Vì vậy vấn đề là ý thức của người đi trên con đường đó.

Hầu hết những người sử dụng Facebook là người tốt, vẫn rất người với nhau. Nhưng dù chỉ có một bộ phận nhỏ, năng lượng đen, năng lượng xấu như ném đá nhau, nói xấu nhau vẫn đang là vấn đề nhức nhối. Thậm chí từ 2014 tới nay có 5-6 trường hợp tự tử vì việc bị bôi nhọ trên mạng xã hội, vì tình trạng ném đá tập thể trên mạng xã hội. Người ta tung ra những lời nói bôi nhọ mà bất chấp nạn nhân là ai.

Chính vì vậy, trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã làm việc với các cơ quan liên quan để tăng cường năng lượng tốt, hạn chế tối đa năng lượng xấu trên mạng xã hội.

Các mạng xã hội nước ngoài có mặt ở VN thì cũng phải tuân thủ pháp luật VN. Trong thời gian qua, chúng tôi đã làm việc với các mạng xã hội nước ngoài và tác động gỡ bỏ những nội dung xấu độc, xâm phạm lợi ích quốc gia và các cá nhân.

Chương trình xã hội hóa không lấn át chương trình thiết yếu

Về vấn đề xã hội hóa truyền hình, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết: Các chương trình truyền hình liên kết hầu hết là các chương trình giải trí. Xu hướng chung là tăng cường giải trí xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc phối kết hợp với văn hóa hiện đại.

Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều chương trình có vấn đề, cách đây mấy năm sai phạm ở trong chương trình xã hội hóa còn nhiều.

Gần đây hầu hết các đài đã có quy trình chuẩn hơn, chấn chỉnh lại quá trình xã hội hóa từ quy trình kiểm duyệt do đó mức độ vi phạm giảm.

Bộ TT&TT cũng thường xuyên kiểm tra, xử lý, nhắc nhở với chủ trương các chương trình xã hội hóa không lấn át chương trình thiết yếu.

Xử phạt gần 150 cơ quan báo chí trong năm 2016

Trả lời đại biểu Nông Văn Tình, đoàn Nghệ An về việc vi phạm của báo chí, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đánh giá đây là vấn đề nhức nhối gần đây. Nhưng vai trò của báo chí từ trước đến nay rất rõ ràng. Sai phạm của báo chí là rất lớn nhưng sai phạm đó không làm biến dạng dòng chảy chính của báo chí. Báo chí luôn đồng hành tuyên truyền của đường lối của Đảng, Nhà nước. Báo chí luôn xuất hiện ở những nơi khó khăn.

Năm 2016, Bộ xử phạt gần 150 cơ quan báo chí, nhiều nhất từ trước đến nay. Việc đăng tải thông tin sai sự thật chiếm tỷ lệ lớn. Có thời điểm trong một tháng, có 70 cơ quan thông tin báo chí bị xử phạt. Riêng vụ nước mắm, hơn 50 cơ quan báo chí bị xử lý. Năm 2016, trước tình trạng một số cơ quan báo chí cấp loại thẻ giống thẻ nhà báo, Bộ đã xử lý, thu hồi, thậm chí xử lý một phó tổng biên tập.

Hiện đã có khung Chính phủ điện tử phiên bản 4.0

Trả lời chất vấn về việc xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định các bộ, ngành đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công, để giúp cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính hiệu quả hơn.

Cụ thể như, lĩnh vực hải quan, thuế xử lý trên 21 triệu hồ sơ trực tuyến; Bảo hiểm xã hội Việt Nam xử lý trên 28 triệu hồ sơ trực tuyến; ngành Ngoại giao trên 1,6 triệu hồ sơ trực tuyến; Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên 450 nghìn hồ sơ trực tuyến; Bộ Tư pháp trên 258 nghìn hồ sơ trực tuyến...

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng thẳng thắn đánh giá việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến còn nhiều hạn chế, hệ thống cơ sở dữ liệu chưa được triển khai đồng bộ, người đứng đầu nhiều cơ quan chưa quan tâm đúng mức đến lĩnh vực này...

Đồng thời, Bộ trưởng Tuấn cũng cho biết, hiện đã có khung Chính phủ điện tử phiên bản 4.0.

Tăng cường quản lý thông tin trên mạng

Liên quan đến giải pháp kiểm soát, hạn chế thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội và định hướng thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nêu rõ, các thông tin tiêu cực như xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ, kêu gọi kích động biểu tình, chống phá nhà nước... chủ yếu tồn tại trên các mạng xã hội nước ngoài do nhận thức của người sử dụng cho rằng mạng xã hội là môi trường ảo nên có thể tự do phát ngôn mà không phải chịu trách nhiệm, gây ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân.

Ngoài ra trước đây các trang mạng xã hội nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam nhưng gần như không bị điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật Việt Nam dẫn đến tình trạng việc theo dõi, xử lý các thông tin vi phạm còn gặp khó khăn.

Trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường quản lý nội dung thông tin trên mạng, đấu tranh ngăn chặn các thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật, như: Tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường quản lý Internet và thông tin trên mạng. Tăng cường xử lý các đối tượng có hành vi sai trái, phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội.

Từ năm 2016 đến nay, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường xử lý các đối tượng có hành vi sai phạm, phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội.

Đối với trường hợp xác định được nhân thân của đối tượng vi phạm: tuỳ theo mức độ, Bộ TT&TT sẽ áp dụng hình thức xử lý kịp thời thông qua việc xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp kỹ thuật, áp dụng theo quy định tại Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Trường hợp vi phạm mức độ nhẹ thì nhắc nhở, rút kinh nghiệm, trường hợp vi phạm ở mức độ nặng có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi giấy phép, thu hồi tên miền...

Trường hợp không xác định được nhân thân của tổ chức, cá nhân vi phạm, Bộ TT&TT yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như Google, Youtube, Facebook,... thực hiện các biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ theo quy định tại Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT.

Phiên chất vấn thu hút sự tập trung theo dõi của các đại biểu quốc hội.

Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để xác định hành vi, đối tượng và ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm ẩn danh tính hoặc đối tượng chống phá Đảng, Nhà nước.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm trên Internet và mạng xã hội. Chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người sử dụng Internet và mạng xã hội.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, đảm bảo môi trường pháp lý bình đẳng, minh bạch, kịp thời bổ sung, xây dựng các văn bản mới và xây dựng cơ chế chính sách về thông tin điện tử cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đáp ứng hiệu quả quản lý, bổ sung các chế tài xử lý sai phạm nghiêm khắc hơn.

Xây dựng chính sách quản lý nội dung thông tin trên mạng theo kịp với sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là sự phát triển của các công nghệ mới.

Nghiên cứu phương án xây dựng công cụ quản lý, thu thập, phòng ngừa và cảnh báo; công cụ đánh giá truy cập website để làm căn cứ thực hiện các chính sách quản lý nhà nước về thông tin trên Internet.

Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người sử dụng về các quy định của pháp luật có liên quan nội dung thông tin trên mạng.

Thúc đẩy mạng xã hội do doanh nghiệp tại Việt Nam cung cấp dịch vụ.

Tăng cường hợp tác quốc tế và phối hợp với các bộ, ngành chức năng để xử lý các thông tin vi phạm chuyên ngành liên quan đến thuế, thanh toán trực tuyến, thương mại điện tử.

Được biết, trong phần chất vấn hôm nay, các đại biểu sẽ chất vấn Bộ trưởng Trương Minh Tuấn về 3 nhóm vấn đề chính:  Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử; Công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông; về hệ thống dịch vụ truyền thông, việc xã hội hóa các chương trình phát thanh, truyền hình; Giải pháp kiểm soát, hạn chế thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội và định hướng thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội.

Trong quá trình Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, thay mặt Thủ tướng Chính phủ trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ; các Bộ trưởng cùng tham gia trả lời chất vấn: Công an, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo và các Bộ trưởng, trưởng ngành khác tùy theo nội dung chất vấn có liên quan (nếu có).

Buổi chiều, từ 14h00 đến 16h50 (giải lao từ 15h30-15h50), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và các thành viên Chính phủ tiếp tục trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thứ 3.

Từ 16h50 đến 17h00, Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết thúc nhóm vấn đề chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, có 70 đại biểu đã đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn.

Các đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp); Mong Văn Tình (Nghệ An); Nguyễn Lân Hiếu (An Giang); Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An); Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình); Phạm Văn Tuân (Thái Bình); Cao Thị Xuân (Thanh Hóa); Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên);... chất vấn các nội dung: Giải pháp đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử; giải pháp xử lý bất cập xã hội hóa truyền hình, truyền hình thương mại "lấn lướt" truyền hình công; giải pháp xử lý một số tồn tại, hạn chế trong hoạt động báo chí (thông tin giật gân, câu khách, thông tin chưa chính xác, thiếu kiểm chứng, sai sự thật, chưa đúng tôn chỉ mục đích,...); giải pháp ngăn chặn tình trạng quảng cáo tràn lan, sai sự thật, gây nguy hại trên mạng internet; cách phân loại thông tin độc hại để quản lý, tránh ngăn chặn thông tin phản biện; giải pháp đột phá để kiểm soát thông tin mạng (đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, nói xấu cá nhân, tổ chức);...