Việc quản lý thông tin trên môi trường Internet, trên các mạng xã hội trở thành chủ đề rất nóng trong buổi đăng đàn sáng nay (8/11) của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Mặc dù mới tiếp quản ngành Thông tin và Truyền thông hơn một năm nay và đây cũng là lần đầu tiên đứng ở vị trí nóng để trả lời chất vấn Quốc hội nhưng Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thể hiện là người nắm rất sát tình hình khi trả lời lưu loát, trúng trọng tâm bằng phong thái đĩnh đạc vốn có của một vị Tướng nhà binh.
ĐBQH Mong Văn Tình (Nghệ An) đặt vấn đề về việc nở rộ trào lưu sản xuất các phim ngắn phục vụ các mạng xã hội để kiếm tiền nhằm thu hút nhiều lượt xem. Từ đó, các nhà sản xuất đã sáng tạo nhiều nội dung có tính chất kích động bạo lực giang hồ, cổ súy cờ bạc, ma túy, v.v.. Các video này đã thu hút hàng ngàn, thậm chí là triệu lượt xem, tác động xấu đến suy nghĩ lối sống của một bộ phận giới trẻ.
Trả lời trực diện vào vấn đề, Tư lệnh ngành Thông tin và Truyền thông cho rằng: “Các video này, bạo lực có, cờ bạc có. Hiện nay đã có công cụ phát hiện, cơ bản chúng ta có và càng ngày càng hoàn thiện. Các bộ, các ngành, địa phương cùng chung tay. Các video cờ bạc, bạo lực mà Bộ nhận diện, phát hiện được thì Bộ sẽ cho hạ xuống ngay”.
Riêng những nội dung không đúng thuần phong, mỹ tục Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng Bộ Văn hóa cần vào cuộc. Còn các nội dung ảnh hưởng đến trẻ em, thì những cơ quan liên quan đều phải cùng phối hợp.
Cũng về việc xử lý thông tin xấu độc lên mạng, trao đổi về ý kiến chất vấn của ĐB Trương Thị Yến Linh (Cà Mau), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết nhiều quốc gia coi việc người dân phải có khả năng phân biệt tin xấu độc trên mạng xã hội là giải pháp căn cơ.
Theo Bộ trưởng, bây giờ có hàng triệu tin trên không gian mạng, ai cũng có thể đưa thông tin trên không gian mạng.
“Mỗi một cá nhân phải có kỹ năng sống trên không gian mạng. Nếu như chúng ta có kỹ năng phân biệt tốt xấu thì tự nhiên cái xấu không có cơ hội tồn tại. Mỗi người lên mạng đọc tin xấu độc thì vô hình chung đã trả tiền, nuôi thông tin xấu độc. Nếu mỗi người nhận dạng được, không xem nữa thì dần dần các tin xấu độc sẽ suy giảm
Tôi vẫn nghĩ là câu chuyện giáo dục, đưa vào từ phổ thông giáo dục trong toàn xã hội. Với cách hành xử mới thì chúng ta phải quen dần", Tư lệnh ngành Thông tin và Truyền thông nói.
Phản hồi đề xuất của đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) về việc có quản lý mạng xã hội như cách đang quản lý báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết mạng xã hội và báo chí là hai không gian khác nhau, bởi nói đến báo chí là nói đến định hướng dư luận, sứ mệnh về thông tin, tạo ra năng lượng tích cực cho xã hội.
"Trong khi đó, mạng xã hội là không gian biểu đạt tự do của người dân. Trách nhiệm của chúng ta là hạn chế tiêu cực để không gian lành mạnh hơn. Mọi người tham gia phải có trách nhiệm. Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ và Bộ đã hoàn thành. Sắp tới Bộ sẽ trình Chính phủ ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Đây là một khung mềm, chủ yếu hướng đến các tiêu chuẩn đạo đức", Bộ trưởng nói.