Đây là 1 trong 6 nhóm nhiệm vụ chính về chiến lược chuyển đổi số mà Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng gợi ý tại buổi làm việc với Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC) - diễn ra mới đây.
Cần sớm ban hành chiến lược về chuyển đổi số
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chuyển đổi số là cuộc cách mạng toàn dân và toàn diện. Nó cần một chiến lược xuất sắc để dẫn dắt. VKSNDTC cần sớm ban hành một chiến lược về chuyển đổi số toàn bộ, có tầm nhìn, có mục tiêu cao, có cách tiếp cận và giải pháp độc đáo, đột phá để biến việc khó thành dễ, khả thi, có thể làm nhanh. Bộ TT&TT có nhiệm vụ hỗ trợ VKSNDTC trong xây dựng dựng chiến lược chuyển đổi số.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra gợi ý chiến lược chuyển đổi số của VKSNDTC có thể gồm 6 nhóm nhiệm vụ chính:
Thứ nhất, tạo lập một hạ tầng (bao gồm cả dữ liệu) dùng chung, thống nhất cho phép cấp dưới không phải báo cáo cấp trên, cho phép họp trực tuyến tới các tổ chức và cá nhân trong toàn bộ hệ thống, làm việc trực tuyến với tội phạm đang bị giam giữ trong quá trình điều tra,…;
Thứ hai, xây dựng một nền tảng quản lý văn bản điện tử thống nhất trong toàn bộ hệ thống;
Thứ ba, tạo lập một nền tảng phân tích dữ liệu, án lệ, thống kê tự động để hỗ trợ cho các kiểm sát viên và lãnh đạo cơ quan kiểm sát các cấp;
Thứ tư, triển khai các hoạt động giám sát và kiểm tra trên môi trường số;
Thứ năm, triển khai chương trình đào tạo kỹ năng số cho các kiểm sát viên và lãnh đạo cơ quan kiểm sát các cấp trên nền tảng trực tuyến;
Và thứ sáu, phát triển các ứng dụng thông minh để tránh sai sót trong hoạt động điều tra, xét xử, rút ngắn thời gian, giảm tải cho kiểm sát viên. Đồng thời, tạo ra các giá trị mới để giảm tội phạm như dự báo trước xu thế tội phạm, cảnh báo trước người dân về tội phạm, phát hiện dấu hiệu tội phạm để ngăn chặn.
Bộ trưởng cũng gợi ý, nếu mỗi người kiểm sát viên có một trợ lý ảo có thể trả lời bất cứ lúc nào, bất kỳ câu hỏi gì về chuyên môn, về những vụ án tương tự, thì thực sự là một đột phá.
"Nhưng việc này lại không khó. Công nghệ số đã sẵn sàng. Trợ lý ảo cho kiểm sát viên rồi đến trợ lý ảo cho người dân để họ hiểu biết pháp luật hơn. Trong năm 2021, VKSNDTC có thể triển khai các trợ lý ảo này" - Bộ trưởng quả quyết.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo VKSNDTC, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định cuộc sống bây giờ thay đổi quá nhanh, công việc cũng phải thay đổi theo, các tri thức mới, cách làm việc mới, các quy trình mới, các qui định mới, tội phạm mới, ... Chúng ta không thể nhớ nổi dù có đào tạo, tập huấn liên tục. Áp lực ngày một tăng và chất lượng công việc có xu thế suy giảm. Vậy CĐS có lời giải nào không? Có. Đó là các nền tảng số. Tất cả các qui trình, qui định, tri thức được đưa lên nền tảng số.
Kiểm sát viên làm việc trên nền tảng là đã thừa hưởng tất cả tri thức, là đã được hướng dẫn các qui trình. Nền tảng là một loại mặt bằng kiến thức mà những ai đứng trên đó làm việc thì tự nhiên đã đạt mức của mặt bằng đó. Đây là cách tốt nhất và nhanh nhất để đạt được sự đồng đều của nhân viên trong một tổ chức. Mỗi lần thay đổi thì chỉ cần lập trình lại nền tảng thay vì đào tạo, tập huấn hàng vạn lượt người.
Trong buổi làm việc với lãnh đạo Bộ TT&TT, VKSNDTC cho biết sẽ coi việc tăng cường ứng dụng CNTT trong toàn ngành là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Ảnh: Viện KSNDTC. |
Bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc
Cũng tại buổi làm việc, ông Nhiếp Văn Ngọc - Phó Cục trưởng Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin VKSNDTC - trao đổi về thực trạng và định hướng phát triển công nghệ thông tin trong ngành KSND.
Cụ thể, trong thời gian qua, ngành Kiểm sát nhân dân đã xây dựng, triển khai nhiều phần mềm ứng dụng như: Phần mềm quản lý, thống kê án hình sự; phần mềm quản lý và thống kê vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động, phá sản doanh nghiệp; phần mềm sổ thụ lý nghiệp vụ; phần mềm quản lý văn bản và điều hành; phần mềm thống kê; phần mềm quản lý nhân sự; phần mềm quản lý công tác thanh tra; phần mềm quản lý công tác thi đua, khen thưởng; phần mềm kế toán – tài chính; phần mềm thư điện tử trong ngành KSND…
Phó Cục trưởng Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin VKSNDTC cho biết, để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới, trong gia đoạn 2021 – 2030, nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin được VKSNDTC xác định: Đảm bảo 100% các văn bản (trừ tài liệu mật) trao đổi giữa các đơn vị trong và ngoài Ngành được thực hiện dưới dạng điện tử; Viện trưởng VKSND các cấp theo dõi được 100% các phiên tòa cùng cấp và cấp dưới bằng hình thức trực tuyến; 80% các cuộc họp giữa các cấp được tổ chức dưới hình thức trực tuyến; 100% các vụ án, đơn thư được quản lý bằng phần mềm; triển khai chứng thư số, chữ ký số; đảm bảo tính đồng bộ, liên thông với các cơ quan có liên quan…
Toàn cảnh buổi làm việc. |
Ghi nhận những gợi ý của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, ông Lê Minh Trí - Viện trưởng VKSNDTS - cảm ơn và đánh giá cao sự phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông trong công tác tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Kiểm sát nhân dân. Ông đồng thời nhấn mạnh, VKSNDTC xác định tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, đặc biệt là trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Viện và lãnh đạo các đơn vị.
Để đẩy mạnh công tác này trong thời gian tới, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí mong muốn Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tư vấn triển khai đồng bộ các giải pháp trong việc chuyển đổi số; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong ngành là yêu cầu bắt buộc, nhất là đối với đội ngũ lãnh đạo; bên cạnh đó, cần xây dựng tiêu chí tuyển chọn công chức có năng lực, trình độ về công nghệ thông tin để đáp ứng được nhu cầu cải cách tư pháp trong thời gian tới.