Theo Tư lệnh ngành TT&TT, công nghệ 5G phức tạp hơn rất nhiều so với các thế hệ trước, đòi hỏi những nút thắt bền chặt không chỉ theo chiều ngang trong nội bộ ngành hạ tầng viễn thông, mà còn theo chiều dọc với các lĩnh vực khác từ thực tế ảo, thành phố thông minh hay xe tự động không người lái.
Đó là quan điểm được đưa ra tại Tọa đàm chuyên đề "Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực viễn thông" do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
|
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, cần phải tập trung để thu hút con người, công nghệ cũng như sản phẩm của thế giới về với Việt Nam.
|
Việt Nam đang dưới mức trung bình thế giới về mật độ thuê bao di động băng rộng
Dẫn lại thời kì đầu những năm 1990, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, với sự sớm chấp nhận công nghệ 2G và sự thúc đẩy cạnh tranh, mạng di động Việt Nam đã từng vào top 20 thế giới. Tuy nhiên khi chuyển sang công nghệ 3G, 4G, vì sự đi sau về công nghệ và thiếu nhân tố cạnh tranh mới mà viễn thông của Việt Nam dần tụt hạng. Về mật độ thuê bao di động băng rộng, năm 2017, ITU xếp Việt Nam đứng thứ 115/193, tức là dưới trung bình của thế giới.
Bộ trưởng khẳng định: Công nghệ 5G đang tới. Đây là cơ hội để viễn thông Việt Nam thay đổi thứ hạng trong các bảng xếp hạng trên thế giới và là cơ hội để phát triển ngành ICT Việt Nam. Muốn thay đổi thứ hạng thì phải đi đầu. Nếu chúng ta chưa đi đầu được trên phạm vi toàn quốc thì dứt khoát phải là đi đầu được ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Bộ trưởng cho biết, Bộ TT&TT hiện đang chủ trương cấp tần số 5G để thử nghiệm từ năm 2019. Đến năm 2020, khi thế giới bắt đầu triển khai 5G, Việt Nam sẽ là một trong những nước đầu tiên triển khai 5G.
Đối với thiết bị mạng và thiết bị đầu cuối 5G, Bộ TT&TT khích lệ và tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam – cả nhà nước và tư nhân, lớn cũng như nhỏ - đầu tư nghiên cứu, sản xuất được thiết bị viễn thông, kể cả thiết bị mạng và thiết bị đầu cuối, để lần đầu tiên trong lịch sử nước nhà, mạng viễn thông Việt Nam được xây lên bởi thiết bị Made in Việt Nam và Việt Nam cũng phải trở thành nước xuất khẩu được thiết bị viễn thông trên thế giới.
Xương sống của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, công nghệ 5G sẽ tạo ra một cuộc cách mạng về kết nối. Nếu như công nghệ 2G/3G/4G kết nối 7 tỷ người thì 5G sẽ kết nối hàng ngàn tỷ thiết bị, chuyển tải toàn bộ thế giới vật lý vào thế giới ảo. Mạng 5G là hạ tầng kết nối vạn vật - hạ tầng quan trọng nhất của CMCN 4.0. Tuy nhiên, đối với 5G, số lượng trạm BTS cho 5G sẽ phải lớn hơn rất nhiều so với các công nghệ trước đó. Do vậy, dùng chung hạ tầng, chia sẻ hạ tầng viễn thông với các hạ tầng điện, nước, giao thông là rất quan trọng để giảm chi phí xã hội.
|
Các chuyên gia còn cho rằng, Việt Nam cần thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua các chính sách hỗ trợ về đổi mới sáng tạo và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
|
Với góc nhìn của một doanh nhân, ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Bkav bày tỏ quan điểm riêng về đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị điện thoại di động, với nhận định tại Việt Nam, chỉ cần 5 doanh nghiệp công nghệ mũi nhọn đóng vai trò đầu tàu, từ đó kéo theo hàng ngàn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất để có thể thay thế các doanh nghiệp ngoại. |
Đánh giá cao tầm nhìn về 5G của Bộ TT&TT, ông Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, nếu như công nghệ thông tin được xem là hạ tầng của hạ tầng, thì mạng 5G chính là xương sống của kết nối hạ tầng ấy trong Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.
"Mạng 5G tạo ra cuộc cách mạng về tốc độ lẫn sự ổn định cho thiết bị di động, xóa nhòa khoảng cách giữa tốc độ băng thông không dây và cố định cũng như kích hoạt làn sóng công nghệ, ứng dụng mới chưa từng có, có thể giải quyết các thách thức kết nối mọi lúc, mọi nơi, kết nối vạn vật. Công nghệ 5G đang được những quốc gia phát triển hàng đầu trên thế giới nhìn nhận như là xương sống của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phương tiện để chiếm lĩnh vị thế trung tâm công nghệ của thế giới và giành được ưu thế trong kinh tế thế giới ở thế kỷ 21", ông Phát nói.
Phó trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương tiết lộ Ban Kinh tế Trung ương đã được Bộ Chính trị giao chủ trì phối hợp với các ban, bộ ngành xây dựng Đề án quốc gia về: "Chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 của Việt Nam" dự kiến hoàn thành vào quý IV/2018.