|
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 8/11 |
Trước chất vấn về SIM rác của ĐB Lê Thị Nguyệt, ông Hùng cho hay, trước đây Bộ Thông tin Truyền thông xử lý ở hàng trăm nghìn điểm giao dịch, các đại lí bán SIM kích hoạt sẵn. Tuy nhiên, gần đây, dưới sự chỉ đạo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ đã đổi cách quản lý, Tổng Giám đốc, Chủ tịch các công ty viễn thông phải chịu trách nhiệm người đứng đầu về việc này.
"Bộ trực tiếp phát hiện, nhắc nhở, trong đó chính Bộ trưởng cũng trực tiếp nhắc nhở. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật chỉ phạt đến vài chục triệu còn nhà mạng doanh thu hàng trăm nghìn tỷ. Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Thông tin Truyền thông ra quy định về việc nếu còn SIM rác thì sẽ không cấp phép các dịch vụ mới, Tư lệnh ngành Thông tin và Truyền thông khẳng định.
Theo báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông gửi Quốc hội, các khái niệm, tiêu chí xác định đâu là tin nhắn rác, cuộc gọi rác còn chưa rõ ràng, đơn nghĩa gây khó khăn trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra. Nhiều tin nhắn quảng cáo từ nhà mạng cũng bị một số người sử dụng, cơ quan báo chí gọi là "rác". |
Cũng liên quan đến SIM rác, Bộ trưởng cho biết, hiện mỗi một tháng chặn 10 - 15 triệu tin nhắn rác. Sự phàn nàn của khách hàng vì thế đã giảm đi.
“Tuy nhiên, các nhà mạng mới tập trung lọc các tin nhắn quảng cáo về bất động sản và bán SIM số đẹp, còn các lĩnh vực khác thì chưa nên Bộ sẽ chỉ đạo xử lý", Bộ trưởng nói.
Cùng với tin nhắn rác, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định cuộc gọi rác cũng là vấn đề phát sinh trực tiếp từ SIM rác. Hiện các mỗi tháng các nhà mạng ghi nhận khoảng 10.000 số máy thực hiện các cuộc gọi rác.
“Các cuộc gọi này ảnh hưởng tới hàng triệu người, hàng triệu cuộc gọi. Tháng trước, Bộ đã thí nghiệm công cụ kỹ thuật chặn cuộc gọi rác. Tuy nhiên, 80% trong 10.000 cuộc này từ SIM rác, vì thế ngăn chặn từ gốc vẫn phải là chặn SIM rác", ông nhấn mạnh.
Ông cho biết, trong năm 2019 này cơ bản sẽ thí điểm các công cụ chặn cuộc gọi rác giống như công cụ chặn tin rác.
|
Chỉ riêng sáng nay, đã có 83 đại biểu đăng ký chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Thông và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Theo báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông gửi Quốc hội, tính đến hết tháng 8/2019, các doanh nghiệp viễn thông đã rà soát, xử lý khoảng 4,7 triệu SIM thiếu 1 trong 4 trường thông tin cơ bản (họ tên, địa chỉ, số giấy tờ và ảnh chụp giấy tờ), trong đó có 2,6 triệu đã đăng ký lại thông tin, 2,1 triệu đã khóa 2 chiều hoặc dừng dịch vụ. Đồng thời, các doanh nghiệp tiếp tục rà soát, phát hiện khoảng 15,4 triệu SIM có dấu hiệu kích hoạt sẵn trên kênh phân phối và xử lý. Cũng theo báo cáo này, một trong những khó khăn hiện nay trong quản lý thuê bao di động trả trước, khắc phục tình trạng SIM rác, tin nhắn rác, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, là việc thực hiện quy định của Nghị định số 49/2017/NĐ-CP về đăng ký thông tin thuê bao vẫn chưa được đầy đủ và nghiêm túc. Việc xác định chính xác thông tin thuê bao (đúng người sử dụng) cũng chưa có cơ sở chắc chắn vì chưa có cơ sở dữ liệu về giấy tờ tùy thân của Bộ Công an để đối soát. |