Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Chuyển việc vất vả cho AI để giải phóng người lao động

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Thời gian tới, các bộ ngành và địa phương dành sự quan tâm đặc biệt để chuyển những việc vất vả, khó khăn, tốn thời gian sang cho AI, giải phóng con người vào những việc thú vị hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng những công việc đơn giản nhưng dữ liệu quá lớn, sẽ do trợ lý ảo làm hộ.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng những công việc đơn giản nhưng dữ liệu quá lớn, sẽ do trợ lý ảo làm hộ.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông diễn ra sáng nay (29/12).

Bộ trưởng khẳng định năm 2024 sẽ là năm phổ cập hạ tầng số, phổ cập các thành tố nền tảng của chuyển đổi số, phát triển các ứng dụng số để phát triển kinh tế số - động lực mới để tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, kinh tế số là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng. Kinh tế số của Việt Nam đã chiếm 16,5% GDP và luôn có tốc độ tăng trưởng cao hơn tăng trưởng GDP khoảng 3 lần. Nhưng đặc biệt, kinh tế số còn giúp tăng năng suất lao động, vốn là chỉ tiêu mà nhiều năm nay chúng ta chưa đạt được. Kinh tế số là một mũi tên trúng hai đích, vừa tăng trưởng GDP, vừa tăng năng suất lao động.

“Định hướng chuyển đổi số cho năm 2024 là: Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: Công nghiệp công nghệ thông và truyền thông, số hoá các ngành, quản trị số và dữ liệu số, tạo ra động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Ứng dụng nền tảng làm việc số, trợ lý ảo để giảm tải cho người lao động

Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm: Năm 2024 là năm ứng dụng mạnh mẽ AI và trợ lý ảo. AI thì càng nhiều dữ liệu càng thông minh, càng ít dữ liệu thì càng ngây ngô. Con người thì ngược lại, càng nhiều dữ liệu thì càng ngây ngô, càng ít dữ liệu thì càng thông minh. Vậy nên, cứ việc gì nhiều dữ liệu, nhiều giấy tờ văn bản, nhiều quy định thì hãy để máy tính làm. 120.000 văn bản thể chế trong hệ thống của chúng ta đã vượt quá khả năng xử lý của cá nhân. Số lượng này đang tiếp tục tăng qua mỗi năm.

Do vậy, theo lý giải của Bộ trưởng, lời giải duy nhất ở đây là hãy để AI xử lý số lớn, con người thì xử lý số nhỏ. Số nhỏ cần nhiều sự tưởng tượng, cần nhiều sự sáng tạo và đó là thế mạnh của con người. Và con người mà làm việc này thì thấy hạnh phúc, vui vẻ làm.

Vì thế, năm 2024 này, các bộ ngành và địa phương hãy dành sự quan tâm đặc biệt để chuyển những việc vất vả, khó khăn, tốn thời gian sang cho AI, giải phóng con người vào những việc thú vị hơn.

“Cán bộ công chức nhà nước hiện nay đang rất vất vả. Lương thì không cao, quy định thì quá nhiều, không thể nhớ hết, hiểu hết, vì vậy mà rủi ro cũng cao. Nhiều cán bộ công chức bây giờ sợ trách nhiệm, không dám làm cũng một phần là do không thể hiểu hết, biết hết các quy định, đó là chưa nói đến việc các văn bản này còn có sự mâu thuẫn, hoặc có cách hiểu khác nhau, áp dụng khác nhau” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.

Bộ trưởng gợi ý, nền tảng làm việc số, trợ lý ảo giúp cán bộ công chức giảm 70-90% khối lượng công việc. Những công việc đơn giản nhưng dữ liệu thì lại quá lớn, sẽ do trợ lý ảo làm hộ.

“Làm được như vậy thì năng suất lao động tăng, chất lượng công việc tăng, công việc của con người thú vị hơn vì được tập trung vào việc mang tính sáng tạo” - người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2023, với phương châm chủ động thích ứng, hành động quyết liệt theo tinh thần điều hành của Chính phủ là “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả” và thực hiện chủ đề của năm 2023 là “Năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương và hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tham mưu đề xuất để có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời với tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của toàn ngành Thông tin và Truyền thông./.