Một dự án mới đây đã tiết lộ một khả năng khác của trí tuệ nhân tạo. Theo đó công nghệ này có thể xác định tương đối chính xác vị trí, nơi hình ảnh được chụp.
Dự án có tên Dự đoán vị trí địa lý hình ảnh (hay gọi tắt là PIGEON) được thiết kế bởi ba sinh viên tốt nghiệp Stanford.
Khi được đưa ra một vài bức ảnh, trong phần lớn các trường hợp, chương trình có thể đưa ra dự đoán chính xác về nơi các bức ảnh được chụp.
Giống như nhiều ứng dụng khác của AI hiện nay, phát hiện mới này được xem là "con dao hai lưỡi". Một mặt có thể giúp con người xác định vị trí chụp những tấm hình cũ, hoặc cho phép các nhà sinh vật học thực địa có thể nhanh chóng khảo sát toàn bộ khu vực địa lý để phát hiện thực vật xâm lấn.
"Nhưng mặt khác, sức mạnh này cũng có thể dùng để truy xuất thông tin về cá nhân bất kỳ mà họ không hề có ý định chia sẻ", nhà phân tích chính sách cao cấp Jay Stanly của Liên đoàn Tự do dân sự Mỹ (ACLU) nhận định. Stanley lo ngại những công nghệ tương tự như dự án PIGEON trở nên phổ biến và trở thành công cụ của chính phủ, các tổ chức nhằm theo dõi hay thám thính người dân. "Đứng trên quan điểm về quyền riêng tư, vị trí của bạn là một tập hợp thông tin rất nhạy cảm", ông nhấn mạnh.
Nhóm sinh viên tạo ra PIGEON cho biết họ bắt đầu dự án từ một hệ thống phân tích hình ảnh có sẵn, mang tên CLIP. Đây là chương trình mạng thần kinh có thể học về hình ảnh thông qua dòng văn bản miêu tả nội dung do chính OpenAI - công ty sáng tạo ChatGPT làm ra. Nhóm sau đó huấn luyện phiên bản AI của mình bằng hình ảnh lấy từ Google Street View.
Trên thực tế, Google cũng đã có một tính năng được gọi là "ước tính vị trí", sử dụng AI để đoán vị trí của ảnh. Hiện tại, tính năng này chỉ sử dụng danh mục khoảng một triệu địa danh thay vì 220 tỉ hình ảnh đường phố mà Google đã thu thập. Công ty nói với NPR rằng người dùng có thể tắt tính năng này.
Các sinh viên Stanford nhận thức rõ những rủi ro. Họ đã viết một bài báo về kỹ thuật của mình, do họ là đồng tác giả cùng với giáo sư của họ, Chelsea Finn - nhưng họ đã ngần ngại công bố mô hình của mình một cách công khai, chính vì những lo ngại này.
Theo NPR