Bộ trưởng GTVT yêu cầu nghiên cứu xây ngay ga T4 Tân Sơn Nhất

VietTimes -- Tại cuộc họp về giải pháp giảm ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất ngày 10/11, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu các đơn vị liên quan nghiên cứu, chuẩn bị phương án xây ngay nhà ga hành khách T4, nếu phù hợp với nghiên cứu quy hoạch của tư vấn nước ngoài, không chờ tới năm 2020.
Sân bay Tân Sơn Nhất bị quá tải. Ảnh: Vnexpress.net

Đồng thời, Bộ trưởng cũng đồng ý cho phép sử dụng hạ tầng nhà để xe của sân bay kết nối vào ga hành khách T1 để giảm tải. Bộ trưởng cũng yêu cầu tổ chức lại nhà ga nội địa và quốc tế nhằm ưu tiên không gian cho mục đích chính của sân bay là phục vụ hành khách.

Các cơ quan chức năng cũng cần lấy tìm giải pháp tốt nhất cho giao thông tiếp cận sân bay, nghiên cứu tuyến trên cao ở đường Trường Sơn, hoặc đường từ sân bay đi Phạm Văn Đồng để phục vụ cho hành khách

Đáng chú ý, Bộ trưởng lưu ý việc thuê tư vấn Pháp rà soát quy hoạch nhiều khả năng sẽ làm chậm tiến độ mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Do đó, Cục Hàng không cần xây dựng tiến độ cụ thể từ nay đến lúc tư vấn hoàn thành nghiên cứu, giám sát chặt để đáp ứng mục tiêu đặt ra.

Theo Cục Hàng không, năng lực khai thác của sân bay Tân Sơn Nhất vào khoảng 28 triệu khách, nhưng trong năm 2016 sân bay đã đón tới 32,19 triệu khách, dự kiến năm 2017 là 35,6 triệu khách.

Năm nay, sân bay Tân Sơn Nhất đã tiếp nhận 21 ha đất quân sự để xây dựng sân đỗ, dự kiến hoàn thành vào tháng 5/2018.

Hiện sân bay chỉ có hai ga hành khách T1, T2, vừa được Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy hoạch ga T4 với công suất thiết kế khoảng 15 triệu hành khách/năm. Bộ GTVT cũng trình Thủ tướng phương án xây dựng nhà ga T4 mà không phải giải phóng mặt bằng khu dân cư, với thời gian thực hiện quy hoạch nhanh, trong khoảng từ 2 đến 3 năm.

Hiện, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Cục Hàng không đã thuê Công ty tư vấn ADPi Engineering của Pháp để rà soát, nghiên cứu quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất.

Đồng thời, hiện đang có 4 nhà đầu tư gửi văn bản xin được đầu tư nhà ga hành khách T4 tại sân bay Tân Sơn Nhất. Đó là các gồm Công ty TNHH Xuất nhập khẩu liên Thái Bình Dương (IPP), Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT) và Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng Thăng Long (TJC) - (liên danh AHT-TJC), Vietnam Airlines và Vietjet Air.