Bộ trưởng Bộ Y tế: Nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ các nước vào Việt Nam là rất lớn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Mặc dù đã hơn 80 ngày Việt Nam không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, nhưng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ các nước vào Việt Nam vẫn rất lớn.

Ông Nguyễn Thanh Long – Bộ trưởng Bộ Y tế (Ảnh: Minh Thuý)
Ông Nguyễn Thanh Long – Bộ trưởng Bộ Y tế (Ảnh: Minh Thuý)

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Thanh Long – Bộ trưởng Bộ Y tế - tại hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, do Bộ Y tế tổ chức vào sáng nay (24/11).

Tốc độ lây nhiễm COVID-19 liên tục tăng nhanh

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay: Tính đến sáng nay (24/11), cả nước đã qua 80 ngày không phát hiện ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên, số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu liên tục tăng nhanh, đặc biệt là ở Mỹ, châu Âu, châu Á.

Tốc độ lây nhiễm COVID-19 không có xu hướng chậm lại. Sau khi tiến hành đánh giá về sinh học phân tử và giải trình tự gen, các nhà khoa học vẫn chưa thấy virus SARS-CoV-2 có điểm bất thường. Hệ số lây nhiễm của dịch bệnh không tăng nhưng tốc độ lây nhiễm cao.

“Vì vậy, công tác phòng, chống dịch COVID-19 rất khó khăn khi hệ thống Y tế của Việt Nam khó đáp ứng với nhu cầu điều trị COVID-19, đặc biệt, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ các nước vào Việt Nam là rất lớn.” – ông Long nói.

Theo ông Long, hệ thống Y tế của Việt Nam khó đáp ứng với nhu cầu điều trị COVID-19 khi tốc độ lây nhiễm bệnh cao (Ảnh: Minh Thuý)

Theo ông Long, hệ thống Y tế của Việt Nam khó đáp ứng với nhu cầu điều trị COVID-19 khi tốc độ lây nhiễm bệnh cao (Ảnh: Minh Thuý)

Hôm qua (23/11), cả nước đã có 5.000 người nhập cảnh, xuất cảnh, trong đó có 77 người nhập cảnh trái phép ở phía Bắc, phía Nam. Do đó, Bộ Y tế rất quan ngại, lo lắng sự lây nhiễm COVID-19 từ bên ngoài vào Việt Nam.

Ở các khu cách ly, mặc dù Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn nhưng vẫn có địa phương chểnh mảng, lơ là trong giám sát, cách ly, đặc biệt là ở những khu cách ly ở khách sạn, nơi cư trú. Do nhu cầu người dân về nước ngày càng cao nên các địa phương phải chuẩn bị các khu cách ly ở khách sạn.

Về vấn đề xét nghiệm, Bộ Y tế đã liên tục đề nghị các đơn vị tăng cường giám sát, xét nghiệm nưng số mẫu xét nghiệm/ngày chỉ khoảng 4.000 mẫu. Với những trường hợp bị viêm phổi nặng, biểu hiện cúm số lượng xét nghiệm còn thấp. Hiện, tốc độ xét nghiệm ở một số địa phương còn chậm - lấy mẫu không kịp để xét nghiệm.

Sở Y tế cac tỉnh, thành phố tham gia họp trực tuyến công tác phòng, chống dịch COVID-19 (Ảnh: Minh Thuý)

Sở Y tế cac tỉnh, thành phố tham gia họp trực tuyến công tác phòng, chống dịch COVID-19 (Ảnh: Minh Thuý)

“Qua quá trình phòng, chống dịch COVID-19, các đơn vị đã rút ra được bài học đó là xét nghiệm, phát hiện ca bệnh càng nhanh thì việc cách ly, khoanh vùng, dập dịnh càng nhanh chóng. Chính vì thế, mỗi địa phương phải thực hiện triệt để các biện pháp, tăng cường chuẩn bị cho tình huống dịch xuất hiện trong cộng đồng và ở bệnh viện” – ông Long khẳng định.

Đến thời điểm hiện tại, các cơ sở y tế đang quay trở lại hoạt động bình thường, có nơi hoạt động hết công suất nên nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện rất cao (ở một số bệnh viện tư nhân và bệnh viện công).

Theo ông Long, giai đoạn hiện nay là giai đoạn quan trọng để thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, đặt ở mức độ phòng dịch ở mức cảnh báo cao, các đơn vị phải chuẩn bị mọi tình huống để phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả.

Ngoài ra, nhằm ngăn chặn nguy cơ dịchn xâm nhập vào nước ta, Bộ Y tế đã yêu cầu những thực phẩm đông lạnh từ nước có dịch về Việt Nam đều phải xét nghiệm COVID-19 bởi virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại rất lâu ở những nơi nhiệt độ thấp.

Vaccine phòng COVID-19 chưa được tiếp cận, sử dụng

Nhận định về tình hình dịch COVID-19, ông Đặng Quang Tấn – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế - cho biết: Số ca mắc COVID-19 và tử vong trên thế giới sắp tới sẽ tiếp tục gia tăng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng đại dịch COVID-19 sẽ kéo dài đến năm 2021.

Mặc dù Việt Nam đã qua 83 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng nhưng vẫn ghi nhận các ca nhiễm virus SARS-CoV-2, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Đến nay, cơ bản các ổ dịch đã được kiểm soát, hoạt động kinh tế - xã hội về cơ bản đã quay trở lại như trước thời điểm dịch bùng phát lần thứ 2. Cả nước đang khẩn trương thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Ông Đặng Quang Tấn – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế (Ảnh: Minh Thuý)

Ông Đặng Quang Tấn – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế (Ảnh: Minh Thuý)

Trong bối cảnh Việt Nam sẽ đón nhiều chuyên gia, công dân Việt Nam trở lại để học tập, thúc đẩy phát triển kinh tế, nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn thường trực, đặc biệt ở các khu đô thị lớn có mật độ dân cư cao, các khu vực tập trung đông người như cơ sở y tế, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp bởi không ít người dân vẫn còn tâm lý chủ quan, lơ là trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch (không đeo khẩu trang khi ra ngoài, tụ tập ăn uống, vui chơi đông người,…)

Đáng chú ý, vaccine phòng COVID-19 vẫn chưa được tiếp cận và sử dụng ở Việt Nam. Vì vậy, ông Tấn nhấn mạnh: “Sắp tới, biện pháp quan trọng nhất để phòng dịch COVID-19 là giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, cách ly, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.”

Theo ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế - trong giai đoạn hiện nay, các đơn vị phải chuẩn bị hồi sức cấp cứu, nâng cap việc xử lý, ứng phó khi có ca bệnh mắc COVID-19. Để đào tạo một bác sĩ cấp cứu có khả năng điều trị COVID-19, sử dụng ECMO phải mất 2-3 năm, đồng thời, lên kế hoạch để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

Năng lực hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng chủ yếu tập trung ở các bệnh viện đa khoa tỉnh. Hầu hết các tỉnh đã trang bị được máy thở, nhưng năng lực điều trị ECMO (tim phổi nhân tạo) cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng còn hạn chế.

Ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế (Ảnh: Minh Thuý)

Ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế (Ảnh: Minh Thuý)

Về xét nghiệm, thời gian qua đã có hơn 40 bệnh viện thực hiện xét nghiệm sàng lọc và khẳng định COVID-19. Bộ Y tế cũng đã yêu cầu tất cả các bệnh viện đa khoa tỉnh phải thực hiện xét nghiệm sàng lọc COVID-19.

Để bảo vệ nhân viên y tế, ông Khoa cho rằng các phương tiện phòng hộ cá nhân phải đảm bảo an toàn trong quá trình bác sĩ, nhân viên y tế điều trị, tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc COVID-19. Không chỉ vậy, việc chuẩn bị cơ sở lọc máu cần đặc biệt quan tâm để chủ động chữa trị cho những bệnh nhân mắc bệnh nặng.