Bộ Tài chính sửa chênh lệch thuế xăng dầu nhập khẩu

Để bịt lỗ hổng chính sách khiến người tiêu dùng mất oan hàng trăm tỷ đồng mỗi tháng, Bộ Tài chính vừa đưa ra phương án tính thuế mới và được Thủ tướng chấp thuận.
Cơ quan quản lý kỳ vọng cách tính thuế nhập khẩu bình quân gia quyền giữa các thị trường sẽ khắc phục khoản chênh lệch mà người tiêu dùng chịu thiệt trên mỗi lít xăng dầu. Ảnh: Quý Đoàn.

Nguồn tin của VnExpress cho biết, Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính về việc thay đổi cách xác định thuế nhập khẩu trong giá cơ sở điều hành giá bán lẻ xăng dầu. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất khi xác định giá cơ sở điều hành xăng dầu, thuế suất nhập khẩu của quý này được tính là bình quân gia quyền của các mức thuế tối huệ quốc (MFN) và biểu thuế của các hiệp định thương mại tự do (FTA, theo thực tế hàng hoá). 

Việc này được hiểu là sau mỗi quý, cơ quan quản lý sẽ căn cứ trên lượng nhập khẩu của các doanh nghiệp đầu mối từ các thị trường khác nhau để đưa ra thuế suất trung bình, sử dụng trong công thức tính giá cơ sở để tính giá quý sau. Thời gian tính bình quân theo quý nhằm đảm bảo tính ổn định trong số liệu nhập khẩu.

Cách tính thuế nhập khẩu trong giá cơ sở mới có thể được áp dụng ngay trong đợt điều chỉnh giá xăng dầu lần này, dự kiến vào chiều nay (19/3).

Một lãnh đạo của Bộ Tài chính nhìn nhận, cách tính này sẽ thu hẹp tối đa khoảng cách chênh lệch giữa thuế nhập khẩu thực tế của các doanh nghiệp ở các thị trường với mức thuế làm căn cứ xác định giá bán lẻ xăng dầu. Một chuyên gia tài chính cũng cho rằng, cách tính này đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp nhập khẩu, cơ quan quản lý sẽ không phải xử lý về giá.

Theo cách tính giá cơ sở hiện hành, thuế nhập khẩu với dầu là 10%, xăng là 20% trong khi đó thuế nhập khẩu thực tế từ một số thị trường thấp hơn rất nhiều, thậm chí là bằng 0%. Cụ thể, theo cam kết hội nhập Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN vào Việt Nam áp dụng từ năm 2015 với dầu diesel và madut là 5% và từ 1/1/2016 là 0%. Ngoài ra, từ đầu năm nay, thuế nhập dầu diesel từ Hàn Quốc về Việt Nam cũng giảm về 5%, thuế xăng về 10%. ASEAN từ trước đến nay vẫn là thị trường nhập khẩu xăng dầu lớn nhất của Việt Nam.

Do đó, cách tính giá cơ sở như vậy đã tạo ra một khoảng vênh 5-10% tiền thuế với diesel và 10% với xăng giữa đầu vào (doanh nghiệp phải nộp cho ngân sách) và đầu ra (người tiêu dùng phải trả cho doanh nghiệp). Đây là khoản tiền mà các nhà buôn xăng dầu được hưởng suốt từ tháng 5/2015 đối với diesel nhập từ ASEAN và từ đầu năm 2016 đến nay với xăng nhập từ Hàn Quốc, ước tính hàng trăm tỷ đồng mỗi tháng.

Bình luận về phương án xác định thuế nhập khẩu trong giá cơ sở mới, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng đây là phương án hợp lý và phù hợp nhất trong bối cảnh hội nhập. "Liên bộ Tài chính Công Thương đã hiểu là không có mặt bằng chung về thuế suất - một điều hiển nhiên trong hội nhập. Do đó, không có cách nào khác là phải tính bình quân gia quyền theo trọng số nhập khẩu với từng nước như vậy", ông Long nói.

Trước đó, cuối ngày 18/3, Bộ Tài chính cũng ra thông báo giảm thuế nhập khẩu với dầu về 7%. Tuy nhiên, thuế nhập khẩu ưu đãi với xăng vẫn được giữ nguyên ở mức 20%.

Như vậy, phương án khắc phục lỗ hổng chính sách trong điều hành xăng dầu đã có nhưng đến nay, cơ quan quản lý vẫn chưa nêu hướng xử lý khoản tiền người tiêu dùng chịu thiệt khi phải nộp oan hàng trăm tỷ đồng mỗi tháng cho các nhà buôn xăng dầu.

Theo VnExpress