2 năm trở lại đây, thị trường TPDN phát triển vô cùng mạnh mẽ không chỉ về số lượng phát hành mà còn về lãi suất trái phiếu. Có doanh nghiệp phát hành trái phiếu với mức lãi suất lên đến 13%, 14% và thậm chí là 20%.
Trước bối cảnh đó, Bộ Tài chính khuyến nghị nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân không nên mua TPDN chỉ vì lãi suất cao.
TPDN là một công cụ nợ do doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ. Với tính chất này, doanh nghiệp có thể không đủ khả năng trả nợ nếu tình tài chính và kết quả kinh doanh không tốt.
Bộ Tài chính nhấn mạnh: “Nhà đầu tư cần phải cân nhắc, đánh giá được rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu. Một số rủi ro nhà đầu tư TPDN có thể gặp phải là: (i) doanh nghiệp không thực hiện được các điều kiện, điều khoản của trái phiếu do mất khả năng thanh toán; (ii) doanh nghiệp không thanh toán được đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu; (iii) doanh nghiệp không thực hiện được cam kết với nhà đầu tư về mua lại trái phiếu trước hạn...” Do đó nhà đầu tư cần tìm hiểu, cân nhắc kỹ trước khi quyết định mua TPDN.
Sự bùng nổ của trái phiếu bất động sản
Khuyến nghị của Bộ Tài chính ra đời trong bối cảnh thị trường TPDN đón nhận nhiều thông tin nổi cộm. Hai năm gần đây, cuộc đua phát hành trái phiếu được đẩy nhanh, đặc biệt là với nhóm doanh nghiệp bất động sản.
Ghi nhận từ Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) trong 10 tháng đầu năm 2019 cho thấy, trong khi lãi suất TPDN ngân hàng chỉ đạt bình quân 6,87%, thì lãi suất bình quân TPDN nhóm ngành bất động sản lên tới 10,23%.
Có thể kể đến lô trái phiếu của CTCP Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Điền (KDH) (lãi suất 12%/năm); CTCP Đầu tư Văn Phú (lãi suất 12%/năm); đặc biệt là lô trái phiếu của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) với mức lãi suất lên đến 14,5%/năm.
Tính riêng tháng 10/2019 có 17.071 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành, trong đó trái phiếu của nhóm doanh nghiệp bất động sản chiếm tới 9.349 tỷ đồng. Lãi suất TPDN bình quân của nhóm ngành bất động sản trong tháng 10/2019 cũng đạt mức 10,5% cao hơn nhiều so với mức 9,6% của tháng 9.
Lãi suất TPDN 10 tháng đầu năm 2019 với sự dẫn đầu của nhóm BĐS (Nguồn: SSI) |
Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng bất động sản, việc doanh nghiệp của nhóm ngành này tăng cường huy động vốn thông qua trái phiếu được xem là một "kỹ thuật" được các chủ đầu tư bất động sản vận dụng nhằm duy trì dòng tiền cho hoạt động đầu tư phát triển.
Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) đánh giá làn sóng phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp địa ốc là dấu hiệu của "cơn khát vốn". Bộ Tài chính cũng nhận định đây là kết quả của chủ chương giảm áp lực huy động cho kênh tín dụng ngân hàng của Chính phủ.
Những con số “kinh ngạc”
Ngoài bất động sản, doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành khác cũng chào bán các lô trái phiếu với mức lãi suất nổi trội. Như với ví dụ của Công ty Dược phẩm Pharmacity với lô trái phiếu với lãi suất 13%/năm.
Một ví dụ khác là lô trái phiếu 1.400 tỷ đồng của CTCP Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng với mức lãi suất 20%/năm do ACBS thu xếp phát hành.
Tuy phải đi vay “lãi cao” tới 1.400 tỷ đồng, Hồng Hoàng mặt khác được cho là đang sở hữu đến 60.771.055 cổ phiếu ACB (trị giá hơn 1.500 tỷ tính theo mức giá 24.700 đồng/cp). Điều đáng nói, phát hành trái phiếu lãi suất khủng, sở hữu một lượng lớn cổ phiếu ACB, nhưng doanh nghiệp này có vốn điều lệ chỉ ở mức 5 tỷ đồng. Nguồn thu để trả lãi của Hồng Hoàng vẫn thực sự là một ẩn số.
Rủi ro lớn cho nhà đầu tư cá nhân
Các nhà đầu tư cá nhân đang chủ yếu tiếp cận với TPDN thông qua sự tư vấn và bảo lãnh phát hành của các tổ chức tài chính như ngân hàng, công ty chứng khoán và bảo hiểm. Lãi suất khi phân phối đến nhà đầu tư cá nhân thường thấp hơn 1-2%, tuy nhiên so với kênh gửi tiết kiệm vẫn nổi trội hơn.
Mặt khác, bản thân các đơn vị tham gia bảo lãnh phát hành TPDN cũng được hưởng lợi nhờ mức phí tư vấn cao và mức chênh lệch khi phân phối lại.
Đối với nhà đầu tư cá nhân, việc mua thứ cấp TPDN sẽ tạo nên nhiều rủi ro hơn vì khả năng tiếp cận thông tin cũng như khả năng đánh giá năng lực kinh doanh, phân tích rủi ro của doanh nghiệp không cao. Giới truyền thông trong nước cũng từng đưa tin về trường hợp các nhà đầu tư cá nhân mua TPDN thông qua các tổ chức bảo lãnh nhưng không có sự hiểu biết và tìm hiểu kỹ lưỡng.
“Thông lệ thị trường tài chính cho thấy TPDN, nhất là trái phiếu phát hành theo hình thức riêng lẻ chỉ phù hợp với các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp, không phù hợp với nhà đầu tư cá nhân không có khả năng phân tích, đánh giá rủi ro. Đối với nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ không có năng lực tài chính và kinh nghiệm đầu tư nên tham gia đầu tư qua các Quỹ đầu tư chuyên nghiệp để đảm bảo việc đầu tư an toàn, hiệu quả.” – Bộ Tài chính khuyến nghị./.