“Bộ não khổng lồ” của Alibaba làm giảm thiểu nạn ùn tắc tại thành phố Hàng Châu như thế nào?

VietTimes – City Brain của Alibaba giám sát tất cả phương tiện tại thành phố Hàng Châu của Trung Quốc và giúp giảm thiểu 15% tỷ lệ ùn tắc giao thông. Hệ thống trí tuệ nhân tạo này cũng đang giúp giải quyết khó khăn tại Kuala Lumpur.
Ảnh minh họa: China Daily
Ảnh minh họa: China Daily

Ùn tắc giao thông từng là vấn đề gây đau đầu của các nhà chức trách và người dân tại Hàng Châu. Thành phố phía Đông Trung Quốc, nơi Alibaba thiết lập trụ sở chính, có dân số 7 triệu người. Nơi đây từng được xếp thứ 5 trong danh sách các đô thị ùn tắc giao thông nhất Trung Quốc, nhưng nay đã chỉ còn đứng thứ 57.

Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Trung Quốc, Alibaba tiết lộ lý do tình trạng giao thông ở Hàng Châu được cải thiện nhanh chóng đến vậy nhờ phát minh được đặt tên là “City Brain”. Một hệ thống trí tuệ nhân tạo, do Alibaba phát triển, thu thập toàn bộ thông tin của Hàng Châu như video do camera giám sát ghi lại ở các giao lộ hay dữ liệu GPS về vị trí của xe bus.

Ảnh: CNN
Ảnh: CNN

Từ đó, City Brain sẽ phân tích thông tin theo thời gian thực, kết hợp với hơn 1.000 tín hiệu đường bộ xung quanh thành phố, để giảm thiểu tình trạng kẹt xe.

Sau 2 năm thử nghiệm, “bộ não khổng lồ” City Brain đã chứng minh được hiệu quả. Alibaba cho biết ngoài làm cho việc di chuyển của người dân trong thành phố trở nên thuận tiện hơn, hệ thống cũng tính toán lộ trình phù hợp để xe cứu hỏa và cứu thương giảm 50% thời gian đến hiện trường khẩn cấp.

Bên cạnh đó, City Brain cũng giúp ích rất nhiều cho cánh tài xế. Ông Ye Bojie, tài xế của công ty cho thuê xe Didi Chuxing chia sẻ rằng anh từng mất 40 phút để lái xe khoảng 3km, nhưng điều kiện hiện nay đã “tốt hơn rất nhiều”

Chủ tịch Ủy ban công nghệ của Alibaba, Wang Jian nhận định trên CNN: “Các thành phố ở Trung Quốc có lẽ đang đối mặt với nhiều thách thức hơn bất kỳ nơi nào khác”. Nhưng với những công nghệ mới nổi như machine-learning, các nhà chức trách đang sở hữu công cụ hiệu quả để giải quyết rắc rối.

Ông Jian nói thêm: “Cuối cùng, mọi thứ sẽ phụ thuộc vào sức mạnh của thuật toán, như cách chúng ta phụ thuộc vào điện năng”.

Hệ thống trí tuệ nhân tạo City Brain do Alibaba phát triển. Nguồn: Alibaba

Các thành phố và công ty khác đang đặt cược vào những tiến bộ công nghệ để giải quyết khó khăn trong cuộc sống đô thị. Hệ thống trí tuệ nhân tạo của Alibaba đang được ứng dụng tại các thành phố khác bên ngoài Đại lục, như ở thủ đô Malaysia – Kuala Lumpur.

“Ngay cả những thành phố thông minh tiên tiến nhất trên thế giới vẫn đang ở giai đoạn đầu của hành trình phát triển”, Viện Toàn cầu McKinsey nhận định. “Công nghệ không bao giờ đứng yên và các tiêu chuẩn chỉ ngày một cao hơn”.

Viện nghiên cứu dự đoán đến năm 2025, các hệ thống trí tuệ nhân tạo như Brain City có thể làm giảm thiểu tình trạng ùn tắc từ 15% đến 20%.

Nhưng công nghệ này cũng là gia tăng mối quan ngại về quyền riêng tư. Đặc biệt là ở Trung Quốc, nơi camera giám sát có mặt ở mọi nơi, thậm chí cả ở trong khu vực nhạy cảm như phòng vệ sinh công cộng. Theo khảo sát gần đây của Tencent, 80% người được hỏi tỏ ra lo lắng về tác động của trí tuệ nhân tạo với quyền riêng tư.

Ảnh: CNN
Ảnh: CNN

“Chúng tôi sẽ phải giải quyết vấn đề về quyền riêng tư”, Chủ tịch Ủy ban công nghệ của Alibaba, Wang Jian khẳng định.

Nhưng ông Jian cho rằng lợi ích của các dự án như City Brain sẽ vượt xa mối quan tâm của cộng đồng vì nó giúp các thành phố vận hành trên “lượng tài nguyên thiên nhiên tối thiểu”.

Theo CNN