Bộ GTVT “ra giá” Vinamotor: 1.250 tỉ đồng

Bộ GTVT đã phê duyệt phương án thoái vốn nhà nước theo lô tại Tổng công ty công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor), theo đó 97% số cổ phần nhà nước hiện có ở đây, tương đương với 85,58 triệu cổ phần, sẽ được tính là một lô và được định giá khởi điểm là 1.250 tỉ đồng.
Nhà nước định giá khởi điểm Vinamotor là hơn 1250 tỉ đồng - Ảnh: xe buýt, sản phẩm của Vinamotor; ảnh TL
Nhà nước định giá khởi điểm Vinamotor là hơn 1250 tỉ đồng - Ảnh: xe buýt, sản phẩm của Vinamotor; ảnh TL

Hôm 27-10, Bộ GTVT đã ký quyết định nêu trên, gần một năm sau khi Chính phủ cho phép thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Vinamotor. Tuy nhiên, việc thực hiện bán cổ phần theo lô này phải đợi cho đến khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quy chế hướng dẫn vào tuần trước.

Việc thoái vốn nhà nước tại Vinamotor đã trở thành đề tài đựoc bàn đến nhiều trong hai năm gần đây, nhất là khi Vinamotor bắt đầu tiến hành bán bổ phẩn lần đầu (IPO) hồi tháng 3-2014. Khi ấy Nhà nước công bố bán ra 51% cổ phần nhưng thất bại vì chỉ bán được 3,1% số cổ phần, thu về 15,7 tỉ đồng với giá trúng đấu giá bằng đúng mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phần.

Một năm rưỡi sau ngày cổ phần hóa (từ tháng 5/2014 đến nay), dù vốn nhà nước ở đây vẫn chiếm đa số nhưng kết quả kinh doanh của TCT Vinamotor đã khởi sắc hơn trước: lợi nhuận ròng trong giai đoạn từ 30-5-2014 đến 31-12-2014 là 50,5 tỉ đồng, vượt kế hoạch đề ra; còn tính cả năm 2014, Vinamotor lãi 70,4 tỉ đồng so với mức 16,7 tỉ đồng của năm 2013. 

Năm 2015, CTCP Vinamotor đã đạt kế hoạch doanh thu 871 tỉ và lợi nhuận trước thuế 72 tỉ đồng. Mức chia cổ tức 4,7% cho năm 2014 còn thấp nhưng cũng đánh dấu sự chuyển biến tích cực hơn trước của Vinamotor.

Khi Chính phủ cho phép Bộ GTVT thoái toàn bộ vốn nhà nước còn lại ở Vinamotor theo lô, đã có rất nhiều nhà đầu tư gửi văn bản bày tỏ sự quan tâm. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, Bộ Tài chính và Ủy ban chứng khoán nhà nước chưa có quy định về phương án bán cổ phần theo hình thức này để doanh nghiệp làm theo nên Bộ GTVT đã phải làm văn bản gửi Thủ tướng đề nghị các bộ ngành liên quan không làm chậm tiến độ bán cổ phần tại doanh nghiệp.

Mãi cho đến ngày 19-11 vừa qua, Ủy ban chứng khoán Nhà nước mới ký quyết định 999 ban hành Quy chế mẫu bán đấu giá cổ phần theo lô tại Sở Giao dịch chứng khoán để Vinamotor và các doanh nghiệp khác thực hiện.

Lô 85,58 triệu cổ phần tại Vinamotor sẽ không được bán với giá khởi điểm như giá trúng đấu giá bình quân hồi tháng 3-2014 mà được định giá lại với mức khởi điểm 14.612 đồng/cổ phần. Như vậy tổng giá lô cổ phần này lên đến 1.250 tỉ đồng.

Bộ GTVT cũng công bố tiêu chí nhà đầu tư tham gia đấu giá: là nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước, có ngành nghề kinh doanh trực tiếp liên quan hoặc hỗ trợ ngành nghề kinh doanh chính của công ty mẹ- Vinamotor.

Mặt khác, nhà đầu tư phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 926 tỉ đồng, không lỗ lũy kế theo báo cáo tài chính tại thời điểm 30-6-2015. Lô cổ phần này không được chuyển nhượng trong 5 năm.

Dự kiến việc bán đấu giá sẽ hoàn tất trước ngày 31-12-2015.

Cùng với việc bán hết vốn nhà nước tại Vinamotor, Chính phủ cũng đồng ý bán hết vốn nhà nước tại CTCP đầu tư và phát triển vận tải, Nhà máy cơ khí công trình, cũng là các doanh nghiệp, chi nhánh trực thuộc Vinamotor.

Do Bộ GTVT mới phê duyệt và chưa công bố rộng rãi giá bán, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư nên chưa rõ danh sách các nhà đầu tư sẽ quan tâm đến đợt thoái vốn này.

Theo TBKTSG