Phương án này được hoàn thiện trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp của thường trực Chính phủ vào cuối tháng 3/2017 cùng ý kiến góp ý của Hội đồng Thẩm định dự án, nên rất có thể đây là phương án cuối cùng của dự án này.
Ngoài ra, nhà ga hành khách phục vụ hàng không dân dụng (Nhà ga hành khách T4) sẽ được thiết kế với công suất khoảng 15 triệu hành khách/năm. Để đảm bảo hoạt động khai thác, trên phần đất do dân dụng quản lý, Bộ GTVT quy hoạch 80 - 85 vị trí đậu khai thác phục vụ hành khách, bao gồm cả khu đất 19,97 ha đã được Bộ Quốc phòng tạm bàn giao Bộ GTVT để đầu tư nâng cấp và khai thác, sử dụng
Về hệ thống giao thông tiếp cận, bên cạnh việc cải tạo, mở rộng đường 18E nối từ đường Cộng Hòa vào Nhà ga hành khách T4; cải tạo, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám để nối từ đường Cộng Hòa vào Nhà ga T3 được đề cập trong Phương án tháng 3, Bộ GTVT đề xuất thêm tuyến đường trên cao kết nối từ ga hành khách ra khu vực đường Phan Thúc Duyệt, Trần Quốc Hoàn. Với việc bổ dung một loạt hệ thống đường tiếp cận vào quy hoạch, các cửa ra, vào sân bay sẽ thuận lợi hơn cho hành khách.
Hiện nút thắt trong huy động vốn mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất là kinh phí thực hiện đầu tư mở rộng khu bay.
Cụ thể, theo phương án cổ phần hóa ACV được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, kết cấu hạ tầng khu bay bao gồm đường lăn, đường cất hạ cánh do Nhà nước quản lý và đầu tư, thuộc trách nhiệm ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, với nguồn vốn ngân sách nhà nước hạn hẹp như hiện nay, ACV muốn được thành lập một công ty cổ phần với vốn nhà nước tham gia không quá 30% để huy động vốn xã hội hóa. Hiện tại, có nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đang rất quan tâm đến dự án này.
Về phương án hoàn vốn, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng dự phòng ngân sách trung ương trong giai đoạn 2017 - 2019 và giữ lại nguồn thu từ phương án cho thuê kết cấu hạ tầng khu bay và giữ lại tiền cổ tức hàng năm của Nhà nước tại ACV.