|
Sáng 24-11-2015, báo Giao thông đã tổ chức toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Những vấn đề nóng trong quản lý xe hợp đồng điện tử” với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Vụ Vận tải thuộc Bộ GTVT, Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải… Những câu hỏi về chính sách thí điểm xe hợp đồng điện tử, tính hợp pháp trong kinh doanh của hai công ty GrabTaxi và Uber… đã được đưa ra bàn luận.
Ngay từ đầu, Vụ Vận tải đã xác nhận ngay là GrabTaxi và Uber chỉ là đơn vị cung cấp phần mềm kết nối các phương tiện vận tải, không phải là đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải. Uber và GrabTaxi thực ra không phải là đơn vị kinh doanh vận tải mà chỉ là đơn vị cung cấp ứng dụng công nghệ.
Về câu hỏi cho rằng Grabcar (trước đây là Grab siêu rẻ) giống như taxi trá hình, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, cho rằng hai loại này có hình thức khác nhau nên Grabcar không phải là taxi trá hình. Theo các quy định liên quan đến ngành giao thông vận tải thì taxi phải có đèn hiệu, đồng hồ tính tiền, có màu sơn riêng, có biểu tượng (logo) riêng… còn xe chạy hợp đồng lại không giống như vậy.
Ông Ngọc cũng cho biết thêm, Uber không thuộc đối tượng quản lý của Bộ GTVT do họ khẳng định chỉ cung cấp phần mềm kết nối, không kinh doanh vận tải. Bộ GTVT đã yêu cầu Uber chỉ ký hợp đồng với các đơn vị vận tải có giấy phép, đủ điều kiện kinh doanh vận tải theo đúng quy định. Đồng thời, Bộ GTVT cũng yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải khi ký hợp đồng với Uber phải đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải.
Theo Bộ GTVT, với việc xuất hiện của GrabTaxi và Uber vừa qua, dư luận cho rằng cách thức phục vụ của họ thuận tiện hơn, giá rẻ hơn, lại rút ngắn thời gian. Nhưng các đơn vị cung cấp dịch vụ này lại chưa đáp ứng các yêu cầu như giấy phép kinh doanh, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm nộp thuế…
Kế đến là các đơn vị cung cấp phần mềm kết nối lại liên kết với các đối tượng không đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải nên họ cũng vi phạm quy định pháp luật. Như thời gian qua, lực lượng thanh tra giao thông tại Hà Nội và TPHCM đã lập biên bản, xử phạt các trường hợp chạy xe hợp đồng (khách gọi xe qua ứng dụng di động) không có phù hiệu, biển hiệu, giấy phép kinh doanh vận tải…
Về chương trình thí điểm xe hợp đồng điện tử (Grabcar), Bộ GTVT cho rằng mục đích thí điểm là tìm ra các yếu tố thuận lợi cũng như các vấn đề bất cập để khắc phục. Về GrabTaxi, bên cạnh việc cung cấp phần mềm kết nối các phương tiện vận tải, họ cũng có thể trở thành đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hoạt động hiệu quả dựa trên công nghệ mà họ đang sở hữu.
Đồng thời, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho rằng không chỉ có GrabTaxi mới có thể tham gia chương trình thí điểm xe hợp đồng điện tử; nếu như có đơn vị nào khác cũng đưa ra phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin tốt như GrabTaxi thì Bộ GTVT sẽ xem xét và đề xuất Chính phủ cho phép thí điểm. Mỗi phần mềm tuy có đặc thù riêng nhưng đều có mục đích chung là cung cấp dịch vụ vận tải với chất lượng tốt nhất.
Về vấn đề cho rằng GrabTaxi sẽ gây ùn tắc giao thông, đại diện Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải cho rằng hiện thời không có căn cứ gì để nói rằng khi triển khai ứng dụng gọi xe trên di động sẽ gây ùn tắc giao thông. Thậm chí, việc GrabTaxi áp dụng phần mềm của họ trên các loại taxi sẽ góp phần giảm lượng xe ùn tắc ngoài đường do chỉ có xe được gọi mới đón khách. Trong khi đó, nếu khách hàng do sợ chờ lâu không có xe đón cứ gọi điện thoại cho 2-3 công ty taxi; điều này mới dẫn đến nguy cơ ùn tắc giao thông.
Trước đó, tại một hội thảo do Hiệp hội taxi Hà Nội tổ chức, đã có một số doanh nghiệp kinh doanh taxi thắc mắc về tính hợp pháp của GrabTaxi và Uber, họ chất vấn rằng GrabTaxi và Uber chỉ cung cấp phần mềm kết nối hay đang điều hành mạng lưới tài xế taxi, và cho rằng các hãng taxi đang bị quản lý chặt hơn bởi nhiều quy định so với GrabTaxi và Uber… Các doanh nghiệp taxi cũng thắc mắc về đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử (Grabcar); chưa hiểu vì sao phải triển khai chương trình này.
Theo TBKTSG