“Facebook, Uber có biểu hiện nộp thuế chưa phù hợp với quy định của pháp luật”

Đại biểu Quốc hội Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nhận định chuyển giá, trốn thuế đang là vấn đề nóng đặt ra. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc này để thực hiện trốn lậu thuế.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ xuyên quốc gia như Uber, Facebook… đã có biểu hiện đóng nộp thuế chưa phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Để làm rõ vấn đề này, cơ quan thanh kiểm tra của ngành tài chính, mà trực tiếp là cơ quan thuế, hải quan phải làm rõ để trả lời câu hỏi trước Quốc hội và đề xuất giải pháp trốn lậu thuế”, đại biểu Thụ đề nghị.

Ông bình luận gì về tình trạng trốn thuế của doanh nghiệp hiện nay, đặc biệt là những doanh nghiệpnước ngoài như Facebook, Uber… có biểu hiện chưa nộp thuế phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam?

Quản lý thuế trong những năm qua có sự tiến triển nhưng tình trạng trốn lậu thuế vẫn đang gia tăng. Con số 76.000 tỷ đồng tiền nợ thuế của doanh nghiệp, trong đó 1 nửa có khả năng thu hồi. Một số doanh nghiệp thậm chí đã giải tán, giải thể phá sản từ lâu nhưng vẫn chưa được xử lý. Tình trạng trốn lậu thuế hiện nay diễn ra với doanh nghiệp FDI, qua hình thức chuyển giá mà trong nước ngành thuế chưa thực sự quản lý được.

Để đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp sản xuất, cơ quan quản lý thuế cần phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật. Việc trốn lậu thuế dưới mọi hình thức, chống chuyển giá phải được quản lý chặt chẽ. Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ xuyên quốc gia như Uber, Facebook… đã có biểu hiện đóng nộp thuế chưa phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

Để làm rõ vấn đề này, cơ quan thanh kiểm tra của ngành tài chính, mà trực tiếp là cơ quan thuế, hải quan phải làm rõ để trả lời câu hỏi trước Quốc hội và đề xuất giải pháp trốn lậu thuế.

Với việc phát triển của Internet, nhiều công ty đã cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Facebook nhưng chỉ có văn phòng đại diện ở Việt Nam. Đây có phải là biểu hiện của việc trốn thuế, tránh thuế không?

Bất cứ doanh nghiệp nước ngoài nào hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam đều phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, trong đó có quy định về thuế. Mọi hoạt động kinh doanh diễn ra ở đâu phát sinh doanh thu, lợi nhuận thì phải làm nghĩa vụ thuế theo quy định của luật. Còn có những doanh nghiệp nước ngoài không mở chi nhánh mà mở văn phòng đại diện nhưng vẫn có dịch vụ, doanh thu thì Nhà nước cần phải rà soát lại văn bản pháp luật để có hình thức quản lý đúng.

Đại biểu Quốc hội Bùi Đức Thụ.
Đại biểu Quốc hội Bùi Đức Thụ.

Luật phải đảm bảo mọi hoạt động kinh tế thương mại dịch vụ diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ pháp luật. Do vậy, những doanh nghiệp này cần phải được kiểm soát và phát hiện kịp thời. Hiện tôi chưa nhận được báo cáo nào về tình trạng này.

Nhưng tôi lưu ý, một số doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Việt Nam, ví như Cocacola hoạt động vào Việt Nan rất lâu nhưng tình trạng trốn lậu thuế là tương đối lớn. Qua công tác thanh kiểm tra ta truy thu lượng tương đối lớn.

Nhiều nghi vấn đã đặt ra với Cocacola là có chuyển giá hay không chuyển giá. Cocacola có nguyên phụ liệu đặc chủng, bí mật chỉ có tập đoàn này mới có nên khi sản xuất ở Việt Nam thì báo giá lên rất cao. Điều này khiến cho chi phí sản xuất bị đội lên, giảm lợi nhuận và báo lỗ liên tục nên việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp này rất là thấp. Tất cả những hiện tượng đó vừa qua ngành thuế chỉ đạo rà soát lại, có biện pháp ngăn chặn và đã truy thu được.

Theo ông, việc để cho những doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt  Nam trốn thuế, chuyển giá là trách nhiệm của Bộ Tài chính hay do luật chưa đủ chặt chẽ?

Tổ chức cá nhân nước ngoài muốn hoạt động tại Việt Nam phải thành lập doanh nghiệp hoặc thành lập chi nhánh, còn việc mở văn phòng đại diện chẳng qua chỉ là điều kiện chuẩn bị cho đầu tư và hoạt động. Theo quy định mở văn phòng đại diện không được phép sản xuất kinh doanh, nếu mở văn phòng đại diện mà hoạt động sản xuất kinh doanh, có doanh thu thì trái với quy định của pháp luật.

Hoạt động dịch vụ của một số doanh nghiệp xuyên quốc gia là vấn đề mới xuất hiện. Việc quản lý với những hoạt động này là phức tạp và khó khăn. Đề nghị các cơ quan, trước hết Bộ Tài chính rà soát quy định pháp luật, xem xem quy định pháp luật hiện hành đủ điều chỉnh hoạt động dịch vụ này chưa. Tức là tổ chức nước ngoài nhưng có hoạt động kinh doanh, có doanh thu ở Việt Nam mà chỉ có văn phòng đại diện thì phải bổ sung vào. Nếu quy định pháp luật hiện hành đã có thì phải thực hiện nghiêm.

Theo ông việc phát hiện doanh nghiệp trốn thuế, chuyển giá trong thời gian qua có thể nói lên thực trạng quản lý yếu kém của ngành thuế không?

Trốn lậu thuế phát hiện được do nhiều nguyên nhân, báo chí, người dân, dư luận hay hộ kinh doanh kiến nghị. Đó là thông tin đáng tin cậy để chống thất thu thuế. Nhưng qua công tác thanh tra, kiểm tra kiểm tóa vừa qua phát hiện khối lượng trốn lậu thuế rất lớn.

Ví dụ theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước qua kiểm toán hàng năm phát hiện ra sai phạm lớn và số truy thu NSNN đến 5 – 10 ngàn tỷ đồng. Ngành thuế và thanh tra chuyên ngành phát hiện ra cũng rất lớn. Việc phát hiện ra số lượng trốn lậu thuế là của nhiều ngành và tổ chức cá nhân, trong đó thuế hải quan, thanh tra chuyên ngành, tài chính.

Vừa qua Bộ Tài chính cũng đã thành lập đội chống chuyển giá. Theo ông, liệu đội này có thể giúp ngành thuế cải thiện được tình trạng thất thu hàng nghìn tỷ đồng từ việc chuyển giá và trốn thuế không?

Chuyển giá đang là vấn đề nóng đặt lên. Tôi xin nói không chỉ đối với doanh nghiệp nước ngoài mà với cả công ty mẹ con của các tập đoàn, tổng công ty trong nước cũng thực hiện việc này. Do đó, đây là vấn đề lớn.Với chức năng của mình, Bộ Tài chính, trong đó có cơ quan thuế, hải quan và cả các cơ quan chức năng có liên quan phải có trách nhiệm thực hiện ngăn chặn tình trạng này.

Còn việc tổ chức thực hiện thành lập tổ này đội kia là phương pháp tổ chức thực hiện, thuộc thẩm quyền các bộ. Vấn đề tổ chức như thế nào phải có hiệu quả, không làm phình bộ máy hành chính tốn kém, tăng thêm biên chế và phải hoạt động hiệu quả, phát hiện trúng vấn đề, xử lý kịp thời để thu đúng, thu đủ vào ngân sách.

Cám ơn ông!

Theo Bizlive