|
Năm 2016 sẽ tiếp tục thực hiện CPH Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Ảnh: Tiến Mạnh |
Trao đổi với PV, ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) cho rằng: “doanh nghiệp càng rút ra khỏi “bầu sữa mẹ” sớm bao nhiêu, càng tích lũy được kinh nghiệm, nguồn lực và thích ứng được với thị trường sớm bấy nhiêu. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi chúng ta đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới”.
Sẽ có 24 DN, đơn vị CPH trong năm 2016
Trong năm 2015, Bộ GTVT đã hoàn thành vượt kế hoạch 5 năm về công tác cổ phần hoá (CPH) doanh nghiệp. Ông có thể cho biết, công tác này sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm 2016 như thế nào?
Năm 2016, Bộ GTVT sẽ thực hiện CPH 24 doanh nghiệp (DN) bao gồm 14 trường hợp đã triển khai trong năm 2015 nhưng chưa hoàn thành và 10 trường hợp triển khai mới.
"Về cơ bản, Bộ GTVT sẽ chỉ có 4 tổng công ty không CPH là 4 đơn vị công ích gồm: TCT Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc, miền Nam, Quản lý bay, TCT Đường sắt và 2 công ty con là Nhà xuất bản GTVT và Công ty điện tử hàng hải. Sẽ có 2 công ty Bộ GTVT sẽ nắm giữ chi phối là Vietnam Airlines và ACV. Còn lại tất cả sẽ được từng bước thoái toàn bộ vốn Nhà nước”.
Ông Vũ Anh Minh
Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT)
Cụ thể, các DN đã triển khai trong năm 2015 sẽ tiếp tục được thực hiện như: TCT Hàng hải Việt Nam (Vinalines), 7 công ty con của Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ (SBIC), Công ty mẹ. Tiếp đến là Tổng công ty Cửu Long, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cùng một công ty con là VEC O&M và Bệnh viện Nam Thăng Long.
Đối với các DN thực hiện mới trong năm 2016 sẽ có hai trường học là Trường Trung cấp nghề Thăng Long và Học viện Hàng không. Bên cạnh đó, Bộ GTVT sẽ CPH thêm Bệnh viện GTVT Vinh và Bệnh viện GTVT Đà Nẵng. Năm nay, Bộ cũng sẽ thực hiện CPH một trung tâm đăng kiểm của Cục Đăng kiểm VN và 5 trung tâm kỹ thuật của Tổng cục Đường bộ VN.
Thực tế cho thấy, quá trình thực hiện CPH các DN trong thời gian qua diễn ra khá thuận lợi. Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng đã xác định những đơn vị làm sau thường là những “ca” khó. Vậy theo ông những khó khăn đó là gì?
Theo tôi, có 3 cái khó khi thực hiện CPH trong năm 2016. Thứ nhất đó là Vinalines với quy mô rất lớn (9.200 tỷ vốn chủ sở hữu – xác định năm 2015). Cái khó của Vinalines là làm sao chọn được nhà đầu tư chiến lược đủ mạnh để thúc đẩy phát triển.
Đối với SBIC đó là vấn đề xử lý âm vốn thành dương vốn. Đối với các trường học, Bộ GTVT sẽ là đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện CPH các trường học. Đây là hai đơn vị chưa tự chủ được nên cũng cần phải lựa chọn nhà đầu tư chiến lược có năng lực thực sự để có thể tập trung nguồn lực thúc đẩy phát triển.
Đối với lĩnh vực y tế, ngoài Bệnh viện GTVT T.Ư đã thực hiện CPH, Bộ GTVT đang tiếp tục thực hiện CPH Bệnh viện Nam Thăng Long và sẽ thực hiện tiếp đối với Bệnh viện GTVT Vinh và Đà Nẵng.
Đối với các DN còn đang gặp nhiều khó khăn về tài chính hay những đơn vị sự nghiệp con chưa tự chủ được như vậy, theo ông, đâu sẽ là động lực để sau khi CPH các DN, đơn vị này vượt qua khó khăn và phát triển?
Đối với các DN như Vinalines hay SBIC, trong quá trình CPH quan trọng nhất là phải tìm được nhà đầu tư có tiềm lực thực sự. Hiện nay, cả hai DN này vẫn đang chờ Thủ tướng phê duyệt phương án CPH, trong đó có các bộ tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư. Đối với mỗi loại hình DN khác nhau, các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư có khác nhau. Đối với các DN như: Vinalines, SBIC, tiêu chí số 1 phải là nhà đầu tư có nguồn lực, thứ hai là có quản trị, thứ 3 mới là thị trường và tiếp đến là công nghệ.
Đối với các bệnh viện, trường học, tiêu chí về tài chính cũng rất quan trọng vì các đơn vị này đang còn hoạt động theo mô hình sự nghiệp công lập và có sự hỗ trợ của Nhà nước. Vì vậy, sau CPH, Nhà nước sẽ cắt nguồn lực đầu tư, nhà đầu tư phải có một nguồn lực khác để bù đắp vào. Nếu không có nguồn lực đó, nó sẽ đánh thẳng vào nguồn thu của người lao động. Đối với các trường học, bệnh viện đó là nguồn lao động chất lượng cao. Họ có thể lựa chọn môi trường làm việc khác nếu không đáp ứng được, dẫn đến chảy máu chất xám và ảnh hưởng ngay đến chất lượng dịch vụ đang cung cấp. Vì thế, khi CPH, chúng ta phải rất thận trọng để lựa chọn được nhà đầu tư tốt, làm sao sau CPH, DN phải có thêm nguồn lực phát triển, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả.
Nguồn lực là tiêu chí số một để lựa chọn nhà đầu tư cho SBIC - Ảnh: Khánh Linh
CPH để bảo đảm sự công bằng xã hội
Năm 2015, Bộ GTVT đã CPH thành công Bệnh viện GTVT T.Ư. Thế nhưng, hai bệnh viện sẽ được CPH trong năm nay chỉ là những bệnh viện ở tuyến dưới vốn rất khó khăn, nhất là vấn đề thị trường. Vậy ông có kỳ vọng sự thành công ấy sẽ lặp lại?
Theo tôi, đối với các bệnh viện, trường học, để đạt được hiệu quả thực sự cần phải có một quá trình, có sự đầu tư chiều sâu và dài hạn. Tuy nhiên, thành công trong quá trình thực hiện CPH Bệnh viện GTVT T.Ư là tiền đề, kinh nghiệm rất tốt để có thể thực hiện đối với các đơn vị tiếp theo. Từ đó đúc rút ra những bài học, cái gì là khó, cái gì quan trọng nhất? Đối với các bệnh viện, đó chính là tìm được nhà đầu tư mạnh và có thể thúc đẩy phát triển. Bên cạnh đó, chúng ta phải tạo điều kiện tối đa để nhà đầu tư có thể nhìn thấy điều kiện phát triển, thấy tiềm năng. Thông qua đó chúng ta cũng phải kiểm tra được năng lực thực sự của họ.
Ở tầm vĩ mô, việc CPH các đơn vị sự nghiệp công lập (trường học, bệnh viện) là chúng ta mong muốn có sự hỗ trợ đúng đối tượng cần hỗ trợ. Chẳng hạn như trước đây, mỗi năm Nhà nước hỗ trợ khoảng 25 tỷ cho một bệnh viện, nay có thể chuyển nguồn lực đó hỗ trợ các đối tượng chính sách. Nếu trước đây, con số 25 tỷ được hỗ trợ dàn đều thì khi chuyển sang CPH chúng ta sẽ có điều kiện dành nguồn lực ấy để chỉ hỗ trợ cho đối tượng chính sách, người nghèo.
Khi có sự bổ sung nguồn tài chính, cơ chế để vận dụng, sử dụng nguồn lực tốt hơn, các đơn vị CPH sẽ trở thành những DN tốt hơn. Vì thế, chúng ta có thể tin tưởng là các DN sau CPH với sự bổ sung nguồn lực mới sẽ phát huy được hết những tiềm lực vốn có để thành công hơn.
Cảm ơn ông!