Bộ Công Thương muốn quản Uber, Grab như doanh nghiệp vận tải

VietTimes -- Bộ Công thương cho rằng các quy định chưa rõ ràng hiện nay đang tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa Uber, Grab và taxi, xe ôm truyền thống, nên đề nghị sửa đổi quy định để xác định doanh nghiệp cung cấp các ứng dụng phần mềm như Uber, Grab chính là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải.
Ảnh minh họa. Nguồn Zing.
Ảnh minh họa. Nguồn Zing.
Cụ thể, trong văn bản góp ý về thực trạng triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng gửi Văn phòng Chính phủ mới đây, Bộ Công thương cho rằng cần bổ sung, làm rõ những hạn chế của khung pháp lý, các cơ quan liên quan về thuế, giao dịch điện tử, thương mại điện tử... nhằm có các biện pháp quản lý lâu dài, bền vững.
Văn bản của Bộ Công thương chỉ rõ, với quy định hiện hành chưa tính đến loại hình dịch vụ vận chuyển hành khách ký hợp đồng qua ứng dụng thương mại điện tử. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này coi mình chỉ là đơn vị cung ứng phần mềm. Điều này sẽ dẫn đến ba hệ quả khó quản lý và không công bằng.

Thứ nhất, "Vì chỉ được coi là đơn vị cung cấp phần mềm, các DN này sẽ không chịu trách nhiệm về các vấn đề bảo đảm an toàn cho khách và người trên đường, trong khi họ chính là đơn vị thu tiền dịch vụ".

Thứ hai, không chịu sự điều chỉnh của các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp này và dịch vụ truyền thống taxi, xe ôm.
Cuối cùng, trường hợp DN cung cấp, quản lý các ứng dụng này là DN ở nước ngoài thì việc cho phép DN đó hoạt động là không phù hợp với cam kết trong WTO", Bộ Công Thương nêu quan điểm.

Ngoài ra, theo quy định hiện hành, việc cung cấp, quản lý các ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng như Uber, Grab hiện nay phải đáp ứng các quy định về thương mại điện tử.

Vì vậy, cần sửa đổi quy định để xác định doanh nghiệp (DN) cung cấp các ứng dụng phần mềm như Grab, Uber chính là các DN cung cấp dịch vụ vận tải, “Đây là một nội dung quan trọng mấu chốt để quản lý loại hình cung cấp dịch vụ này”, văn bản nêu rõ.
Thực tế, những lổ hổng về của cơ quan quản lý đối với loại hình dịch vụ vận tải mới như Grab, Uber là điều dễ dàng có thể nhận thấy. Trong đó, điển hình nhất là việc nộp thuế.
Cụ thể, vào đầu tháng 10, Hiệp hội taxi Hà Nội đã "tố" Uber, Grab mỗi ngày chuyển gần 10 tỷ đồng ra nước ngoài. Sau đó, các tài xế taxi cũng đã dán đề can sau xe kiến nghị việc Grab, Uber nộp thuế quá ít so với nguồn thu.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách khách quan, việc Uber, Grab chuyển tiền qua nước ngoài lại là... đúng quy định. Lý do đơn giản là vì các sắc lệnh về thuế hiện nay không phù hợp với mô hình hoạt động kiểu mới như Uber, Grab.

Về cơ bản, chính sách thuế của Việt Nam cũng chỉ có 2 đối tượng nộp thuế, đó là các tổ chức và các cá nhân.

Với các doanh nghiệp taxi truyền thống, việc đăng ký kinh doanh vận tải gắn liền với hoạt động đầu tư dàn xe, treo logo, ký hợp đồng thuê lái xe, chở khách, thu cước và nộp thuế. 

Trong quan hệ với cơ quan thuế, doanh nghiệp taxi truyền thống là chủ thể nộp thuế. Mức thuế được phản ánh vào trong giá cước và lái xe là người thu cước để nộp về doanh nghiệp, trước khi nộp cho nhà nước.

Nhưng cách thu thuế “truyền thống” này thay đổi hoàn toàn trong trường hợp các doanh nghiệp như Uber và Grab.

Theo đó, Uber và Grab – với nền tảng công nghệ của mình – đóng vai trò như người môi giới, kết nối giữa khách đi xe và chủ xe. Uber và Grab và không đầu tư xe, không là chủ xe, do thế cũng không kinh doanh vận tải khách.

Thực tế này trở thành rào cản đầu tiên khi các cơ quan quản lý lúng túng trong cách tiếp cận quản lý thuế đối với loại hình doanh nghiệp như Uber và Grab, hay rộng hơn là quản lý thuế với các hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ mạng. 

Thực tế nữa, là Uber và Grab giao kết với các chủ xe – lái xe bằng các hợp đồng ăn chia cước. Theo đó, Uber và Grab thu một tỷ lệ nhất định (20 – 25%) cước thu của khách. Phần lớn số cước còn lại trả về các các chủ xe – lái xe.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc khách gọi xe và các chủ xe – lái xe nhận chở khách cũng là giao kết hợp đồng. Do đó, trong trường hợp này, đối tượng phải nộp thuế chính là các các chủ xe – lái xe tham gia Uber và Grab.

Pháp luật Việt Nam có quy định những chủ xe là cá nhân phải đăng ký với cơ quan quản lý và nộp thuế nếu tham gia vận tải khách theo hợp đồng. Đồng thời, đã có khá nhiều tài xế Uber và Grab đã bị phạt vì không đăng ký vận tải khách.

Tuy nhiên, với hàng chục nghìn tài xế đã tham gia Uber và Grab và số lượng tiếp tục tăng lên mỗi ngày, dường như việc quản hết số lượng này là quá sức với các cơ quan thuế.

Hiện cơ quan thuế chưa có câu trả lời rõ ràng về việc đang quản lý thuế thế nào với hàng chục nghìn chủ xe – tài xế Uber và Grab đang hoạt động, và có thể hàng chục nghìn người nữa sắp tham gia.

Có ý kiến cho rằng do Uber và Grab thu tiền của lái xe, chuyển về các công ty mẹ đặt ở nước ngoài trước khi chuyển lại cho chủ xe kiêm lái xe, nên hai doanh nghiệp này cần cần nộp thuế tại Việt Nam trên cơ sở toàn bộ số liệu doanh thu đã lập và được công nhận.

Tuy nhiên, thực tế là, dù muốn, Uber và Grab cũng không thể can thiệp vào hợp đồng giữa các chủ xe – lái xe với khách, do những ràng buộc, cam kết thể hiện thành hợp đồng giữa chủ xe – lái xe với hai hãng.

Mặt khác, hàng chục nghìn chủ xe – tài xế đã hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam và kiếm tiền qua phần mềm của Uber và Grab, trong khi lại có chuyện sụt giảm số thu từ các hoạt động này. Đó là yêu cầu đặt ra với cơ quan quản lý để tăng nguồn thu, hơn là tìm cách hạn chế hoạt động của Uber và Grab bằng cách “đá bóng” quyền cấp phép hoạt động mô hình này về các địa phương.