Một thông tư mới ban hành của Bộ Công thương - Thông tư 37/10-2015/TT-BCT (gọi tắt là Thông tư 37) về kiểm tra hàm lượng formaldehyde và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm đối với sản phẩm dệt may được đưa ra phân tích tại hội thảo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) ngày 10.12.
Ông Phạm Thanh Bình - nguyên Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan, cho rằng hiện cả nước có hàng nghìn doanh nghiệp (DN) dệt may, chi phí cho việc tuân thủ thông tư trên mỗi năm là quá lớn. Riêng tiền kiểm tra hàm lượng formaldehyde và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm đối với sản phẩm dệt may lên tới 3 - 4 tỉ đồng/năm. Một số DN cho biết, trung bình một lô hàng lấy 3 đến 4 mẫu để kiểm tra hàm lượng formaldehyde, các amin thơm, có lô phải lấy tới 7 mẫu. Thời gian chờ kiểm tra là 3 - 5 ngày làm việc.
“Quy định phải kiểm tra tại cửa khẩu, hàng dừng tại cửa khẩu là DN phải chịu chi phí lưu kho, đỗ xe, cán bộ hải quan thì vất vả trước số hàng nhập mỗi ngày không ít. Đây là một sự lãng phí vô lý quá lớn. Ví dụ nếu một DN nhập khẩu một bộ bàn ghế sô pha mà phải lấy đi một chiếc ghế để kiểm tra coi như bỏ bộ ghế. Hay một lô chăn nhập khẩu, phải lấy một chiếc đi kiểm tra, có loại chăn giá mấy trăm nghìn thì tổn phí không nhỏ”, một nhân viên hải quan nêu.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM: “Thông tư 37 không đáp ứng tất cả cũng như từng yêu cầu cụ thể của Nghị quyết 19. Hình như cơ quan soạn thảo và ban hành thông tư đã không căn cứ theo Nghị quyết 19”.
Theo Thanh niên