Blockchain là gì?
Trong giai đoạn đầu, công nghệ này được phát triển như một phương pháp bút toán cho Bitcoin và các đồng tiền kỹ thuật số khác. Cho tới thời điểm hiện tại, ứng dụng của công nghệ Blockchain đã và đang được khai phá trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác như một phương cách tiết kiệm chi phí với tính bảo mật cao để tạo ra và quản trị cơ sở dữ liệu phân tán cũng như có thể được lập trình để ghi lại không chỉ những giao dịch tài chính mà còn cho hầu hết bất kỳ thứ gì có giá trị.
Blockchain và Bitcoin
Dựa vào giao thức của Bitcoin, cơ sở dữ liệu Blockchain được chia sẻ cho tất cả các máy tính tham gia vào hệ thống này. Mỗi máy tính được kết nối khi gia nhập mạng lưới này nhận một bản sao chép của Blockchain có chứa dữ liệu ghi chép lại và là bằng chứng cho việc một giao dịch được hoàn tất.
Blockchain và ứng dụng trong những lĩnh vực khác
Mặc dù Bitcoin hiện tại là ứng dụng thực tế dễ dàng được nhận thấy nhất của Blockchain, sự tác động và tiềm năng của công nghệ này đối với nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống mới là điều đáng để quan tâm.
Vào năm 2016, trang web bán lẻ trực tuyến Overstock.com đã sử dụng công nghệ Blockchain để bán và phân phối hơn 126000 cổ phiếu của công ty, đặt dấu mốc lịch sử khi lần đầu tiên, một công ty giao dịch công khai sử dụng blockchain để hỗ trợ giao dịch chứng khoán.R3 CEV, một công ty hoạt động trong lĩnh vực Fintech và đồng thời là một tổ hợp doanh nghiệp toàn cầu của hơn 80 tổ chức tài chính lớn nhất thế giới cũng sử dụng Blockchain để ghi chép, quản trị và đồng bộ hóa thông tin tài chính sử dụng những giao diện lập trình ứng dụng blockchain (blockchain APIs) cho các nền tảng cụ thể. Vào ngày 24/10/2016, giao dịch blockchain quốc tế đầu tiên đã được hoàn thành. Được môi giới bởi Ngân hàng Commonwealth của Úc và Ngân hàng Wells Fargo, một thỏa thuận trị giá 35.000 USD có sự tham gia của nhà máy sợi Brighann Cotton đã mua 88 kiện bông từ chi nhánh tại Mỹ của họ ở Texas và gửi nó tới Thanh Đảo, Trung Quốc.
Dùng ngân hàng truyền thống như một phép so sánh, ta có thể thấy rằng blockchain như một lược sử đầy đủ của những giao dịch trong một thể chế tài chính và mỗi block là một bản sao kê cá nhân. Tuy nhiên, bởi nó là một hệ thống cơ sở dữ liệu phân phối được dùng như là một cuốn sổ cái điện tử mở, Blockchain có thể đơn giản hóa việc vận hành kinh doanh cho tất cả các bên. Bởi tất cả những lý do ấy, công nghệ này đang hấp dẫn không chỉ những thể chế tài chính và sàn giao dịch chứng khoán mà còn rất nhiều lĩnh vực khác như âm nhạc, bảo hiểm, Internet Vạn Vật,… Những người ủng hộ Blockchain còn cho rằng chiếc sổ cái điện tử này có thể được áp dụng cho hệ thống bầu cử, vũ khí hay đăng ký phương tiện giao thông của chính phủ, các tài sản kỹ thuật số như các hình thức giải trí được tải về trên mạng, chứng thư bất động sản, hồ sơ bệnh án hay ngay cả xác nhận quyền sở hữu của một tác phẩm nghệ thuật hoặc một cổ vật nào đó. Ngành sản xuất và những doanh nghiệp tương tự khác cũng nhận thấy được tiềm năng của blockchain trong việc quản trị những hợp đồng thông minh cũng như theo dõi tình trạng của nguyên vật liệu khi mà chúng chuyển dịch trong chuỗi cung ứng.
Dựa vào tiềm năng đơn giản hóa việc vận hành kinh doanh của công nghệ sổ cái phân phối này, nhiều mô hình mới dựa vào blockchain đã bắt đầu thay thế những mạng lưới kế toán và thanh toán đắt đỏ và thiếu hiệu quả của ngành tài chính. Công nghệ Blockchain có thể tiết kiệm hàng tỷ đô la, một báo cáo mới đây của Goldman Sachs cho rằng nó có thể tiết kiệm cho những nhà vận hành thị trường chứng khoán con số khổng lồ lên lới 6 tỷ đô/năm.
Trong khi các ngân hàng thời gian đầu vẫn còn nhiều hoài nghi về công nghệ này bởi sự quan ngại với nguy cơ gian lận tiềm tàng, họ đã bắt đầu nghiên cứu tính bảo mật cũng như cách blockchain giảm đáng kể chi phí bằng việc cho phép hệ thống quyết toán back-office xử lý giao dịch, chuyển tiền và các giao dịch khác với tốc độ nhanh hơn.
Blockchain và các công ty công nghệ
Bị hấp dẫn bởi ý tưởng loại bỏ trung gian và chuyển dịch về hướng dân chủ hóa và phi tập trung, các startup công nghệ đang áp dụng công nghệ Blockchain với mục đích phá vỡ “trật tự” của rất nhiều ngành.
21 Inc, startup kết hợp công nghệ Blockchain cho thiết bị Internet Vạn Vật (IOT) đã nhận được tổng cộng 116 triệu đô la khi vận động gây quỹ vào năm 2015. Số tiền đầu tư nhận được sẽ được sử dụng để tích hợp chip đào Bitcoin vào điện thoại và những thiết bị kết nối IOT. BTCJam, nền tảng cho vay P2P có trụ sở tại San Francisco, chuyên cung cấp dịch vụ cho vay Bitcoin trong năm vừa rồi, con số cho vay đã đạt tới 15 triệu đô.
Storj, một công ty đang thử nghiệm khái niệm về phát triển lưu trữ đám mây dựa trên một hệ thống sử dụng năng lượng Blockchain với mục tiêu cải thiện tính bảo mật đồng thời giảm sự phụ thuộc của người dùng vào một hệ thống trung tâm của duy nhất một nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ. Thậm chí, công ty này còn mời chào người sử dụng cơ hội cho thuê dung lượng lưu trữ không dùng đến của họ, tương tự như cách mà nhiều người sở hữu nhà ở cho thuê phòng trống trên Airbnb.
Ưu và nhược điểm của Blockchain
Tiết kiệm chi phí là ưu điểm dễ nhận thấy nhất của công nghệ sổ cái phân tán (DLT) này. Hệ thống DLT cho phép doanh nghiệp và ngân hàng có thể hợp lý hóa sự vận hành nội bộ của họ, giảm thiểu đáng kể chi phí, sai lầm và trì hoãn gây ra bởi phương pháp truyền thống đối với việc đối chiếu hồ sơ ghi chép.
Việc ứng dụng rộng rãi của DLT sẽ đem lại sự tiết kiệm chi phí khổng lồ trong 3 mảng sau:
1. Sổ cái điện tử có phí duy trì rẻ hơn rất nhiều so với hệ thống kế toán truyền thống; số lượng nhân viên back-office có thể được giảm thiểu đáng kể.
2. Hệ thống DLT hoạt động gần như tự động sẽ xảy ra ít lỗi hơn và dẫn tới sự loại bỏ hoàn toàn những công đoạn xác nhận lặp đi lặp lại.
3. Giảm thiểu sự chậm trễ khi xử lý giao dịch cũng đồng nghĩa với việc số ít vốn đang được nắm giữ để chống lại rủi ro của các giao dịch chưa được giải quyết..
Bên cạnh đó, sự minh bạch và sự dễ dàng cho việc kiểm toán của công nghệ này cũng dẫn tới việc tiết kiệm chi phí cho những quy định chống rửa tiền.
Việc loại bỏ gần như hoàn toàn sự tham gia của con người trong quá trình xử lý đặc biệt có lợi cho việc giao dịch xuyên biên giới, điều thường mất rất nhiều thời gian bởi sự khác biệt về múi giờ của các quốc gia và việc tất cả các bên phải xác nhận việc xử lý thanh toán.
Tính bảo mật cao được coi là một trong những ưu điểm chính của công nghệ Blockchain. Gần như không có khả năng làm sai lệch, thay đổi blockchain bởi thông tin được chia sẻ và tiếp tục được xác nhận bởi hàng triệu máy tính trong mạng lưới. Nếu một máy tính sập, đó không phải vấn đề gì quá to tát bởi tất cả các máy tính khác trong hệ thống đó đã sở hữu bản sao của cuốn sổ cái.
Mặt khác, các chuyên gia cũng chỉ ra những nhược điểm, rủi ro và thách thức mà công nghệ này cần khắc phục trong tương lai. Đối với blockchain công cộng, nhiều người đã đặt ra câu hỏi về sự tín nhiệm và ai sẽ là người chịu trách nhiệm một khi có vấn đề xảy ra. Còn với những blockchain cá nhân, xuất hiện những câu hỏi liệu rằng những tổ chức có thể hoặc sẵn sàng đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho IT Chargeback, một chiến lược kế toán áp chi phí dịch vụ IT (ví dụ như cơ sở dữ liệu của giao dịch) lên các đơn vị kinh doanh sử dụng nó. Hệ thống IT Chargeback này đối nghịch hoàn toàn với mô hình kế toán IT truyền thống khi mà mọi chi phí IT bị dồn toàn bộ cho một phòng ban trung tâm trong một tổ chức và những chi phí đó được “đối xử” đơn thuần chỉ là chi phí chìm của phòng ban trung ương đó.
Phần 1: Tổng quan về mặt trái của tiền điện tử
Phần 2: "Bong bóng đầu cơ" tiền điện tử
Phần 3: Lừa đảo, Rửa tiền, Hành vi phạm pháp và Tiền ảo
Phần 4: Tiền ảo – Rủi ro đa cấp và đầu tư hứa hẹn lợi nhuận cao