Bitexco thực sự chia tay siêu dự án tại khu Tứ giác Bến Thành?

VietTimes -- Đặt lại câu hỏi này vì dự án Spirit of Saigon có thêm những chuyển biến mới khi khởi công xây dựng phần thân vào tháng 10 vừa qua, còn trước đó đã nổi lên thông tin dự án này đổi chủ nhưng chưa hẳn đã như vậy…
Phối cảnh dự án Spirit of Saigon (Ảnh: Internet)

Thông tin về việc Tập đoàn Bitexco chia tay dự án cao ốc văn phòng, thương mại, dịch vụ và căn hộ Tứ giác Bến Thành (có 4 mặt tiền là Phạm Ngũ Lão, Phó Đức Chính, Lê Thị Hồng Gấm, Calmette), hay còn được biết đến với tên gọi Spirit of Saigon (trước đó là The One), nổi lên từ cuối năm 2018.

Theo đó, Sở Xây dựng Tp. HCM cho hay, ngày 23/10/2018, đơn vị này đã nhận được tờ trình của Công ty TNHH Saigon Glory (Saigon Glory) đề nghị công nhận làm chủ đầu tư dự án Spirit of Saigon. Sở Xây dựng sau đó đã lấy ý kiến các thành viên tổ chuyên gia lựa chọn chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn và nhận thấy đủ cơ sở để chấp nhận cho Saigon Glory làm chủ đầu tư.

Được biết, dự án có vị trí đắc địa bậc nhất tại trung tâm Tp. HCM đã được Tập đoàn Bitexco theo đuổi và triển khai suốt nhiều năm qua.

Trong quá trình thực hiện dự án, tháng 7/2018, Tập đoàn Bitexco ký hợp đồng góp vốn với Saigon Glory với tài sản góp vốn được định giá là 7.000 tỷ đồng, bao gồm: Giá trị quyền sử dụng đất (4.200 tỷ đồng) và phần công trình (2.800 tỷ đồng) là tài sản của dự án.

Tới tháng 8/2018, Văn phòng Đăng ký đất đai Tp. HCM đã thực hiện thủ tục cập nhật biến động trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sang cho Saigon Glory.

Những chuyển biến tại Spirit of Saigon khiến nhiều người cho rằng dự án này đã đổi chủ. Tuy nhiên, thực chất đó mới chỉ là động thái thay pháp nhân dự án, bởi lẽ Saigon Glory vẫn là một pháp nhân gắn chặt với Tập đoàn Bitexco.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, Saigon Glory được thành lập tháng 6/2018, đăng ký vốn điều lệ 7.000 tỷ đồng và chủ sở hữu là Tập đoàn Bitexco. Điều này phần nào lý giải vì sao ông Vũ Quang Bảo (em trai của Chủ tịch Tập đoàn Bitexco Vũ Quang Hội) giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật của Saigon Glory.

Mặt khác, trên trang chủ của Tập đoàn Bitexco vẫn xuất hiện nhiều thông tin liên quan đến dự án Spririt of Saigon.

Phần giới thiệu về dự án Spirit of Saigon của Bitexco (bitexco.com.vn)

Nhưng động thái “đẩy” dự án Spirit of Saigon cho một pháp nhân riêng biệt có thể là bước đi chuẩn bị cho việc chuyển nhượng. Điều này sẽ tạo thuận tiện cho việc chuyển nhượng dự án được kín đáo thông qua “thay ruột” công ty Saigon Glory.  

Trong một diễn biến mới, ngày 14/10/2019 vừa qua, dự án đã được khởi công phần thân bởi một nhà thầu danh tiếng. Không lâu sau đó, truyền thông trong nước cho biết Chủ tịch UBND Tp. HCM Nguyễn Thành Phong đã giao Sở Xây dựng hướng dẫn Tập đoàn Bitexco thực hiện các thủ tục chuyển nhượng dự án cho Saigon Glory, đồng thời điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án từ năm 2019 thành năm 2024.

Xen lẫn giữa những thông tin đăng tải về những chuyển biến mới này, có sự xuất hiện của CTCP Đầu tư & Phát triển Uniprime (Uniprime).

Theo tìm hiểu của VietTimes, Uniprime là pháp nhân mới thành lập từ cuối tháng 2/2019, đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại số 181 Trần Hưng Đạo, Phường Cô Giang, Quận 1, Tp. HCM. Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Lâm Khắc Vinh (sinh năm 1974) hay còn được gọi là “Truong Vincent Kinh”.

Ông Vinh còn là người đại diện của CTCP Tập đoàn quản lý Acumen. Trong khi đó, cái tên Truong Vincent Kinh lại gợi nhớ nhiều hơn tới một nhân sự cấp cao của tập đoàn bất động sản lớn khu vực phía Nam.

Có quy mô vốn đăng ký ban đầu khá khiêm tốn, ở mức 90 tỷ đồng, chia đều cho 3 cổ đông cá nhân là: Nguyễn Thị Diệu Hiền, Nguyễn Hồng Vinh và Đinh Thị Ngọc Thanh. Song những cổ đông cá nhân tham gia góp vốn tại đây cũng đứng tên tại nhiều doanh nghiệp khác.

Trong số đó là bà Đinh Thị Ngọc Thanh (sinh năm 1974) là Chủ tịch HĐQT của CTCP Bông Sen - chủ sở hữu của khu Trung tâm Thương mại Daeha (bao gồm Khách sạn Daewoo) tọa lạc tại số 360 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội.

Với một “siêu dự án” như Spirit of Saigon, việc xuất hiện các đại gia bất động sản tham gia vào thương vụ chuyển nhượng (nếu có) cũng là điều dễ hiểu.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, năm 2012, dự án này được thế chấp tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) với mức định giá 9.000 tỷ đồng. Sau đó nhiều năm, 8.600 m2 dự án được thế chấp ở một nhà băng khác với mức định giá gần 7.700 tỷ đồng./.