Bitcoin có nhiều điểm tương đồng với Hội chứng hoa Tulip

VietTimes – Hội chứng hoa Tulip xảy ra ở Hà Lan vào những năm 1600 có rất nhiều điểm tương đồng với bong bóng Bitcoin hiện tại. Đó đều là những thứ được đầu cơ đẩy giá lên mức quá cao và rồi sau đó “nổ tung”! 
Hoa Tulip đã từng là mặt hàng được đầu cơ tại Hà Lan vào thế kỷ 16 (ảnh: Market Insider)
Hoa Tulip đã từng là mặt hàng được đầu cơ tại Hà Lan vào thế kỷ 16 (ảnh: Market Insider)

Hội chứng hoa Tulip là một hiện tượng xảy ra vào những năm 1600 ở Hà Lan khi người dân trở nên phát cuồng với hoa Tulip. Loài hoa này có nguồn gốc từ đế chế Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay), được đưa vào Hà Lan từ cuối những năm 1500. Do một số thương gia đầu cơ mà đến năm 1636 giá của một củ Tulip cao gấp 10 lần so với thu nhập một năm của một thợ thủ công lành nghề. Việc mua bán củ hoa Tulip trở thành cách đầu cơ điên cuồng vì họ tin là giá của nó sẽ tăng mạnh trong tương lai. Có những tuần giá củ Tulip đã tăng gấp đôi. Bên cạnh thương nhân, thợ nề, mục sư và cả luật sư cũng nhảy vào mua bán củ Tulip.

Năm 1636, số tiền mua một củ Tulip có thể mua được tổng cộng những thứ sau: 8 con lợn, 4 con bò, 12 con cừu, 24 tấn lúa mì, một con tàu, 1 chiếc giường ngủ, 48 tấn lúa mạch đen, 2 thùng rượu lớn, 4 thùng bia, 2 tấn bơ, 453 kg phô mai, 1 tách bạc (nguồn: Wikipedia)

Sau một khoảng thời gian tăng chóng mặt, vào tháng 2 năm 1637 giá hoa Tulip đã rơi xuống mức không ngờ. “Hội chứng hoa Tulip đã kết thúc nhanh chóng như khi nó bắt đầu” – Wikipedia.

Chính vì vậy mà gần đây mọi người đã so sánh Bitcoin với Hội chứng hoa Tulip khi cả hai có rất nhiều điểm tương đồng.

Giám đốc điều hành của JPMorgan, ông Jamie Dimon nhận định rằng “Bitcoin tệ hơn Hội chứng hoa Tulip” và “bong bóng đầu cơ này cuối cùng sẽ nổ tung”. Lời nhận xét này của ông Jamie Dimon được đưa ra từ hồi tháng 9, và từ đó đến nay thì Bitcoin đã tăng giá tới 268%. Mặc dù bong bóng giá Tulip đã tăng tới 1.100% trong vòng 1 tháng ở đỉnh điểm của sự điên rồ, nhưng có thể dễ dàng nhìn thấy sự giống nhau của hai hiện tượng này.

Andrew Kenningham, chuyên gia kinh tế toàn cầu của Capital Economics, viết: "Giống như Bitcoin, hoa tulip trở nên phổ biến vì sự kỳ lạ và hiếm có của chúng, và bởi vì chúng mới xuất hiện từ Đế chế Ottoman vào cuối thế kỷ 16".

Ngoài đặc điểm là một yếu tố mới mẻ, Bitcoin và hoa Tulip đều chỉ được yêu thích bởi một nhóm đối tượng, chứ không phải tất cả dân số. Trong khi phần lớn dân số Hà Lan nói về hoa Tulip, thì nó chỉ được buôn bán trao đổi giữa các tầng lớp quý tộc và người giàu có, những người có thể mua hoa với giá cao. Bitcoin cũng vậy, nó chỉ có lợi đối với những người yêu thích và tham gia giao dịch từ những ngày đầu. Mức giá cao hiện tại của nó đã ngăn cản số đông tham gia giao dịch loại tiền điện tử này.

Với sự cường điệu của các phương tiện truyền thông mà ngày càng nhiều người tham gia “đào tiền ảo”, với lưu lượng truy cập cao kỷ lục ở các giao dịch Bitcoin. Tuy nhiên số lượng người này vẫn còn là tương đối nhỏ so với dân số, khiến cho Bitcoin giống Hội chứng hoa Tulip hơn là Cuộc khủng hoảng nhà ở năm 2007 hoặc bong bóng công nghệ năm 2000.

Theo ông Kenningham, nếu bong bóng Bitcoin vỡ, ảnh hưởng của nó chỉ tương đương với sự sụt giảm 0,6% của thị trường chứng khoán. Theo CoinMarketCap.com, Bitcoin vẫn là một tài sản tương đối nhỏ, với mức vốn hóa thị trường khoảng 240 tỷ USD. Trong khi đó, các công ty trong S&P 500 có tổng giá trị lên đến 24.800 tỷ USD (theo dữ liệu từ Bloomberg).

Nếu sự sụp đổ của thị trường chứng khoán có thể gây nên những tác động khủng khiếp đến xã hội, thì ảnh hưởng từ “vụ nổ” bong bóng Bitcoin có thể không lớn. Theo Kenningham, những nhà đầu tư cá nhân vào tiền điện tử sẽ cảm nhận được sự đau đớn, trong khi các định chế tài chính sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

Sau khi giá hoa Tulip rớt thảm hại, các ủy ban đặc biệt đã được thành lập ở Hà Lan để giúp giải quyết tình trạng tài chính rối ren, nhưng nền kinh tế của quốc gia này vẫn tiếp tục phát triển trong những năm sau đó. Hệ thống thương mại được xây dựng xung quanh hoa tulip đã sụp đổ, nhưng phần lớn hệ thống tài chính của đất nước vẫn tiếp tục đi lên.

"Không có sự tương quan giữa giá Bitcoin và các tài sản rủi ro khác, do đó sự giảm giá Bitcoin không ảnh hưởng đến các lĩnh vực tài chính rộng lớn hơn", ông Kenningham nhận định.